Đà Nẵng- nơi mỗi người dân đều bảo vệ môi trường
(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng là thành phố sạch đẹp vào bậc nhất Việt Nam, đó là điều không phải bàn cãi. Cách bảo vệ môi trường của Đà Nẵng thì nhiều người đã biết, nhưng tôi muốn nói đến ở đây là cách sống của người dân Đà Nẵng với môi trường.
Lần đầu tiên tôi đến Đà Nẵng từ năm 2002. Lúc đó, nhiều con đường mới bắt đầu hình thành. Đường mới làm xong còn rất nhiều bụi, thêm vào đó đất ở hai bên đường chưa sạch nên không khí rất ô nhiễm. Ở cạnh cổng Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng khi đó có nhiều hàng bán đồ ăn sáng. Cứ sáng ra, họ lại cầm chổi quét gom đất tập trung lại một chỗ để cho xe đến dọn đi. Nếu không có đội quân bán hàng này thì công nhân dọn cũng phải mất cả ngày. Cũng vẫn là những hàng rong đó, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy các chủ hàng ai cũng treo lủng lẳng một chiếc túi to trống rỗng. Hóa ra khách nào ăn xong thì đều bỏ rác vào đó. Ai vô ý vứt ra đường, họ cũng nhặt bỏ vào túi để đổ vào thùng rác.
14 năm sau, tôi có dịp quay lại Đà Nẵng trong một chuyến công tác. Đà Nẵng thay đổi nhiều quá, hiện đại hơn, bề thế hơn, năng động hơn và sạch sẽ hơn. Tất nhiên, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân nơi đây vẫn rất cao, cao đến mức đáng để ngưỡng mộ.
Lực lượng vũ trang Đà Nẵng chung tay làm sạch môi trường. |
Đi chợ, cô bán hàng giải khát ở chợ Hàn kể cho tôi nghe về cách thức gom rác thải sinh hoạt của tiểu thương Đà Nẵng. Sáng và tối, những chủ hàng trong chợ phải có nhiệm vụ dọn dẹp sạch sẽ nơi bán hàng rồi tự mang ra đổ vào thùng rác. Chỉ cần gây bẩn một chút cũng bị Ban quản lý chợ hay chính những người lân cận nhắc nhở, nặng hơn thì cấm bán. Vì vậy ai cũng có ý thức giữ vệ sinh tốt. Cô khẳng định: "Mà tụi tui cũng có ý thức chứ. Khách thấy sạch họ mới ăn chứ, lần sau họ quay lại mua nữa". Cách nghĩ này thể hiện tầm nhìn xa của người Đà Nẵng, ngay cả đó chỉ là người buôn bán nhỏ.
Buổi tối, các quán ăn bên sông Hàn rất đông khách, nhưng không thấy rác vương vãi ra đường. Hàng quán trong phố cũng vậy. Xe máy chất dài trong các ngõ nhỏ vì các quán trong hẻm mới là "hàng xịn". Quán bánh xèo bà Dưỡng tọa lạc trong một con hẻm nhỏ trên đường Hoàng Diệu. Quán nhỏ nhưng lúc nào cũng đông nghịt. Tất nhiên đông khách thế thì rác sẽ rất nhiều, nhưng nhiều mà không bẩn. Tôi ấn tượng với câu chào của nhân viên quán: "Dạ mời anh chị vào kia ngồi. Anh chị để rác gọn nhé". Nhìn sang các bàn bên cạnh, tôi thấy các thực khách xếp ngay ngắn những xiên tre, tờ giấy bỏ đi vào một góc trên bàn chứ không vứt xuống nền nhà như các quán ăn ở một số nơi.
Tôi đi dạo trên những con đường sạch tinh tươm. Đường Đà Nẵng rộng rãi và chẳng mấy khi tắc. Vỉa hè rất rộng và sạch, tuyệt nhiên không có một cọng rác, kể cả ở các gốc cây. Một bác lớn tuổi đi tập thể dục buổi tối dừng lại bên bờ sông hóng mát. Bác lấy một điếu thuốc hút rồi lấy ra một bao khác. Thì ra đó là bao thuốc rỗng dùng để gạt tàn vào đó. Khi hút xong, bác bỏ nốt điếu thuốc vào bao và cho vào túi quần. Tôi lân la hỏi bác về hành động đó, bác nói rằng ở khu phố của bác ai cũng làm như vậy để giữ sạch đường phố. "Tôi cũng đang tiến tới bỏ thuốc, thỉnh thoảng thèm quá mới làm một điếu. Hút thuốc vừa hại mình vừa hại người ta".
Những ngày lễ hội, Đà Nẵng rất đông khách du lịch. Trong số khách có nhiều người biết giữ vệ sinh nhưng vẫn còn một số khách thiếu ý thức. Tối muộn, trước cổng nhà khách trên đường Bạch Đằng, bác bảo vệ tiện tay cầm cây chổi quét những chiếc lá rơi trên vỉa hè. Một lúc sau, vỉa hè và vệ đường lại đầy lá rơi xen lẫn những vỏ hộp sữa, túi nilon. Bác lại cầm chổi quét sạch. Hỏi bác tại sao họ không vứt rác vào thùng hay ít ra vứt gọn vào một chỗ, bác nói :"Một nửa số thùng rác đang được chở đi vệ sinh sạch sẽ, mai lại có. Chắc họ không biết chỗ đặt thùng rác gần đây. Có lẽ tôi phải làm cái biển chỉ đường đến chỗ thùng rác ở phố bên cạnh".
Ở Đà Nẵng, người dân không e ngại khi sử dụng lại đồ cũ hay hàng tái chế. Túi nilon dần ít đi, thậm chí biến mất ở nhiều cửa hàng, siêu thị. Các mẹ, các chị đi chợ cũng bắt đầu tạo thói quen dùng làn, hạn chế xài túi nilon. Cứ tối đến, sau giờ ăn cơm, ở hai bên bờ sông Hàn, hàng ngàn thanh niên tình nguyện đổ ra đường để dọn vệ sinh cho thành phố. Những ngày lễ hội pháo hoa, rác vẫn bị vứt xuống đường, nhưng chỉ một lát sau chúng đều được dọn sạch sẽ.
Người ta có thể chi ra rất nhiều tiền để làm sạch môi trường. Nhưng nếu ý thức người dân không tốt thì chắc chắn môi trường vẫn không trong sạch được. Có người từng nói: "Luật lệ tạo dựng ý thức". Ở Đà Nẵng mười năm về trước, điều này rất đúng. Còn hiện nay, Đà Nẵng đã qua cái giai đoạn đó rồi. Bây giờ, ở Đà Nẵng, ai cũng có ý thức "sống xanh", ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường. Địa phương nào cũng như Đà Nẵng thì giấc mơ một Việt Nam "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" sẽ sớm trở thành hiện thực.
Đinh Thành Trung