Đà Nẵng: Quy hoạch mạng lưới kinh doanh LPG
(Cadn.com.vn) - Chiều 12-12, Sở Công Thương Đà Nẵng tổ chức cuộc họp với các thành viên Hội đồng Đề án “Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030”. Phó Chủ tịch UBND TP Phùng Tấn Viết, Chủ tịch Hội đồng Đề án chủ trì cuộc họp.
Theo ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, trong những năm gần đây, mạng lưới cửa hàng kinh doanh LPG trên địa bàn TP phát triển khá nhanh. Đến nay toàn địa bàn TP có 5 trạm chiết nạp LPG với tổng dung tích chứa 1.800 tấn, 288 cửa hàng kinh doanh LPG.
Năm 2013 tổng công suất chứa, sang, chiết nạp và cung cấp ra thị trường hơn 29.000 tấn. Từ đó, góp phần quan trọng vào thay đổi nhu cầu sử dụng từ chất đốt truyền thống như củi, than sang chất đốt sạch, qua đó nâng cao việc cải thiện điều kiện sống của nhân dân và bảo vệ môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn còn nhiều cửa hàng phát triển tự phát, không đảm bảo an toàn cháy nổ và cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng... Do đó, để hạn chế tình trạng này, Sở Công Thương đề nghị sớm thông qua Đề án quy hoạch mạng lưới phát triển LPG trên địa bàn TP đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030.
Kinh doanh gas phải đảm bảo các tiêu chí chiết, nạp, cân đong đo đếm, an toàn phòng chống cháy nổ. |
Theo Đề án, giai đoạn 2015 – 2020, giữ nguyên tổng công suất của các trạm chiết nạp LPG, loại bỏ các trạm chiết nạp không đáp ứng được tiêu chuẩn về an toàn phòng chống cháy nổ và môi trường; chỉ đầu tư mới để thay thế các trạm chiết nạp cũ không đảm bảo.
Giai đoạn 2020 – 2025 phát triển công suất các trạm lên 50.000 tấn/năm; bổ sung thêm 62 cửa hàng kinh doanh LPG mới và giai đoạn 2026 – 2030 bổ sung các trạm chiết nạp để nâng công suất lên 125.000 tấn/năm và 50 cửa hàng kinh doanh mới nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của toàn TP. Về hệ thống kho đầu mối LPG giai đoạn 2015 – 2020 tăng thêm 1 kho có công suất 3.000 tấn tại P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà và giai đoạn 2021 - 2030 tăng 2 kho đầu mối, trong đó 1 kho 6.000 tấn tại P. Thọ Quang và 1 kho 3.500 tấn tại Q. Liên Chiểu.
Đối với hệ thống kho tuyến trung chuyển LPG, giai đoạn 2015 – 2025 phát triển thêm 5 kho tuyến phân phối lưu thông LPG chai tập trung tại KCN Liên Chiểu hoặc các khu vực xa dân cư và đến năm 2030 phát triển thêm 2 kho, đồng thời nâng cấp các kho hiện tại để tăng thêm sức chứa. Ngoài ra, các tiêu chí kỹ thuật, công nghệ, thiết kế xây dựng, an toàn phòng chống cháy nổ và môi trường đối với các kho, trạm chiết nạp, trạm cấp và cửa hàng kinh doanh LPG đều phải được đảm bảo theo quy định...
Với tư cách là thành viên của Hội đồng Đề án ông Vũ Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng Đề án cần có chính sách khuyến khích các trạm kinh doanh xăng chuyển sang kinh doanh LPG hoặc kinh doanh thêm trạm LPG để đến năm 2020 Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường.
Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND Q. Hải Châu, đối với địa bàn Hải Châu tập trung đông dân cư nên hạn chế phát triển các cửa hàng LPG, đặc biệt hệ thống phòng chống cháy nổ phải được đảm bảo nghiêm ngặt, trách nhiệm của người kinh doanh LPG khi có sự cố xảy ra, ưu tiên cho các nhà đầu tư có năng lực thực sự; tuyên truyền khuyến khích các hộ dân, các cơ sở kinh doanh sử dụng các thiết bị chứa LPG hiện đại có thể tự động ngắt khi có rò rỉ gas...
Phát biểu kết luận Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết, thống nhất với Đề án. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch cũng lưu ý thêm, quy hoạch mạng lưới LPG phải gắn với quy hoạch về không gian đô thị Đà Nẵng; phải có quy trình chi tiết cụ thể về chiết nạp, thiết bị an toàn, hệ thống ống dẫn, bồn chứa, thiết bị vận chuyển, cân đong đo đếm của hệ thống kho, trạm, cửa hàng vừa đảm bảo an toàn vừa đảm bảo lợi ích của dân; lưu ý giải pháp quy hoạch các khu đô thị mới trên địa bàn TP, đầu mối cung ứng tự động tại các KCN, khu chung cư, các trạm giao thông.
Tại cuộc họp 16 thành viên của Hội đồng Đề án bỏ phiếu nhất trí thông qua Đề án “Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030”.
Xuân Đương