Đà Nẵng làm đập tạm chặn băng sông Cẩm Lệ để ngăn mặn
Ngày 27-4, ông Hồ Minh Nam – Phó Tổng Giám đốc Cty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản đồng ý để xuất của Cty về việc hoàn chỉnh khoảng 50m cuối cùng của đập tạm chặn sông Cẩm Lệ (phía dưới chân cầu Nguyễn Tri Phương) nhằm ngăn mặn xâm nhập từ phía hạ lưu.
Ngoài việc chặn băng sông, cao trình của đập tạm cũng được hạ xuống để vừa trữ ngọt nhưng cũng đảm bảo nước lưu thông. |
Theo đo đếm của Dawaco, từ đầu năm 2020 đến nay, độ mặn nước sông tại cửa lấy nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ lớn hơn rất nhiều so với trung bình các năm qua, tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng nước sinh hoạt vào mùa hè. Sau nhánh đập tạm số 1 dài 180m được hoàn thành trước Tết Nguyên đán, Dawaco đã thực hiện thi công tuyến đập tạm ngăn mặn số 2 dài 90m trên sông Cẩm Lệ theo chủ trương của UBND thành phố với kết cấu cọc cừ larsen. Hiện trạng lòng sông còn lại chỉ khoảng 50m không tiến hành làm đập với mục đích tạo dòng chảy, tránh trường hợp nước tù đọng, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Tuy nhiên chính vì khẩu độ bị thu hẹp nên lưu lượng dòng chảy khi triều lên tại phần hiện trạng 30m chưa thi công đập rất lớn, dẫn đến sạt lở đất.
Ông Nam cũng cho hay, đoạn lòng sông 30m nói trên đã bị sạt lở và đào sâu thêm từ 3-5m khiến lưu lượng dòng chảy khi triều lên rất mạnh và độ mặn tại cửa lấy nước của nhà máy nước Cầu Đỏ diễn biến phức tạp. Chính vì vậy Dawaco đã đề nghị và được thành phố đồng ý phương án thi công đóng kín đoạn lòng sông 50m còn lại của sông Cẩm Lệ đồng thời hạ các cọc cừ larsen trên toàn tuyến đập đã thi công xuống thấp hơn hiện tại theo thực tế thủy triều để nước lưu thông tốt hơn. Tuy nhiên hiện tại chưa thể thi công do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên vật liệu là hệ thống cọc cừ phải nhập khẩu từ Hàn Quốc chưa thể về, các đơn vị thi công cũng còn thiếu máy móc, nhân công. “Kinh phí thì không lớn nhưng chưa thể nhập vật liệu, huy động phương tiện và con người. Chúng tôi cố gắng hoàn thành khoảng giữa tháng 5 để chủ động cho mùa hè năm nay. Những ngày vừa qua nước mưa về nhiều nên không nhiễm mặn, nhưng sắp tới sẽ rất gay gắt. Cho nên công trình cần triển khai sớm”, ông Nam cho hay.
Về việc hạ cao trình của hệ thống đập tạm hiện tại từ 1m xuống 0,35m, Sở Xây dựng cho biết đây là phương án cần thiết để duy trì dòng chảy trên sông, tránh xói lở bờ sông và an toàn về nguồn nước. Việc làm đập băng hoàn toàn sông Cẩm Lệ là để ngăn mặn, giữ ngọt là cần thiết, nhưng cao trình của đập thì cần căn cứ vào chế độ thủy triều để dòng chảy được tự nhiên, tránh có những xung đột bất thường.
CÔNG KHANH
Đà Nẵng vừa yêu cầu các sở ngành, đơn vị tăng cường nhiều giải pháp chống hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn. Theo đó, các đơn vị phải xác định từng vùng, số hộ dân khả năng thiếu nước sinh hoạt để xây dựng phương án cung cấp đầy đủ, đảm bảo không để dân thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với Quảng Nam để xây dựng lịch điều tiết các hồ chứa thủy điện nhằm phục vụ thủy lợi khi xảy ra hạn hán, thiếu nước. Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu thực hiện giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, áp dụng phương pháp tưới tiêu tiên tiến trong nông nghiệp, tích trữ nước, đắp đập tạm ngăn mặn, lắp trạm bơm dã chiến... HẢI QUỲNH |