Chào mừng 20 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1-1-1997 – 1-1-2017)

Ông Lê Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng: Cái gốc của kinh doanh xuất phát từ văn hóa

Thứ bảy, 31/12/2016 12:25

(Cadn.com.vn) - Trao đổi với ông Lê Vinh Quang – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng, sở hữu các thương hiệu taxi Tiên Sa, Vàng, Faifo, với cả nghìn xe taxi đang vận hành khắp các tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên, chúng tôi nhận ra khá nhiều điều thú vị, đặc biệt là vai trò của chính quyền đối với thành bại của doanh nghiệp.

Theo cách nào đó, thành công của Cty Phú Hoàng là câu chuyện cụ thể phản ánh sự thành công của TP Đà Nẵng trong những năm qua.

Ông Lê Vinh Quang

P.V: Ông quan niệm thế nào là thành công?

Ông Lê Vinh Quang: Có người bảo, chức vụ là thước đo của thành công; lại cũng có người nói thành công là kiếm được nhiều tiền. Nhưng tôi chưa bao giờ tin chức vụ hay tiền bạc là thước đo thành công. Ông Nguyễn Bá Thanh (cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) có nói một câu tôi cho là chí lý: “Không ai nhớ anh giữ chức gì đâu”. Thú thực là tôi không rõ thế nào là thành công đâu. Mà chắc là cũng chẳng có thước đo nào tin cậy được, bởi quan niệm nó tùy thuộc vào cách nhìn của mỗi người. Nhưng có một điều tôi cho là quan trọng trên hành trình tìm kiếm sự thành công. Đó là trách nhiệm xã hội và tinh thần chia sẻ. Tôi rất ngưỡng mộ Bạch Thái Bưởi và Mark Zuckerberg về điều này (Bạch Thái Bưởi, doanh nhân bậc nhất Việt Nam đầu thế kỷ XX, luôn đề cao tinh thần dân tộc; Mark Zuckerberg – cha đẻ của Facebook, nguyện đem gần như toàn bộ tài sản để làm từ thiện – P.V).

Thú thực là, khi ra trường, đi làm, tôi chủ yếu là kiếm đủ sống thôi chứ không nghĩ sâu xa gì về trách nhiệm xã hội cho lắm. Nhưng khi bắt tay vào xây dựng doanh nghiệp của riêng mình, có nhiều điều phải suy nghĩ hơn. Chẳng hạn như tên gọi Cty. Thương hiệu Phú Hoàng thực ra là tên gọi của cơ sở kinh doanh do cha tôi làm chủ, ra đời ở Hội An từ năm 1965. Chữ “Hoàng” được lấy từ tên anh trai tôi. Anh ấy đã hy sinh trong chiến tranh. Hồi trước, Phú Hoàng là một cơ sở sản xuất, kinh doanh tổng hợp, chuyên cung cấp nước đá, kem, bún, máy xay lúa... Sau giải phóng, đau buồn vì sự hy sinh của anh trai tôi, nên cha đã hiến hết tài sản cho Nhà nước, không kinh doanh nữa. Năm 2009, khi lấy lại thương hiệu Phú Hoàng, tôi ý thức được trách nhiệm nối tiếp truyền thống gia đình. Hay tên gọi taxi Tiên Sa, taxi Faifo, thực ra đó là tên gọi gắn với đất và người Đà Nẵng và Hội An quê tôi; chọn những tên gọi đó, chúng tôi phải có trách nhiệm nâng niu, bảo vệ, thể hiện qua tất cả các hoạt động.

P.V: Vào thời điểm ông khởi nghiệp, chính quyền TP có giúp gì nhiều không, thưa ông?

Ông Lê Vinh Quang: Trước khi taxi Tiên Sa ra đời, chưa có một doanh nghiệp taxi nào của chính người Đà Nẵng. Chúng tôi thuyết phục chính quyền thành phố rằng, một doanh nghiệp taxi của người Đà Nẵng ra đời hứa hẹn sẽ đáp ứng nhu cầu tốt hơn, phục vụ tốt hơn và đóng góp nhiều hơn cho địa phương. Sau khi nghe điều ấy, ông Nguyễn Bá Thanh, lúc đó là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP đã hết lòng ủng hộ chúng tôi.

Chính nhờ sự ủng hộ đó chúng tôi đã khởi sự thành công và có cơ hội đóng góp cho thành phố. Bên cạnh việc nộp thuế, phí, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động…, chúng tôi tham gia khá nhiều chương trình an sinh, từ thiện xã hội. Đơn cử, mỗi năm Cty Phú Hoàng dành hơn 1 tỷ đồng tham gia các chương trình an sinh xã hội, tuy rất nhỏ bé so với những khoản kinh phí của những đơn vị khác, nhưng chúng tôi đã thực sự rất nỗ lực. Cũng có thể coi đó là cách thức chúng tôi trả ơn cho sự giúp đỡ của chính quyền, người dân TP Đà Nẵng và các địa phương đóng chân.

Nhìn lại hành trình của mình, chúng tôi nhận ra rằng, không ngẫu nhiên Đà Nẵng luôn đứng đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI). Tôi cũng xin nói ngay là, nếu không phải ra đời và phát triển ở Đà Nẵng, chúng tôi có thể rất khó đạt được kết quả như hiện nay. Tôi mong chính quyền thành phố tiếp tục phát huy tinh thần tương trợ, giúp đỡ doanh nghiệp. Tôi hình dung điều đó như viên gạch đặt nền móng cho sự phát triển bền vững và đầy tính nhân văn của TP Đà Nẵng.

P.V: Hẳn là phải có một triết lý, hay một ý niệm nhân văn nào đó ẩn chứa phía sau những hoạt động xã hội của bản thân ông và Cty Phú Hoàng?

Ông Lê Vinh Quang: Xin kể một câu chuyện. Cách đây ít lâu, chúng tôi mở dịch vụ taxi ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Xét theo các tiêu chí cơ bản trong kinh doanh, đây là một quyết định rất… kém. Bởi lẽ, khó có thể kiếm được lợi nhuận từ hòn đảo này. Trước khi chúng tôi đưa taxi ra đảo, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị nhiều đơn vị, nhưng ai cũng từ chối. Nhưng điều khiến chúng tôi quyết định đầu tư ở Lý Sơn là bởi, nơi đây gắn bó sâu sắc với việc xác lập chủ quyền Tổ quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Người dân trên đảo là hậu duệ của những người đi biển can trường nhất, đã vươn khơi từ hàng thế kỷ trước để cắm mốc chủ quyền ở Hoàng Sa. Chúng tôi mong muốn làm được điều gì đó với cư dân huyện đảo. Ngày taxi Tiên Sa được đưa ra đảo, có những cụ già chưa bao giờ được đi ô-tô trong đời. Họ thật sự rất xúc động. Chúng tôi nhận ra đã làm được điều gì đó, dù vô cùng nhỏ nhoi, với cư dân huyện đảo. Sau này, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi nói với chúng tôi rằng, năm 2015, Lý Sơn có 2 việc chưa từng có, là điện lưới Quốc gia và taxi đã ra đến đảo!

Từ những sự việc như thế, tôi nhận ra rằng, việc kinh doanh không thể chỉ vì lợi nhuận. Theo cách nào đó, cái gốc của kinh doanh xuất phát từ văn hóa, người kinh doanh không chỉ tìm kiếm lợi nhuận mà còn tìm kiếm cả lẽ sống trong thương trường.

Phương Dung
(thực hiện)