Đà Nẵng thiếu tác giả viết kịch bản tuồng

Thứ ba, 28/11/2017 09:24

Là một trong những cái nôi của nghệ thuật sân khấu tuồng truyền thống, thế nhưng mỗi lần muốn dựng vở mới, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) phải liên hệ "đặt hàng" nhờ tác giả ở tỉnh khác viết kịch bản. Bởi lẽ, Đà Nẵng hiện chưa tìm được đội ngũ kế cận viết kịch bản tuồng.

Một trích đoạn tuồng hiện đại do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn
tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập.  
  Ảnh: P.T

Kịch bản là nguyên liệu của nhà sản xuất, tuy nhiên, theo NSND Trần Đình Sanh-nguyên Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, hiện Đà Nẵng đang "trống" nếu không muốn nói là đang "trắng" ở lĩnh vực này... Được biết, để dựng vở diễn "Phúc Thần Thoại Ngọc Hầu" tham dự Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016 tổ chức tại Đà Nẵng, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh ấp ủ dự định từ nhiều năm, liên hệ "đặt hàng" với nhà biên kịch ở Khánh Hòa rồi cùng tác giả xuống đền thờ An Hải (Q.Sơn Trà), vào tận An Giang để sưu tầm tư liệu và liên hệ gặp nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Lê Duy Anh để tìm hiểu kỹ về danh thần có nhiều công lao to lớn trong việc gìn giữ, khai phá vùng đất phía Nam Tổ quốc. Chỉ riêng khâu chuẩn bị tư liệu cũng đã mất vài năm... Giám đốc Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh Trần Ngọc Tuấn cho biết, ban đầu người viết kịch bản này không phải là nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức- Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT tỉnh Khánh Hòa, vốn có nhiều duyên nợ với nhà hát-mà là một người khác. Tuy nhiên, do giữa biên kịch và đạo diễn không gặp nhau ở một số quan điểm trong khâu chỉnh sửa kịch bản, cuối cùng nhà biên kịch đầu tiên xin rút kịch bản. Sau đó, lãnh đạo Nhà hát đã liên hệ nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức nhờ ông viết kịch bản để kịp dựng vở dự thi... Ông Trần Ngọc Tuấn trăn trở: "Về kịch bản sân khấu nói chung, sân khấu tuồng nói riêng đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn. Hàng năm, các cơ quan chuyên môn, cụ thể Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức các trại sáng tác nhưng số người tham gia không nhiều so với trước đây. Trong bối cảnh chung đó, người viết kịch bản cho nghệ thuật sân khấu truyền thống (có tuồng) lại càng ít. Về phần mình, với chức năng là cơ quan chuyên môn, Nhà hát cũng đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo TP về chiến lược xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ có trình độ cao, tuy nhiên khi mở tuyển thì không có người tham gia. Trong các hoạt động của mình, Liên hiệp các Hội VHNT TP cũng luôn quan tâm, đề cao, khuyến khích việc sáng tác, viết kịch bản cho sân khấu truyền thống... Tuy nhiên, hiện Đà Nẵng vẫn chưa có tác giả viết kịch bản cho tuồng...".

Giám đốc Trần Ngọc Tuấn cho rằng, đối với bộ môn nghệ thuật truyền thống này, ngoài sự am hiểu về nghệ thuật tuồng, người viết kịch bản phải có năng khiếu, thật sự đam mê, chịu khó nghiên cứu, học hỏi. Sở dĩ ngày càng khan hiếm người viết kịch bản tuồng, bởi bộ môn nghệ thuật truyền thống này đòi hỏi phải am hiểu chữ Nho, chữ Hán, giỏi làm thơ cổ... Để hoàn thành một kịch bản tuồng phải bỏ nhiều thời gian, công sức, thế nhưng việc định giá cho thể loại kịch bản sân khấu truyền thống này hiện vẫn còn rất mơ hồ... "Những người viết kịch bản cho Nhà hát dựng vở phần lớn thường vì cái tình, chứ thù lao chẳng đáng là bao so với công sức, trí tuệ họ bỏ ra bởi kinh phí trên rót về rất ít nên người viết rất hiểu, thường chỉ lấy cho có lệ"-ông Tuấn cho biết thêm.

 Từ những nguyên nhân trên cộng với bối cảnh sân khấu tuồng đang ngày một thưa vắng, "khủng hoảng" khán giả càng khiến chẳng mấy ai mặn mà viết kịch bản cho bộ môn nghệ thuật này. Xu hướng phổ biến nhất hiện nay đối với kịch bản tuồng là chuyển thể. Theo đó, chọn tác phẩm văn học chuyển thể sang kịch bản sân khấu. Rồi từ kịch bản sân khấu chuyển sang kịch bản sân khấu truyền thống, trong đó có tuồng...Để giữ gìn, bảo tồn và trả lại "đẳng cấp" cho bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống này không thể một sớm một chiều, nhưng cũng không vì thế mà để trì trệ mãi được; cần phải thực hiện theo phương châm "mưa dầm thấm lâu"...Theo đó, bên cạnh việc nuôi dưỡng, bồi dưỡng lớp đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên trẻ yêu, tâm huyết với nghề, Đà Nẵng cũng cần chú tâm đến việc nuôi dưỡng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đạo diễn, những người viết kịch bản cho sân khấu tuồng. Muốn làm được những điều này, cần có một chính sách dài hơi từ phía Nhà nước, từ quyết tâm, ý chí không chỉ của riêng những người làm công tác nghệ thuật sân khấu truyền thống mà còn có cả sự góp sức của nhân dân. Trong bối cảnh "khủng hoảng" chung của sân khấu tuồng hiện nay, ông Trần Ngọc Tuấn cho rằng, để cử một người đi đào tạo chính quy về thể loại này là rất khó. Cách Nhà hát cũng như những người làm công tác trên lĩnh vực VHNT Đà Nẵng hướng tới là tìm người có chút am hiểu về nghệ thuật tuồng, có năng khiếu viết kịch bản, hiểu một số niêm luật... gửi đi bồi dưỡng viết kịch bản cho tuồng. "Sau đó về chuyển thể kịch bản sang tuồng. Làm riết rồi cũng lên tay. Tuy nhiên, đến nay Đà Nằng vẫn chọn không ra người..."- ông Tuấn trăn trở...

P.THỦY