Đà Nẵng tìm giải pháp lấy lại sân Chi Lăng theo nguyện vọng của người dân

Thứ sáu, 20/07/2018 07:51

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II của UBND TP Đà Nẵng tổ chức vào ngày 19-7, vấn đề “nóng” nhất được các phóng viên quan tâm là chủ trương Đà Nẵng sẽ thương lượng lấy lại sân vận động (SVĐ) Chi Lăng liên quan đến vụ án Phạm Công Danh đang trong giai đoạn thi hành án. Cạnh đó là các thông tin liên quan đến tiến độ mở các lối xuống biển cũng như các dự án “treo” quá lâu năm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Ông Đặng Việt Dũng chủ trì họp báo.

Nguyện vọng của người dân, quyết tâm của chính quyền

Khi được hỏi, chủ trương lấy lại SVĐ Chi Lăng đang được thành phố tiến hành như thế nào, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, cả sân Chi Lăng và khu đất 209 Trường Chinh hiện đang nằm trong giai đoạn thi hành án. Sau khi vụ án Phạm Công Danh được đưa ra xét xử, thi hành án TP Hồ Chí Minh đang ủy quyền cho cơ quan cùng cấp của thành phố Đà Nẵng tiến hành thi hành án với tổng giá trị khoảng hơn 3.000 tỷ đồng. Ông Vinh thông tin: “Nguyện vọng chính quyền thành phố là muốn lấy lại sân Chi Lăng. Hiện tại thành phố đang bàn việc để đề đạt nguyện vọng này, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ”. Về thời hạn giao đất đối với dự án này, Phó giám đốc sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, SVĐ Chi Lăng cũng nằm chung trong các dự án sai phạm mà Kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ đã công bố. “Đất dự án giao với thời hạn lâu dài là không đúng. Việc này sẽ thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và sẽ phải điều chỉnh thời hạn cấp đất cho dự án theo đúng quy định pháp luật. Luật đất đai 2013 đã quy định rất rõ và không phức tạp, đối với chủ đầu thời hạn dự án không quá 50 năm”.

Chủ trì họp báo, ông Đặng Việt Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, SVĐ Chi Lăng là thiết chế văn hóa gắn bó lâu đời với người dân thành phố. Cho nên cả người dân và lãnh đạo thành phố đang cùng chung nguyện vọng là muốn lấy lại SVĐ này. Dù tài sản đang trong giai đoạn thi hành án nhưng thành phố cũng đã họp và thống nhất chủ trương giao cho các ngành, các đơn vị nghiên cứu đề xuất giải pháp lấy lại được sân Chi Lăng cho thành phố. “Trước mắt là có sự quyết tâm, sau đó sẽ bàn bạc và thống nhất phương án. Các ngành chức năng đang tính toán việc này. Chúng tôi cũng rất mong các cơ quan báo chí đồng hành với thành phố trong việc này, để cố gắng lấy lại được SVĐ Chi Lăng như nguyện vọng của người dân”, ông Dũng nói. 

Liên quan đến một trong những chủ trương lớn của  Đà Nẵng trong thời gian qua là việc thương lượng với các dự án để mở lại lối xuống biển cho người dân, ông Vũ Quang Hùng – Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết, trong năm nay, thành phố sẽ mở lại hai lối xuống biển khu vực biển Bắc Mỹ An tại đường Hồ Xuân Hương và Khu nghỉ dưỡng Ariyana. Những lối xuống biển này được kết nối bằng một con đường đi dọc bãi cát rộng khoảng 50m. Các bãi cát đã cấp cho các doanh nghiệp cũng sẽ bị thu hồi. “Tương lai, TP Đà Nẵng sẽ làm con đường dọc theo bờ biển, kết nối các đường xuống biển, tạo thành trục đường đi bộ, đi dạo cho người dân, đặc biệt là người dân Q. Ngũ Hành Sơn”.

Sân vận động Chi Lăng.

Quản lý thị trường du lịch

Một vấn đề cũng được nhiều phóng viên quan tâm chính là những hệ lụy từ việc tăng trưởng nóng đối với thị trường du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc, trong đó có việc khó quản lý dạng tour “0 đồng”. Ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, thực tế không ai đi du lịch mà không mất đồng nào. Qua đánh giá thì một khách du lịch Đông Bắc Á đến Đà Nẵng chi tối thiểu khoảng 10 đến 12 triệu đồng cho một tour du lịch (kể cả trong tour và mua sắm). Tuy nhiên, việc tăng trưởng nóng của những thị trường này dẫn đến tình trạng thiếu hướng dẫn viên tiếng bản địa dẫn đến hậu quả là sự gia tăng của các hướng dẫn viên nước ngoài hoạt động chui. Theo ông Bình, ngành du lịch Đà Nẵng đang đưa ra nhiều biện pháp để vừa quản lý nguồn khách tốt hơn vừa giữ được nguồn thu từ các thị trường lớn này. Sở Du lịch đang phối hợp với các công ty lữ hành gắn camera trên các xe du lịch nhằm sớm phát hiện các hướng dẫn viên người nước ngoài hoạt động chui hoặc có những thông tin không chính xác khi thuyết minh về văn hóa Đà Nẵng cũng như Việt Nam. Về tour “0 đồng”, một trong những biện pháp khác để quản lý chặt hơn nguồn khách này là kiểm soát việc thanh toán điện tử qua nhiều ứng dụng khác nhau để ngăn chặn trước tình trạng nhiều cửa hàng hợp tác với các công ty lữ hành hoạt động thành chuỗi khép kín với những phương thức thanh toán bằng ngoại tệ không công khai.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho hay, các hoạt động thanh toán liên quan đến tour “0 đồng” sẽ phải được kiểm soát chặt chẽ. “Hiện chúng ta đã có hành lang pháp lý để xử lý. Khách du lịch bắt buộc phải thanh toán bằng tiền Việt Nam đồng. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt trên 200 triệu đồng. Việc sử dụng công nghệ để thanh toán kiểu này sẽ được quản lý bằng công nghệ dựa trên nền tảng pháp lý”.

Liên quan đến kế hoạch của Đà Nẵng về việc mở văn phòng đại diện du lịch tại Trung Quốc và Tây Âu, ông Nguyễn Xuân Bình cho hay, đây là hoạt động cần thiết để quảng bá du lịch và khảo sát thị trường hiệu quả hơn. Các nước Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung đều có các văn phòng đại diện du lịch, đơn cử như Thái Lan đã có văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đà Nẵng hiện đã hoàn thành việc mời người đại diện du lịch tại Hàn Quốc, 6 tháng đầu năm thành phố đã tiếp thu được rất nhiều thông tin bổ ích cho việc tập hợp thông tin để quảng bá cho đúng địa chỉ, cụ thể, chuyên nghiệp. “Trước tiên sẽ mời người đại diện. Sau đó, khi có điều kiện thuận lợi, chúng tôi sẽ mời một đơn vị hỗ trợ. Khi mọi thứ thuận lợi, chúng ta sẽ mở văn phòng đại diện. Việc Đà Nẵng mở văn phòng đại diện tại nước ngoài không mới bởi hiện đã có văn phòng đại diện tại Nhật Bản”, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay.

CÔNG KHANH

Làng đại học và ga đường sắt “treo” đến bao giờ?

Khi được hỏi, 2 dự án lớn của thành phố là Làng Đại học và Ga đường sắt sẽ “treo” đến bao giờ? Ông Vũ Quang Hùng – Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, 2 dự án này được quy hoạch đã lâu rồi. Làng đại học liên quan đến 2 địa phương là Đà Nẵng và Quảng Nam với diện tích hơn 300ha. 2 địa phương đã nhiều lần họp với các bộ ngành để thúc đẩy dự án sớm. Gần đây Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc họp và đề nghị các đơn vị liên quan điều chỉnh quy hoạch trình Thủ tướng phê duyệt để tiếp tục. Dự án này sẽ vẫn tiếp tục. Với dự án Ga Đà Nẵng, thành phố đang điều chỉnh quy hoạch chung, trong đó dự án này được đưa ra bàn thảo để có quyết định cuối cùng.

Vì sao chưa thu hồi 3 dự án của Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”)?

Khi được hỏi vì sao không có tên 3 dự án của ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) trong danh mục các dự án bị thu hồi để phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết các dự án này đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch. Các dự án này gồm: khu du lịch ven biển với diện tích hơn 3,7 ha; khu dự án du lịch ven biển diện tích hơn 1,5 ha (cùng nằm ở Q. Ngũ Hành Sơn) và dự án nhà hàng và bến du thuyền diện tích hơn 4.000m2. Ông Vinh lý giải, kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố khóa IX vừa qua đã thông qua việc thu hồi 48 dự án, trong đó có 3 dự án của ông Phan Văn Anh Vũ nhưng đến hiện tại lại không có tên là do việc điều chỉnh quy hoạch liên quan 3 dự án trên chưa xong. Theo quy định, muốn thông qua nghị quyết thu hồi đất phải dựa trên cơ sở quy hoạch điều chỉnh có hiệu lực pháp lý. “Khi hoàn thành quy hoạch thì ba dự án trên sẽ được trình để kỳ họp HĐND thành phố sắp tới xem xét thông qua việc thu hồi”, ông Vinh cho hay.