Đà Nẵng học hỏi kinh nghiệm quản lý, xử lý môi trường của Nhật Bản
(Cadn.com.vn) - Nhằm đánh giá thực trạng quản lý, xử lý nước thải trên địa bàn, học hỏi những kinh nghiệm của Nhật Bản để áp dụng vào công tác quản lý và xử lý nước thải tại TP Đà Nẵng, chiều 3-11, UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Thực trạng xử lý nước thải đô thị tại Đà Nẵng và áp dụng kinh nghiệm của Nhật Bản”.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Đà Nẵng là một đô thị lớn, là trung tâm KT-XH miền Trung, với vai trò là trung tâm dịch vụ cảng biển đầu mối giao thông quan trọng về vận chuyển và trung chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế. TP đang xây dựng TP môi trường vào năm 2020, do đó cần có những bước đi đúng hướng, phù hợp nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, nước và không khí, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư và du khách khi đến với TP; ngăn ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường, đặc biệt là vấn đề thoát nước và xử lý nước thải của TP.
Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn, đến năm 2020 toàn bộ lượng nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn quy định hiện hành khi xảy ra môi trường, xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ tiên tiến, đảm bảo thu gom 100% nước thải sinh hoạt vào hệ thống cống, 25% lượng nước thải được tái sử dụng, từng bước xây dựng hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn… Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng dân số, đô thị hóa ngày càng nhanh và tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, Đà Nẵng đang đối đầu với nhiều thách thức về môi trường, nhất là tình trạng nước thải đổ ra biển và ngập úng vào mùa mưa… Vì vậy, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị JICA tiếp tục hỗ trợ về tài chính và kinh nghiệm kỹ thuật thông qua dự án “Thoát nước và xử lý nước thải TP Đà Nẵng”; các bộ ngành trung ương quan tâm tạo điều kiện về kinh phí, kỹ thuật để JICA và TP Đà Nẵng có thể triển khai thực hiện dự án này…
Âu thuyền Thọ Quang cần được đầu tư xử lý ô nhiễm. |
Nêu thực trạng xử lý nước thải và thoát nước tại Đà Nẵng và các quy trình liên quan, TS Trần Văn Quang, Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho rằng, vấn đề thoát nước và xử lý nước thải đô thị là một trong những trở ngại lớn, đã và sẽ gây những ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút du lịch biển của TP Đà Nẵng. Đà Nẵng có 7 quận/huyện trên đất liền, nhưng mới có 4 trạm xử lý nước thải tập trung theo công nghệ bậc 1 (xử lý kỵ khí) hiệu quả xử lý thấp; nước thải sau xử lý có mùi hôi, chất lượng nước thải ra môi trường không đạt quy chuẩn theo quy định; hệ thống thoát nước tại khu vực trung tâm đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo khả năng thoát nước mưa, cũng như thu gom triệt để; hệ thống thoát nước của TP là nửa riêng, nên mùi hôi từ các giếng tách dòng, cửa thu nước đang là vấn đề bức xúc của thành phố… Đặc biệt, tại các cửa xả ven biển, nước thải vẫn chảy ra biển (từ KS Furama đến giáp tỉnh Quảng Nam có 34 cửa xả; từ đầu tuyến Nguyễn Tất Thành đến Lý Thái Tông có 21 cửa xả nước thải ra biển). Do đó, Đà Nẵng cần tận dụng các nguồn viện trợ của JICA sớm đầu tư nâng cấp các trạm xử lý nước thải…
Theo ông Kenichi Yamamoto, đại diện cấp cao JICA tại Việt Nam, với những khu phố mới của Đà Nẵng cần có khu thoát nước thải và nước mưa riêng mới có thể xử lý và thu gom phù hợp. Xu hướng mới của các nước Châu Âu, Châu Mỹ và các nước tiên tiến khác là đều áp dụng đường thoát nước riêng. Ông Kenichi cũng chỉ ra rằng việc xử lý hệ thống thoát nước hiện nay của TP dựa trên những thông tin đã kiểm tra, kiểm chứng và phân tích được thì có thể vận dụng những chương trình viện trợ ODA của JICA để cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống thoát nước cũng như xử lý nước thải của Đà Nẵng hiện nay. Đà Nẵng đang lo vấn đề ô nhiễm ven biển do nước thải đổ ra, nên đối với hệ thống thoát nước chung Đà Nẵng cần có biện pháp cải tạo cho phù hợp với điều kiện của TP mà không tốn kém nhiều chi phí…
Tại hội thảo, đại diện JICA cũng chia sẻ kinh nghiệm với Đà Nẵng về xử lý nước thải đô thị tại Nhật Bản, giới thiệu công nghệ xử lý nước thải của Nhật Bản phù hợp với TP Đà Nẵng… Hội thảo cũng được ông Nguyễn Hồng Tiến Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) phổ biến Nghị định số 80/2014/NĐ-CP của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp (sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-1-2015) và Quyết định số 1930/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050”.
Xuân Đương