Đà Nẵng trong cuộc “đại phẫu” văn hóa (2)

Thứ năm, 18/09/2014 08:04

* Bài 2: Thiếu tiền và thiếu gì?

(Cadn.com.vn) - Nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư cho văn hóa trước mắt là tiền, nhưng không phải cứ có tiền đầu tư là hiệu quả. Một công trình kinh tế có thể thấy hiệu quả ngay trong vài năm, nhưng công trình văn hóa có khi mất cả một thế hệ. Nhìn lại, có không ít công trình xây xong thì không hiệu quả, lại để hoang, lại đập bỏ, dẫn tới tình trạng thiếu thì vẫn thiếu mà lãng phí thì vẫn lãng phí.

Số phận của công trình TTVH TP không biết rồi sẽ thế nào? 

KHÔNG CHỈ LÀ TIỀN

Cách đây không lâu, Báo Công an TP Đà Nẵng đã viết về số phận long đong của Trung tâm Văn hóa TP Đà Nẵng (TT) khi rời địa chỉ 84-Hùng Vương để nhường chỗ cho một dự án thương mại. Từ 68-Trần Phú- Đà Nẵng tới 1A-Phan Đăng Lưu rồi về chân cầu Thuận Phước... Đến nay là 6 năm, chưa biết đến khi nào TT mới được xây dựng và đưa vào sử dụng...

Ông Ngô Văn Bảy, Giám đốc TT nói, hoạt động văn hóa phải được tổ chức thường xuyên mới có sự kế tục, đằng này TT cứ liên tục chuyển địa điểm làm sao có sự ổn định, người dân sao có thể chạy theo miết để sinh hoạt được. Nhiều người làm văn hóa nhìn vào hành trình lận đận của TT không khỏi chạnh lòng về cách ứng xử với một thiết chế văn hóa quan trọng thế này. Thử nhìn ra các địa phương lân cận, TTVH bao giờ cũng ở vị trí trung tâm, đắc địa nhất của đô thị, như là bộ mặt, là biểu tượng cho sự quan tâm đầu tư cho văn hóa của địa phương đó.

Quay lại Nhà biểu diễn đa năng vào quãng thời gian năm 2009, khi đó ông Đàm Duy Phùng còn là Giám đốc, như “ngồi trên lửa” vì công trình chậm tiến độ, làm trầy trật mãi không xong. Khi mới đưa vào sử dụng, công trình được kỳ vọng rất lớn sẽ là TT biểu diễn văn hóa, nghệ thuật quy mô tầm cỡ cho cả khu vực miền Trung.

Nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn sử dụng, công trình văn hóa tiêu biểu ngốn hơn 81 tỷ đồng đó bộc lộ quá nhiều hạn chế. Vị Giám đốc khi đó than thở rằng nó quá xa TT TP nên không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng. Khi công trình được sát nhập vào TTVH, nhiều người nghĩ đó như một cách “chữa cháy”. Và tới nay, công trình quy mô này không biết số phận rồi sẽ thế nào khi toàn bộ diện tích của công trình đã được giao cho một dự án khác. Đầu tư cho văn hóa, nhất là các thiết chế, không phải cứ có tiền là làm được.

Tương tự là các khu vui chơi giải trí cấp phường, xã, sau một thời gian đầu tư rầm rộ tốn rất nhiều kinh phí nhưng nhìn lại chỉ có 15/37 khu  hoạt động có hiệu quả. Có nhiều khu đầu tư ở quá xa khu dân cư, lại có nơi các trò chơi không cuốn hút... và nhiều yếu tố khác, nói chung là xây để cho người dân sử dụng, nhưng người dân lại “ngó lơ” vì nó quá bất cập. Một công trình khác- Nhà hát Trưng Vương, khi được đầu tư gần 50 tỷ đồng cũng rất kỳ vọng, nhưng rồi tới nay, nhiều sự kiện văn hóa lớn, các show diễn đình đám lại phải đưa về công trình thể thao- Cung thể thao Tiên Sơn, lý do cũng rất đơn giản, nhà hát Trưng Vương không phải là nhà hát lớn như Hà Nội.

Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng là hình ảnh biểu trưng cho văn hóa đọc thân quen của người dân TP nhưng số phận của nó rất trục trặc.

“NGHÈO” NHƯ THƯ VIỆN

“Thư viện chính là biểu tượng của một thành phố văn hóa”,  bà Nguyễn Thị Anh Đào, Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng đề cập đến một thiết chế được coi là khá “nhạy cảm” này của Đà Nẵng. “Nhạy cảm” là bởi thư viện ở Đà Nẵng vốn dĩ đã “nghèo”- 1 thư viện công cộng TP và 3/8 quận, huyện có thư viện nhưng bình quân 1,5 cán bộ/thư viện. Nhưng trong cái “nghèo” đó lại cứ bị lăm le đưa ra cân nhắc, điển hình ở đây là Thư viện khoa học tổng hợp.

Đây không chỉ là kho tri thức lớn của TP còn là biểu tượng văn hóa đọc đã ăn sâu vào ký ức của bao thế hệ người dân TP, vậy mà số phận của nó gặp không ít trắc trở. Năm 2005 TP thông báo chủ trương di dời thư viện, đến năm 2010 TP phê duyệt dự án xây dựng thư viện mới trên 3ha trên đường 2-9 tuy nhiên tới năm 2012 TP lại giao Sở Xây dựng đề xuất chuyển địa điểm thư viện về khu Tuyên Sơn với diện tích xuống còn 1,5ha.

Chưa dừng ở đó, sự trúc trắc còn ở việc TP liên tục điều chỉnh quy mô đầu tư từ 286 tỷ đồng xuống còn 141 tỷ đồng. Nhìn đường đi của thư viện có lẽ nhiều người tâm huyết với văn hóa cũng phải thổn thức. Bà Đào nói: “Tôi đã đề nghị liên tục trong 4 kỳ họp qua, dù với lý do gì tôi cũng kiên trì tha thiết đề nghị HĐND TP xem xét giữ lại diện tích quy hoạch cũ của thư viện TP với 34.655m2 ở khu đông nam tượng đài. Ai cũng thấy là chúng ta đã rất hào hiệp cấp đất cho khu vui chơi giải trí mà so đo từng mét đất với công trình phúc lợi thư viện TP, nơi có hơn 100 ngàn sinh viên và hơn 100 ngàn học sinh phổ thông mỗi năm đến đây. Chỉ cần TP giảm 10cm ở bờ bao quanh tường khu công viên vui chơi là thừa đất cho thư viện. Ở các nước phát triển đều đầu tư cho thư viện lớn, hiện đại, được xem không chỉ là công trình văn hóa mà còn là nơi để tham quan du lịch.

Cũng rất may mắn, đường đi của thư viện Khoa học tổng hợp cuối cùng đã được “chốt” lại bằng quyết định làm nức lòng người dân của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ vào đầu năm 2014, đó là giữ nguyên vị trí thư viện và đầu tư nâng cấp quy mô, hiện đại vào năm 2015. Với thư viện TP ở khu đông nam tượng đài hiện TP vẫn giữ quy hoạch 1,5ha và sẽ triển khai xây dựng khi có kinh phí.

Tuy nhiên bà Đào cho rằng, TP cần giữ nguyên quy hoạch như năm 2010 với hơn 3,4ha chứ không nên cắt xuống còn 1,5ha và cũng nên chọn vị trí thuận tiện nhất cho nhân dân, sinh viên, học sinh đến đọc sách, cổ vũ cho văn hóa đọc, nơi đây cũng là nơi dùng để trao tặng những giải thưởng danh giá, các công trình nghiên cứu khoa học, văn hóa, cổ vũ cho định hướng TP kinh tế tri thức trong tương lai. Đợi khi kinh tế TP thuận lợi sẽ đầu tư cho thư viện tại đây xứng tầm như đầu tư một trong các cây cầu đẹp trên sông Hàn.

(còn nữa)

Hải Hậu