Đà Nẵng giải áp lực phát triển “nóng” của đô thị thế nào?

Thứ sáu, 13/07/2018 08:57

Không tiếc tiền đầu tư cho văn hóa, tập trung nguồn lực để khắc phục những bất cập nảy sinh trong quá trình phát triển “nóng” của đô thị là những nội dung được đề cập nhiều tại nghị trường Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng ngày 12-7.

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ giải trình trước HĐND TP.

Thương lượng lấy lại sân Chi Lăng

Trong phần tiếp thu và giải trình trước HĐND ngày 12-7, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết TP sẽ thương lượng để lấy lại sân vận động (SVĐ) Chi Lăng phục vụ phát triển văn hóa, xã hội. Trước đó, vào năm 2011, SVĐ được coi là “thánh địa” thể thao rộng hơn 55 ngàn m2 với 4 mặt tiền trung tâm TP đã được bán thần tốc cho Tập đoàn Thiên Thanh, sau đó được chia nhỏ thành 14 lô cầm cố ngân hàng, hiện 14 “mảnh vỡ” này đang trong quá trình thi hành án. Ông Thơ nói, UBND TP đã báo cáo Thường trực Thành ủy để xin chủ trương, báo cáo với Thủ tướng, Tòa án để tiến hành thương lượng với các bên liên quan nhằm lấy lại sân Chi Lăng. UBND TP không ủng hộ chia sân Chi Lăng thành 14 lô, đang quyết tâm chuẩn bị nguồn lực để lấy lại sân Chi Lăng phục vụ phát triển văn hóa, xã hội.

Việc từ năm 2011 SVĐ Chi Lăng được bán cũng góp phần khiến thành tích của  thể thao Đà Nẵng không cao. Ông Huỳnh Văn Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao trong phần trả lời chất vấn cử tri vì sao thành tích thể thao Đà Nẵng thấp đã nói, đó là một thực tế cần nhìn thẳng vào sự thật. Bởi lẽ, SVĐ Chi Lăng không chỉ là sân bóng đá, còn là nơi tập luyện nhiều môn khác như điền kinh, các môn võ, cử tạ, bóng bàn... Sân Hòa Xuân chỉ là sân bóng chứ không phải sân vận động như Chi Lăng. Vì không còn sân Chi Lăng nên cơ sở vật chất tập luyện các môn thể thao khác không có, phải lang thang nay tập chỗ này, mai chỗ khác, cơ sở bấp bênh, thành tích thấp cũng dễ hiểu. “Khu liên hiệp thể thao Hòa Xuân hiện giờ vẫn chưa xong, đường chạy điền kinh, các môn ngoài trời vẫn vướng 12 hộ dân chưa giải tỏa xong, vì thế thể thao thành tích cao của Đà Nẵng thiếu cơ sở tập luyện”- ông Hùng nói. 

Không tiếc tiền cho văn hóa

Cũng trong phiên chất vấn sáng 12-7, rất nhiều ĐB quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở Văn hóa – thể thao Huỳnh Văn Hùng. Về câu hỏi liên quan tới thu nhạc cụ biểu diễn âm nhạc đường phố của nhóm sinh viên tại Sơn Trà, ông Hùng nói nhóm sinh viên vi phạm thì có, nhưng sai phạm thì không. Hoạt động biểu diễn âm nhạc đường phố là bình thường, còn việc du khách cho tiền, hiện trong luật cũng chưa có quy định. Việc xử lý thu nhạc cụ, theo ông Hùng không sai, nhưng không hợp lý, cần nhắc nhở trước khi tịch thu. Về các thiết chế văn hóa xã phường, ông Hùng cho biết hiện 18 xã phường chưa có thiết chế này. Trong quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa đã có đất, vì thế không lo thiếu quỹ đất cho văn hóa. Cái ông Hùng lo là việc xã hội hóa các công trình văn hóa làm sao đảm bảo hài hòa được lợi ích doanh nghiệp và người dân. Bởi lẽ các nhà đầu tư thường tính nhiều đến lợi ích của mình, còn người dân không được hưởng thụ văn hóa nhiều. Vì thế, phương án khả dĩ nhất, theo ông Hùng là TP đầu tư thiết chế văn hóa sau đó cho thuê hoặc liên kết với tư nhân khai thác, đảm bảo lợi ích hài hòa hai bên.

Liên quan tới Trung tâm văn hóa TP nhiều lần di dời, chuyển địa điểm, gây khó khăn cho hoạt động văn hóa, Chủ tịch HĐND Nguyễn Nho Trung cho biết đến nay TP đã thống nhất chọn tầng 3 của Trung tâm Hội chợ triển lãm làm Trung tâm văn hóa. Về Dự án công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, ông Hùng cho biết có tổng diện tích hơn 100 ha, đã thực hiện giải tỏa dân một số tuyến đường, đã thay đổi quy hoạch so với trước đây, hiện phương án quy hoạch mới đã xong, đang trình TP. Tuy nhiên cái khó khăn là việc kêu gọi nhà đầu tư, đã từng vào Suối Tiên mời gọi, họ ra khảo sát nhưng không mặn mà. TP sẽ tiếp tục xúc tiến tìm nhà đầu tư mới. Liên quan tới các di tích có giá trị nhưng chưa được xếp hạng, cần phải cấp bách bảo vệ trước cuộc xâm lấn đô thị hóa, ông Hùng cho biết từ sau vụ việc khu du lịch Nam Ô, đây là việc rất đáng quan tâm, ngành văn hóa sẽ có giải pháp thiết thực cho vấn đề này.

Chủ tịch HĐND Nguyễn Nho Trung đề nghị ngành văn hóa, thể thao cần rà soát lại quỹ đất cho văn hóa, thể thao gắn với quy hoạch chung của TP, đồng thời phải có bản lĩnh, đeo bám, phải xem đây là đất của mình, kiên quyết không cho xâm lấn làm công trình khác. Ông Trung cũng đề nghị ngành văn hóa cần rà soát lại phê duyệt các thiết chế văn hóa cơ sở đã làm, đi đôi với phân kỳ đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng; tiếp tục thực hiện chủ trương năm văn hóa văn minh đô thị, kiên quyết xử lý các hành vi chèo kéo khách, ăn xin biến tướng, dán quảng cáo mất mỹ quan... Đà Nẵng là TP du lịch, không thể để những việc này làm mất hình ảnh, thương hiệu. Đặc biệt, ông Trung yêu cầu phải khẩn trương có giải pháp bảo vệ các di tích có giá trị nhưng chưa được xếp hạng, cần phải đầu tư mạnh mẽ xây dựng các thiết chế cơ sở. “Chúng ta có thể thiếu các tòa nhà, các khu đô thị, chúng ta có thể chưa ăn no, mặc đẹp nhưng chúng ta không thể thiếu các thiết chế văn hóa. Đời sống tinh thần phải song hành vật chất, nếu không quan tâm tới các thiết chế văn hóa sẽ phải trả giá” – ông Trung nói.

Tích cực sửa sai trong quy hoạch

Giải trình trước HĐND, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ nói TP đã bỏ kinh phí rất lớn mời tư vấn quốc tế tiến hành quy hoạch TP, coi đây là kim chỉ nam để phát triển, huy động các nguồn lực đầu tư. Bởi lẽ những quy hoạch cũ đã bộc lộ nhiều hạn chế, cần phải khắc phục, sửa sai. Theo đó, TP rất quyết tâm thực hiện quy hoạch mới, không chỉ bây giờ mà nhiều thế hệ lãnh đạo tiếp theo cũng vậy. Hướng quy hoạch mới sẽ mở rộng khả năng tiếp cận không gian biển của người dân, tăng bãi đỗ xe, tăng công viên... đây đều là việc lớn, không dễ, không ít tốn kém, rất cần sự đồng thuận, chia sẻ để thực hiện thành công.

Về quản lý trật tự đô thị, ông Thơ cho biết thời gian tới sẽ rà soát, điều chỉnh bất cập trong quy hoạch; ban hành quy chế quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP trong đó có sự phối hợp giữa các lực lượng trong quản lý, xử lý. Theo ông Thơ, yếu kém trong quản lý trật tự xây dựng đã để lại hậu quả nặng nề, hình thành những khu vực trái phép, xây dựng trái phép phổ biến, giờ giải tỏa rất khó, chi phí cao. Những người đứng đầu để xảy ra sai phạm phải truy cứu trách nhiệm, không bao che, dung túng. Đặc biệt cấp quận, phường, nơi hàng ngày các việc sai phạm xảy ra nhưng không được giám sát, phát hiện, xử lý, thậm chí nhiều nơi dung túng, bao che, cần phải xử lý thích đáng.

Với 267 dự án giải tỏa đền bù dang dở, ông Thơ nói sẽ rà soát, phân loại, phân kỳ để có ưu tiên từng nhóm xử lý dứt điểm, không để tình trạng dân đi không được, ở không xong. “Phải chấn chỉnh trung tâm phát triển quỹ đất, cán bộ trung tâm có xu hướng hành chính hóa, quan liêu, ngại khó, ngại khổ, ngại tiếp xúc với dân”- ông Thơ nói.

Về những vướng mắc liên quan đến đất đai sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, ông Thơ nói Thành ủy, UBND TP rất quan tâm khắc phục sai phạm theo kết luật và đã đạt một số kết quả ban đầu. Nhưng hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Trong vấn đề này, ông Thơ nói đang thiếu cán bộ năng động, sáng tạo, chủ động tham mưu, đề xuất những giải pháp hiệu quả. “Ví dụ như việc chúng ta yêu cầu các nhà đầu tư thứ cấp để thu lại số tiền thất thoát 10% theo kết luận của Thanh tra Chính phủ là không có cơ sở. Chúng ta phải tìm những đối tượng sơ cấp, đối tượng được hưởng lợi từ việc giảm 10% để thu lại nhưng chúng ta lại không làm. Chúng ta đi báo cáo cấp trên, trong khi đó không phải việc của họ. Việc này chúng ta cứ thực hiện vì không vi phạm pháp luật, không cần xin phép ai cả”, ông Thơ nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cũng giải trình các vấn đề liên quan tới môi trường như Khu liên hiệp xử lý rác thải rắn tại Hòa Nhơn, Hệ thống thu gom nước mưa và nước thải, Đóng cửa 2 nhà máy thép gây ô nhiễm, ô nhiễm trong khai thác khoáng sản... Riêng vấn đề giao thông đô thị, ông Thơ nói TP đã triển khai đề án tăng cường phương tiện công cộng, giải pháp chống ùn tắc, điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải, ưu tiên bố trí quỹ đất xây các bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe thông minh... Sắp tới, TP sẽ tập trung đầu tư cải tạo các nút giao thông thường xuyên ùn tắc như cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý...

KIM THANH- HẢI HẬU