Đà Nẵng "đi trước" về giảm nghèo đa chiều

Thứ hai, 25/04/2016 09:43

(Cadn.com.vn) - Phương pháp giảm nghèo đa chiều vừa được áp dụng tại Việt Nam với mong muốn hộ nghèo thuộc diện nghèo đa chiều sẽ được xác định dựa vào nhiều yếu tố chứ không chỉ về thu nhập. Tuy nhiên, tại Đà Nẵng, nhiều chỉ tiêu đo lường nghèo đa chiều đã "lạc hậu" và cần có cách tiếp cận mới hơn.

Việc đo lường nghèo đa chiều ở Việt Nam hiện được áp dụng dựa trên 5 chiều gồm: Giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Tương ứng với các chiều đó cũng có 10 chỉ số cụ thể để tính điểm như: trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em; tiếp cận dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế; chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt, hố xí/ nhà tiêu; sử dụng dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, tại Đà Nẵng nhiều năm qua, thành phố đã có những chính sách, chương trình hỗ trợ vượt trội để giúp hộ nghèo. Chỉ qua 2 năm thực hiện Đề án giảm nghèo, Đà Nẵng đã vận động được hơn 1.400 tỷ đồng, giúp cho hơn 23.000 hộ thoát nghèo, về đích trước 2 năm so với mục tiêu mà thành phố đặt ra.

Thạc sĩ Phạm Minh Thu, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc xác định hộ nghèo thuộc diện nghèo đa chiều sẽ dựa vào nhiều yếu tố trên nguyên tắc tính điểm các chỉ số đo lường. Trong đó, các chiều thể hiện quyền được đáp ứng các nhóm nhu cầu cơ bản, sẽ được cho điểm bằng nhau và các nhóm quyền có vai trò quan trọng ngang bằng nhau. Tổng điểm của tất cả các chỉ số thiếu hụt sẽ cộng thành điểm thiếu hụt chung của cả hộ. Có nghĩa là nếu điểm thiếu hụt chung này nhiều hơn chuẩn nghèo thì hộ đó sẽ bị coi là nghèo đa chiều.

Trao vốn cho hộ nghèo tại quận Liên Chiểu.

Trong một cuộc khảo sát, đánh giá nhỏ do Tổ chức Oxfam phối hợp thực hiện tại Đà Nẵng mới đây, báo cáo đánh giá cho thấy các chính sách giảm nghèo của thành phố đã quan tâm đến các khía cạnh đa chiều của nghèo và có nhiều chính sách vượt trội hơn so với Trung ương. Đồng thời, một số chỉ số đo lường nghèo đa chiều của Trung ương đã "lạc hậu" so với thực tế tại Đà Nẵng. Các chỉ số "giáo dục trẻ em", "nhà ở", "nước sạch", "hố xí", "tài sản tiếp cận thông tin" hầu như không còn thiếu hụt.

Với  mức chuẩn hộ nghèo mới được áp dụng trong giai đoạn 2016-2020 (mức thu nhập 1,1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị), Đà Nẵng hiện có hơn 23.000 hộ nghèo, chiếm 9,18% tổng số hộ dân toàn thành phố. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Bảo trợ thuộc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết, việc phát triển kinh tế cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh nên Đà Nẵng đã có những cách làm, biện pháp đồng bộ huy động tổng lực nhằm giải quyết khía cạnh nghèo đặc thù và những nhóm nghèo mới tại khu vực đô thị. Nói về vấn đề này, ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng- Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho biết, quan trọng nhất là mỗi địa phương cần nắm bắt được những chiều nào hộ nghèo còn thiếu hụt ở mặt nào, hay đơn giản là thiếu hụt ở mức nào, để từ đó có những giải pháp hỗ trợ cần thiết.

Như vậy, theo mức chuẩn nghèo mới, mỗi năm Đà Nẵng phấn đấu sẽ hỗ trợ từ 400 đến 600 hộ thoát nghèo và đến năm 2020, thành phố hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn mới. Theo bà Hương, để đạt mục tiêu này, Đà Nẵng tiếp tục áp dụng nhiều chính sách đột phá như: nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ hộ nghèo xây mới nhà ở, đẩy mạnh phong trào giúp đỡ nhau phát triển kinh tế để thoát nghèo... "Chúng tôi sẽ nghiên cứu và có những đánh giá tổng quát đồng thời đề xuất mở rộng thêm một số chỉ số đo lường khác cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương như: việc làm hay BHXH" - bà Hương nói.

Mộc Miên