Đà Nẵng chung tay cùng cả nước “gỡ” thẻ vàng

Thứ hai, 28/05/2018 08:54

Cuối tháng 10-2017, ngành Thủy sản Việt Nam bàng hoàng vì thông tin Liên minh Châu Âu (EU) công bố “giơ thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Điều đó có nghĩa, 100% lô hàng thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam bị kiểm tra hồ sơ nguồn gốc sản phẩm khai thác. Trong thời gian 6 tháng, Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu mà EU đưa ra, có nghĩa các mặt hàng thủy sản sẽ bị cấm hoàn toàn việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU.

Ngư dân sửa lưới trước khi rời âu thuyền Thọ Quang đánh bắt xa bờ. Ảnh: baobinhduong.vn

Trước thực trạng trên, ngành Thủy sản Đà Nẵng đã “ráo riết” vào cuộc, tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp nhằm hạn chế những sai sót trong quá trình khai thác, đánh bắt. Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Duy Hải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng, cho biết: Hiện tại, ngành Thủy sản Đà Nẵng đã và đang tham mưu cho lãnh đạo Sở NN&PTNT trình UBND thành phố ban hành các văn bản mang tính quy phạm pháp luật đối với công tác kiểm tra, giám sát việc đánh bắt của ngư dân. UBND thành phố giao Sở NN&PTNT thành lập Văn phòng kiểm soát nghề cá, gồm các lực lượng: Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng, Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Trong đó, lực lượng Biên phòng có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá trước khi xuất bến. Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang làm công việc thanh tra, kiểm tra và kiểm soát khi tàu về bến và lực lượng Thanh tra thủy sản có nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm pháp luật thủy sản trên các vùng biển nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt sai vùng, sai tuyến và các đối tượng sử dụng xung điện, chất nổ... để khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản đã tổ chức tuyên truyền cho 570 chủ tàu cá có công suất từ 90cv trở lên, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thủy sản, các đầu nậu chuyên thu mua cá tại cảng cá Thọ Quang về hoạt động thanh tra, kiểm tra các tàu cá khi xuất bến và về bến; thông tin về kết quả xử lý các vi phạm pháp luật thủy sản trên các vùng biển...

Theo ông Dương Hiển Đông - Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế Chi cục Thủy sản: Từ đầu năm đến nay, lực lượng Thanh tra - Pháp chế kết hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra đối với 266 tàu cá về các nội dung chấp hành các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, việc khai thác hải sản bất hợp pháp. Qua kiểm tra, đã phát hiện 28 trường hợp vi phạm các nội dung khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ của địa phương khác, không ghi nhật ký khai thác, không có sổ nhật ký khai thác thủy sản..., xử phạt số tiền 26.150.000 đồng.

Về phía ngư dân, ông Tình - chủ tàu cá QNa-96xx, trao đổi với chúng tôi: Việc Nhà nước áp dụng đồng bộ các biện pháp tuần tra, kiểm soát, ghi nhật ký khai thác hải sản đã hạn chế tình trạng đánh bắt theo kiểu tận diệt, hạn chế nạn khai thác hải sản trên vùng biển không được cho phép, góp phần nâng cao giá trị hải sản của Việt Nam. Ông Phan Thanh Dũng - Đầu nậu chuyên thu mua hải sản, trú P. Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng, trao đổi: Việc bắt buộc các tàu cá cập nhật chi tiết nhật ký đánh bắt sẽ dễ dàng truy xuất nguồn gốc đồng thời góp phần làm minh bạch hơn đối với hoạt động nghề cá và tăng giá trị sản phẩm thủy sản Việt Nam khi nhập vào EU. Ngoài ra, khi thực hiện đầy đủ 9 khuyến nghị EU đưa ra sẽ góp phần làm ổn định thị trường xuất khẩu thủy sản, tránh việc bị bấp bênh như hiện nay.

Hy vọng, với sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc, Đà Nẵng sẽ thực hiện tốt các tiêu chí về khai thác thủy hải sản trên biển và chung tay cùng cả nước “gỡ” thẻ vàng mà EU đã cảnh báo đối với mặt hàng xuất khẩu hải sản của Việt Nam.

M.T

9 khuyến nghị EU yêu cầu Việt Nam thực hiện

* Sửa đổi khung pháp lý để đảm bảo tuân thủ các quy tắc quốc tế và khu vực áp dụng cho việc bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản;

* Đảm bảo thực hiện và thực thi có hiệu quả của pháp luật quốc gia sửa đổi;

* Tăng cường việc thực hiện có hiệu quả các quy tắc quốc tế và các biện pháp quản lý thông qua một chế độ xử phạt đầy đủ được thực thi và theo dõi;

* Khắc phục những thiếu sót đã được xác định trong thanh tra, kiểm soát và giám sát liên quan đến các yêu cầu đặt ra của các quy định quốc tế và khu vực cũng như trong khuôn khổ hệ thống chứng nhận khai thác;

* Tăng cường quản lý và cải tiến hệ thống đăng ký và cấp phép khai thác;

* Cân bằng năng lực khai thác và chính sách đội tàu cá;

* Tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản và thực hiện tất cả các bước cần thiết phù hợp với luật pháp quốc tế để ngăn chặn các sản phẩm thủy sản đánh bắt bất hợp pháp được buôn bán và nhập khẩu vào lãnh thổ;

* Tăng cường và cải tiến hợp tác với các quốc gia (đặc biệt là các quốc gia ven biển trong vùng biển mà tàu thuyền treo cờ Việt Nam có thể hoạt động) phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế;

* Đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo và lưu giữ trong REMOS.