Đà Nẵng, đầu tư công nghệ thông tin tạo sức bật mới
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng, những gì lợi thế sẵn có của Đà Nẵng gần như đã được khai thác ở mức xấp xỉ tối đa. Vấn đề còn lại là phải tìm ra giải pháp khác biệt mới để tăng sức hấp dẫn, như xây dựng thành phố thông minh, tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) để Đà Nẵng xứng đáng là đô thị động lực cho cả vùng và hướng đến sự phát triển bền vững.
Ông Đặng Việt Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo ứng dụng và phát triển CNTT Đà Nẵng vừa được vinh danh các Lãnh đạo CNTT và An ninh thông tin tiêu biểu khu vực Đông Nam Á. |
CNTT phục vụ công dân tốt hơn!
Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng và vận hành được hệ thống thông tin chính quyền điện tử tập trung, đồng bộ trong toàn bộ các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, phường, xã. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã và đang triển khai Đề án thành phố thông minh. Theo đó, các ứng dụng CNTT sẽ được áp dụng tối đa trong quản lý điều hành, đặc biệt trong lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC) để nâng cao đáng kể chất lượng dịch vụ công, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho người dân, cho doanh nghiệp (DN), hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực.
Đơn cử, năm 2017, để giảm thời gian chờ đợi của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khi có nhu cầu về thủ tục hành chính (TTHC) tại các sở, ngành, quận, huyện, thành phố triển khai tiện ích hẹn giờ giao dịch hành chính qua tổng đài 1022 hoặc tin nhắn 8188. Dự kiến trong năm 2018, sẽ nhân rộng mô hình này đến một số bệnh viện trên địa bàn để giảm quá tải cho các bệnh viện, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân; sử dụng văn bản điện tử và chữ ký số thay cho văn bản giấy; hoàn thiện và mở rộng hạ tầng CNTT – TT đồng bộ, hiện đại tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đô thị, quản lý tài nguyên, kiểm soát ô nhiễm và an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Thế Trung- Tổng Giám đốc Cty Công nghệ DTT, đơn vị tham gia vào mảng kiến trúc chính quyền điện tử thành phố cho biết, Đà Nẵng đã trở thành một hình mẫu, là 1 trong 5 dự án Chính quyền điện tử điển hình do Tổ chức các địa phương xây dựng nền tảng chính quyền điện tử trên thế giới bình chọn. Đây là mô hình đáng được các Bộ, ngành địa phương nghiên cứu nhân rộng.
Cũng theo ông Trung, để đưa các ứng dụng CNTT- TT phục vụ rộng rãi công dân, tổ chức và DN đòi hỏi các chỉ số về chính sách CNTT, hạ tầng kỹ thuật CNTT, ứng dụng CNTT, nguồn nhân lực CNTT của thành phố phải được chú trọng đầu tư kịp thời.
Những thành tựu về CNTT của Đà Nẵng trong những năm qua luôn được cả nước và quốc tế công nhận bằng các giải thưởng “Thành phố thông minh hơn năm 2012“; giải thưởng WeGo 2014 của Tổ chức Chính phủ điện tử thế giới, đặc biệt có đến 8 năm liên tục (2009 – 2016), Đà Nẵng đứng đầu về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT trong bảng xếp hạng dành cho các địa phương trên cả nước. Đồng thời, Đà Nẵng là thành phố đầu tiên xây dựng thành công mô hình chính quyền điện tử.
Rõ ràng, người dân và các tổ chức trên địa bàn thành phố đã được tiếp cận thông tin, các dịch vụ công một cách bình đẳng, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình sử dụng các dịch vụ công.
Dự án Công viên phần mềm số 2 (của tập đoàn Semcorp – Singapore) sẽ khởi công trong dịp APEC 2017. |
Ưu tiên đầu tư CNTT
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 60 DN FDI đầu tư trong lĩnh vực CNTT. Đây là kết quả đáng khích lệ trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, so với tiềm năng sẵn có thì kết quả này vẫn chưa tương xứng. Điều này xuất phát từ nguồn nhân lực CNTT thành phố còn hạn chế dẫn đến nhiều nhà đầu tư đắn đo khi quyết định đầu tư vào Đà Nẵng. Bên cạnh đó, chậm triển khai hoàn thiện các Khu CNTT tập trung để có mặt bằng sẵn cho nhà đầu tư.
Theo Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ, Nghị quyết Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXI xác định phát triển công nghiệp CNTT, công nghệ cao là một trong 3 nhóm giải pháp đột phá để phát triển kinh tế xã hội thành phố giai đoạn 2016 – 2020. Do đó, thành phố sẽ tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp CNTT, công nghệ cao bằng các nhiệm vụ cụ thể như: Nhanh chóng hoàn thành xây dựng Khu CNTT Đà Nẵng; Hoàn tất thủ tục để khởi công xây dựng Khu công viên phần mềm số 2; hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành và đưa vào hoạt động giai đoạn 2 Khu phức hợp sản xuất phần mềm FPT Complex 5,9ha; Khởi động lại dự án Khu CNTT tập trung; đầu tư xây dựng giai đoạn 2 Khu công nghệ cao...
Đánh giá về tình hình đầu tư và phát triển CNTT, ông Phạm Kim Sơn- nguyên Giám đốc Sở TT & TT cho biết, kể từ năm 2000, CNTT Đà Nẵng từ con số không nhưng, sau 17 năm ngành CNTT có những bước phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 30%/năm, xuất khẩu phần mềm cán đích 100 triệu USD năm 2016, thu hút hàng ngàn lao động chất lượng cao. Nhiều tập đoàn CNTT lớn đã có mặt tại Đà Nẵng như tập đoàn FPT, Enclave, DTT, Toàn Cầu Xanh, Axon Active, Foster... Chỉ riêng, Khu Công viên phần mềm Quang Trung có đến 75 DN thuộc các lĩnh vực CNTT với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 2.300 lao động, doanh thu tăng bình quân qua các năm là 21%, nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng mỗi năm... Và nếu tính đến nay, trên địa bàn thành phố có hơn 500 doanh nghiệp CNTT đang hoạt động.
Ông Sơn cũng cho rằng, để tạo không gian phát triển cho ngành công nghiệp CNTT, sẵn sàng đón các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến làm việc, thì thành phố cần tập trung nguồn lực, hoặc kêu gọi đầu tư xây dựng các Khu NCTT tập trung; xây dựng hạ tầng môi trường số rộng khắp trên toàn thành phố có đầy đủ các thành phần như: mạng đô thị, mạng không dây (wifi), Trung tâm dữ liệu, Trung tâm thông tin dịch vụ công kết nối các cơ quan chính quyền với người dân và doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực phục vụ cho phát triển CNTT...
“Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ đạo, Đà Nẵng cần xác định rõ tầm nhìn chiến lược phát triển hướng đến thành phố thông minh, cạnh tranh với các thành phố đẹp, hiện đại của cả khu vực và thế giới như Singapore, Hồng Kông,... thì việc ưu tiên đột phá đầu tư cho CNTT là cần thiết“, ông Sơn gợi ý.
XUÂN ĐƯƠNG