Đà Nẵng mạnh tay đầu tư cho các công trình văn hóa
(Cadn.com.vn) - Để chấn hưng văn hóa, Đà Nẵng đã và đang mạnh tay đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, đặc biệt là những công trình văn hóa lớn. Lộ trình và quy mô xây dựng những công trình này như thế nào, có đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa của thành phố? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Thanh - Phó Giám đốc Thường trực Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thành phố Đà Nẵng về vấn đề này.
Ông Trần Quang Thanh. |
P.V: Ông cho biết hiện việc triển khai xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm của thành phố như thế nào và nguồn kinh phí dành cho những công trình này là bao nhiêu?
Ông Trần Quang Thanh: Được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, ngành VH-TT&DL đang khẩn trương triển khai thực hiện 4 công trình văn hóa trọng điểm là xây dựng, cải tạo Thư viện Khoa học Tổng hợp trên đường Bạch Đằng, nâng cấp Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật thành phố và nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Trong đó kinh phí thực hiện cải tạo Thư viện Khoa học Tổng hợp hơn 42 tỷ đồng, khởi công vào đầu tháng 11-2014, là công trình được chọn chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI. Công trình nâng cấp Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh với kinh phí 3,9 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2015. Bảo tàng Mỹ thuật cũng sẽ được khởi công vào cuối năm nay với kinh phí xây dựng 29 tỷ đồng.
Đối với việc đầu tư công trình Bảo tàng Điêu khắc Chăm, cần phải xem xét kỹ lưỡng và thận trọng hơn vì công trình đã được xây dựng gần 100 năm, được phỏng theo môtip của kiến trúc Chămpa. Tháng 7-2014, Sở VH-TT&DL đã tổ chức hội thảo về việc Cải tạo nâng cấp công trình Bảo tàng Điêu khắc Chăm để lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà chuyên môn. Trên cơ sở kết quả Hội thảo và theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Sở VH-TT&DL sẽ phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan tiến hành các bước tiếp theo để thực hiện nâng cấp, cải tạo Bảo tàng và báo cáo UBND thành phố xem xét đầu tư trong các năm tiếp theo. Hiện nay, UBND thành phố tiếp tục giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở VH-TT&DL lập đề cương cải tạo, nâng cấp để báo cáo UBND thành phố trong tháng 11-2014. Không riêng gì 4 công trình văn hóa trọng điểm này, thành phố cũng sẽ đầu tư tôn tạo nhiều di tích lịch sử, văn hóa đang bị xuống cấp và các thiết chế văn hóa cơ sở khác.
Bảo tàng điêu khắc Chăm sẽ được nâng cấp trong thời gian đến. |
P.V: Việc đầu tư xây dựng các công trình liệu rằng có mang lại diện mạo mới cho văn hóa Đà Nẵng?
Ông Trần Quang Thanh: Có thể nói, từ trước đến nay, văn hóa thành phố chưa từng nhận được sự đầu tư lớn như bây giờ. Dù được xem là trung tâm phát triển nhất khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tuy nhiên mức độ đầu tư cho ngành văn hóa của Đà Nẵng lại ở mức rất thấp (chỉ khoảng 0,9% ngân sách cho lĩnh vực văn hóa, trong khi theo yêu cầu của Trung ương, các địa phương phải dành 1,8% ngân sách cho lĩnh vực này). Điều đó dẫn đến việc thiếu trầm trọng các thiết chế văn hóa từ thành phố đến cơ sở.
Vì vậy, những công trình trọng điểm này cùng với các thiết chế văn hóa ở cơ sở được đầu tư xây dựng chắc chắn sẽ là động lực rất có ý nghĩa đối với văn hóa thành phố. Những công trình này tạo điều kiện thuận lợi để ngành văn hóa tổ chức các hoạt động văn hóa-nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu của người dân. Như việc Bảo tàng Mỹ thuật được xây dựng thì Đà Nẵng sẽ trở thành địa phương thứ 3 trên cả nước có Bảo tàng Mỹ thuật sau Hà Nội và TPHCM. Trò chuyện với các họa sĩ thành phố và kể cả ở các địa phương miền Trung, họ tâm sự là rất phấn khởi khi biết Đà Nẵng xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật, bởi nó là nguồn động lực cho họ sáng tác, khuyến khích mỹ thuật phát triển.
Ngoài ra, nếu như trước đây, các thiết chế văn hóa thành phố có xu hướng dần chuyển ra ngoài trung tâm thành phố thì nay được lãnh đạo thành phố chủ trương giữ lại. Thư viện Khoa học Tổng hợp được đầu tư cải tạo trên vị trí cũ, Bảo tàng Mỹ thuật được xây dựng mới ở 78-Lê Duẩn... là những địa điểm hết sức thuận lợi cho các hoạt động. Những điều như vậy đã tạo động lực và bệ phóng cho văn hóa Đà Nẵng phát triển, chắc chắn Đà Nẵng sẽ có một diện mạo văn hóa mới trong thời gian đến.
Thư viện Tổng hợp Đà Nẵng sẽ được xây dựng lại trên vị trí cũ. |
P.V: Các thiết chế chỉ là phần vỏ, điều quan trọng vẫn là các hoạt động văn hóa - nghệ thuật được tổ chức ra sao, ngành văn hóa đã có chuẩn bị gì cho việc này và thời gian đến sẽ đầu tư công trình văn hóa trọng điểm nào khác?
Ông Trần Quang Thanh : Ngành văn hóa thời gian qua đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ lãnh đạo thành phố, đặc biệt là đồng chí Bí thư Thành ủy, điều đó đã tạo ra cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ. Sau khi xây dựng xong, tổ chức chương trình gì, hoạt động ra sao ở các công trình đó để phát huy hiệu quả là điều chúng tôi hết sức trăn trở. Với Bảo tàng Mỹ thuật, bên cạnh việc củng cố tổ chức bộ máy vừa mới được thành lập, ngay từ bây giờ chúng tôi đã tổ chức Trại sáng tác mỹ thuật, mời một số họa sĩ cả nước tham gia, triển khai việc vận động các họa sĩ hiến tặng và sưu tầm các tác phẩm mỹ thuật để chuẩn bị nguồn tư liệu, hiện vật phục vụ cho công tác trưng bày.
Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực cũng được chúng tôi quan tâm chú trọng, từng bước nâng cao kiến thức của cán bộ làm công tác văn hóa. Thời gian đến, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với lãnh đạo thành phố đầu tư xây dựng mới Trung tâm Văn hóa thành phố và Nhà hát lớn thành phố... Như vậy, hệ thống các thiết chế văn hóa lớn sẽ dần hoàn chỉnh, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa - nghệ thuật của người dân.
Hoàng Anh
(thực hiện)