Đà Nẵng tắt sóng truyền hình analog từ ngày 1-7: Hơn 14 ngàn hộ dân được tặng đầu thu số

Thứ sáu, 12/06/2015 11:38

(Cadn.com.vn) - Từ ngày 1-7 tới, 5/10 kênh truyền hình  phát sóng analog tại Đà Nẵng sẽ dừng hoạt động, trực tiếp ảnh hưởng khoảng 30% dân số, tương đương 75 ngàn hộ dân Đà Nẵng và 4 huyện phía bắc tỉnh Quảng Nam.

Vì sao tắt sóng analog?

Công nghệ analog (sóng truyền hình tương tự) đã tồn tại từ 60 năm nay, người dân chỉ việc mua ăng-ten thu tín hiệu truyền hình rồi nối với tivi để xem dẫn tới chất lượng không cao, thường gặp các hiện tượng nhiễu, âm thanh rồ, hình bóng ma... Vì vậy, để nâng cao chất lượng truyền hình việc chuyển sang số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình vô tuyến mặt đất là xu thế chung ngày nay. Hiểu ngắn gọn, để xem được các kênh truyền hình số hóa đòi hỏi người dân phải có đầu thu truyền hình số (STB) theo chuẩn DVB-T2. Với người dân lâu nay sử dụng truyền hình cáp như của Sông Thu hay qua đường truyền viễn thông như MyTV, Viettel thì không cần thiết.

Truyền dẫn phát sóng bằng công nghệ số hóa là xu thế chung hiện nay.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hoàng Cẩm- Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên cả nước được lựa chọn thực hiện số hóa truyền hình (SHTH). Theo đó, từ ngày 1-7 này sẽ có 5 kênh phát sóng analog ngừng hoạt động để chuyển sang số hóa và tới ngày 30-9 này thì tất cả ngừng phát sóng analog tại Đà Nẵng. Trong khi đó, các địa phương khác theo lộ trình phải đến năm 2018, 2020. Ông Cẩm cho rằng việc SHTT không chỉ nâng cao chất lượng hình ảnh phục vụ người dân mà còn giúp tiết kiệm ngân sách lớn cho Nhà nước. Khi SHTT thì việc phát sóng được giao cho các công ty truyền dẫn-phát sóng, nhà đài chỉ lo nội dung, chất lượng chương trình. Đây là cơ sở thuận lợi để xã hội hóa khâu truyền dẫn- phát sóng nhờ đó sẽ tiết kiệm đáng kể ngân sách Nhà nước. Thực tế, gánh nặng ngân sách này lớn lắm mà cũng chỉ duy nhất Việt Nam mới có, khi mà mỗi tỉnh, thành phố đều có ít nhất một đài truyền hình với cả bộ máy làm chương trình và một đài phát tín hùng hậu.

Ông Phạm Phú Phong- Trưởng phòng Quản lý phát sóng miền Trung của Trung tâm kỹ thuật truyền dẫn phát sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chia sẻ, lợi ích lớn nhất của SHTH so với phát sóng analog chính là tài nguyên tần số. Nếu phát analog thì mỗi kênh sẽ mất một tần số, trong khi dùng SHTH thì 1 tần số có thể phát được 20 kênh SD, khoảng 4-5 kênh HD. Đơn cử tại Trạm phát sóng Sơn Trà của VTV, nếu phát analog thì phải tốn 6 máy, mỗi máy phát chỉ được 1 kênh, trong khi để vận hành 1 máy phát là cả ê-kíp nhân sự, lẫn hệ thống thiết bị phụ trợ đi cùng.

Nếu phát số hóa thì chỉ cần 1 máy, có thể nén tới hàng chục kênh sóng, vừa tiết kiệm nhân sự, điện năng, lại tiết kiệm trong bảo dưỡng, bảo trì... Cũng theo ông Phong, thực tế thì VTV đã sử dụng máy móc tại trạm Sơn Trà để thực hiện SHTH từ tháng 9-2013 và đã tích hợp các kênh như VTV1 HD, VTV2, VTV3 HD, VTV6 HD, VTV Đà Nẵng. Có nghĩa là VTV đã thực hiện phát sóng song song vừa số hóa vừa analog tại trạm sóng Sơn Trà từ cuối năm 2013 tới ngày 1-7 này.

Hỗ trợ dân hơn 7,2 tỷ đồng

Ngoài VTV Đà Nẵng thì từ ngày 1-7 này DRT1 cũng ngưng phát sóng analog còn DRT2 sẽ ngưng vào ngày 30-9. Ông Huỳnh Văn Hùng- Giám đốc DRT cho biết, tuy tắt sóng analog nhưng DRT1 vẫn còn phát sóng qua các đường truyền cáp quang và viễn thông. Vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay theo ông Hùng đó là đầu thu sóng chuẩn DVB-T2 cho người dân. Đơn cử hàng trăm ngàn hộ dân ở 4 huyện phía bắc của Quảng Nam lâu nay thường dùng ăng-ten quay ra hướng Đà Nẵng bắt sóng của DRT, VTV Đà Nẵng để xem, giờ Đà Nẵng chuyển sang số hóa hết, trong khi lộ trình của Quảng Nam tới năm 2018 mới chuyển sang SHTH, vậy trong 3 năm tới hướng giải quyết ra sao?

Ông Nguyễn Hoàng Cẩm cho biết, việc triển khai SHTH sẽ tác động tới 30% dân số Đà Nẵng, chủ yếu ở Hòa Vang. Để đảm bảo thực hiện thành công chương trình SHTH, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền tới từng thôn, tổ dân thông qua phát tờ rơi, tập huấn, treo băng rôn, hướng dẫn trên đài phát thanh... thì Đà Nẵng còn lập kế hoạch hỗ trợ kinh phí cụ thể để người dân mua đầu thu số. Cụ thể có 3 đối tượng được hỗ trợ mua đầu thu gồm hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách nghèo. Mức giá đầu thu ngoài thị trường từ 380  - 900 ngàn đồng vì thế TP sẽ hỗ trợ 500 ngàn đồng/hộ đủ để mua 1 đầu thu số. Như vậy, TP sẽ hỗ trợ tổng cộng khoảng 7,2 tỷ đồng để mua đầu thu số cho người dân, trong đó nguồn hỗ trợ từ Trung ương là 1,8 tỷ đồng (cho 3.600 hộ nghèo theo chuẩn Trung ương).

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, tại Đà Nẵng hiện có 3 đơn vị truyền dẫn, phát sóng gồm VTC, AVG, VTV. Qua khảo sát thực tế về mức độ phủ sóng, mức độ ổn định, chất lượng truyền sóng thì DRT chọn Trung tâm kỹ thuật truyền dẫn phát sóng của VTV để phát sóng cho DRT sau khi đài dừng phát sóng analog. Bên cạnh đó, trong thời gian tới 2 trạm phát lại sóng truyền hình số mặt đất tại Hòa Sơn, Hòa Bắc cũng được xây dựng để đảm bảo truyền sóng DRT tới các vùng nông thôn của Đà Nẵng hiệu quả nhất.

Hải Quỳnh