Chào mừng 20 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1-1-1997 – 1-1-2017)

Đà Nẵng, cuộc kiến tạo mới

Thứ bảy, 31/12/2016 12:01

* Nghị quyết 33 ra đời như thế nào?

* Nhân tố con người

(Cadn.com.vn) - 20 năm qua, kể từ ngày TP trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Cũng từ đây, nhiều bài học lớn đã được tích lũy, tạo hành trang cho sự phát triển của TP trong tương lai. Trong 20 năm tới, dư địa và điều kiện phát triển Đà Nẵng sẽ không thuận lợi như trước, đòi hỏi TP phải tìm một hướng đi mới, động lực mới. Sự định vị cho 20 năm tới phải bắt đầu từ hôm nay.

Đó cũng là những nội dung chính được bàn luận tại Hội thảo khoa học Đà Nẵng: 20 năm xây dựng, phát triển và định vị tương lai được tổ chức ngày 30-12.

Từ hành trang quá khứ

20 năm chỉ là một chớp mắt của lịch sử, một chặng đường không dài so với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất bên bờ sông Hàn, song cũng đủ để làm thay đổi diện mạo Đà Nẵng, từ một thành phố cấp 3 trực thuộc tỉnh trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, một trong những thành phố phát triển nhanh, mạnh, năng động của cả nước, là điểm đến hấp dẫn, thân thiện, yên bình đối với bạn bè trong nước và khách quý bốn phương. Thành tựu nổi bật của Đà Nẵng không chỉ là quy mô của nền kinh tế, việc huy động các nguồn lực phát triển hay công tác quy hoạch phát triển đô thị mà còn bởi các chương trình nhân văn, đặt con người vào trung tâm của sự phát triển, lấy hạnh phúc của người dân làm thước đo cho sự phát triển. Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, bài học lớn nhất tạo ra đột phá của Đà Nẵng chính là biết khơi dậy sức mạnh đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp dựng xây TP. Kế tiếp, phải kể đến tầm nhìn chiến lược của TP, đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để làm nền tảng động lực cho sự phát triển. Từ đột phá về giao thông  với những tuyến đường quan trọng ven biển, những cây cầu bắc qua sông Hàn hay việc mở rộng sân bay, cảng biển... đã làm thay đổi to lớn diện mạo TP. Đặc biệt với chủ trương “mở rộng bờ sông, kéo dài bờ biển”, Đà Nẵng đã tạo nên một đô thị có biển là mặt tiền thoáng đãng, có đôi bờ sông Hàn mềm như một dải lụa.

Hiện hữu cho những quyết sách táo bạo, đột phá để Đà Nẵng phát triển, chính là không gian đô thị đã mở rộng không ngừng. TP từ chỗ có diện tích nội ô chật hẹp đã mở rộng đến 21.300 ha, tăng gần gấp 4 lần so với năm 1997, từ việc chỉ có 360 đường phố, thì hiện nay Đà Nẵng đã có hơn 2.000 con đường. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng, có nhiều nguyên nhân giúp Đà Nẵng đạt được thành tựu to lớn ấy, song đáng kể nhất chính là chính sách linh động thu hút nguồn lực đầu tư để phát triển. 20 năm, Đà Nẵng đã huy động gần 260 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, tương đương gần 2,5% tổng vốn đầu tư của cả nước. Bên cạnh đó, hiệu quả từ chính sách tạo vốn đầu tư từ quỹ đất cũng là bài học quan trọng của Đà Nẵng. TP đã thực hiện thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất để triển khai gần 1.400 dự án với tổng diện tích hơn 17,5 ngàn ha; chuyển mục đích hơn 500ha đất quốc phòng để thực hiện hơn 150 dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hơn 100 ngàn hộ dân thực hiện di dời, giải tỏa để đầu tư dự án, tương ứng với gần 40% dân số toàn TP tại thời điểm chia tách. Chính nhờ quỹ đất đó, TP đã khai thác đầy đủ và hiệu quả, không chỉ góp phần thay đổi diện mạo của TP mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân có điều kiện tăng khả năng tích lũy vốn, tái sản xuất mở rộng, sống an cư với nhiều tiện ích tốt hơn, để lại dấu ấn đậm nét trong công tác huy động nguồn lực phát triển TP.

Cửa ngõ phía tây TP Đà Nẵng.

Định vị tương lai

Phác thảo hình ảnh của Đà Nẵng trong 20 năm tới, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho biết, kinh tế Đà Nẵng sẽ phát triển bền vững, năng lực cạnh tranh cao, các ngành dịch vụ  tạo giá trị gia tăng lớn đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.  Đà Nẵng khi đó sẽ là thành phố hạt nhân của vùng với vai trò trung tâm kinh tế, giao thông, logistics, du lịch, phân phối, tri thức, công nghệ cao... Một trong những mục tiêu mà Đà Nẵng kiên trì theo đuổi từ năm 2008 đó là xây dựng TP môi trường, 20 năm tới, Đà Nẵng sẽ đạt được mục tiêu này. Đặc biệt, Đà Nẵng định vị 20 năm tới sẽ thực sự trở thành một thành phố an bình, trở thành “điểm đến đáng sống” trong khu vực. Theo đó Đà Nẵng không có giết người cướp của; tội phạm ma túy trên địa bàn bị khống chế hoàn toàn và không có người nghiện hút hoặc tái nghiện trong cộng đồng; không có tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài; các chất hóa học nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp bị loại bỏ nhằm tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn; có mối liên kết chặt chẽ giữa bệnh nhân với hệ thống bảo hiểm y tế và dịch vụ y tế công cộng; hệ thống giáo dục từ bậc tiểu học cho đến đại học có chất lượng quốc tế...

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì Đà Nẵng là nơi hội tụ Bắc-Nam, hội tụ 2 cái khác biệt để tạo ra một sự khác biệt. Ông ví Đà Nẵng với hai bên là Hội An và Huế như 2 cái cánh gà, để Đà Nẵng là trung tâm hội nhập, kéo cả thế giới đến thì TP phải có tư duy “tiến vượt”. Tức là trong giai đoạn tới, Đà Nẵng không thể chọn cách phát triển tuần tự làm chủ đạo mà phải theo logic vượt cấp, đột phá, vươn nhanh tới hình mẫu hiện đại ở đẳng cấp cao nhất. Cách thức đua tranh phát triển của Đà Nẵng ngay từ đầu phải là đua tranh quốc tế chứ không chỉ là đua tranh khu vực, càng không phải là sự đua tranh mang tính địa phương. Bây giờ Đà Nẵng có sân bay, cảng biển, có trường đại học thì các địa phương khác cũng có, nếu không tiếp cận tư duy vượt cấp, cứ cạnh tranh trong nhóm “dàn hàng ngang” thì Đà Nẵng sẽ tụt lại và tụt hậu xa hơn, sẽ không thể lan tỏa và dẫn dắt công cuộc phát triển vùng.

Theo phân tích của ông Thiên, sở dĩ Singapore phát triển là nhờ nhận diện đúng lợi thế tự nhiên của mình trong thời đại mới. Họ đã nỗ lực biến mình thành tọa độ “hội nhập quốc tế”, thành đô thị hiện đại thuộc “thế giới thứ nhất” nằm giữa một vùng thuộc “thế giới thứ 3” bằng cách xây dựng tại vùng đất nhỏ hẹp một trung tâm trung chuyển quốc tế với cảng biển và cảng hàng không hiện đại. Tương tự là Dubai, nhờ tầm nhìn tiến vượt, họ đã biến mình thành một trung tâm hội chợ quốc tế hàng đầu, một địa chỉ du lịch đặc sắc và đẳng cấp cao. Dân số Dubai chỉ 2 triệu người nhưng họ xây dựng sân bay cho 60 triệu lượt người mỗi năm, họ tổ chức hội chợ quanh năm. Tư duy của họ là kéo những người giàu khắp thế giới đến tiêu tiền chứ không phải người nghèo tới tìm cơ hội làm ăn. Điều kiện tự nhiên của Đà Nẵng tốt hơn nhiều Singapore, Đà Nẵng cũng đang có đầy khát vọng, trí tuệ nên hoàn toàn có thể làm được như vậy.

Đà Nẵng với khát vọng to lớn đang đặt ra mục tiêu rất lớn cho hành trình phát triển 20 năm tới. Tất nhiên, để đạt được điều đó, TP sẽ phải vượt qua rất nhiều thách thức nội tại, ví như phát triển nguồn nhân lực, giữ bản sắc người Đà Nẵng, giữ lại những di sản tinh thần vô giá được xác lập trong suốt chặng đường lịch sử. Với hành trang tri thức, với những bài học kinh nghiệm cùng nền tảng hạ tầng vốn có, tin rằng tương lai Đà Nẵng sẽ phát triển như kỳ vọng.

Thành Nam