Đà Nẵng trong cuộc "đại phẫu" văn hóa
Bài 1: Nơi nào cần "đại phẫu"?
(Cadn.com.vn) - Nhiều người biết đến Đà Nẵng là trung tâm kinh tế của khu vực nhờ vào những quyết sách đầu tư phát triển. Nhưng suốt một thời gian dài bứt tốc về kinh tế thì đầu tư cho văn hóa của Đà Nẵng lại rất hạn chế, dẫn đến những hệ lụy ở mức báo động. Bắt đầu từ giữa năm 2014, Đà Nẵng đã tập trung mạnh mẽ nguồn lực đầu tư để vực dậy các thiết chế văn hóa.
Triển lãm trên vỉa hè đường Bạch Đằng, Đà Nẵng. |
Đây được xem là một cuộc "đại phẫu" cho văn hóa Đà Nẵng theo đúng tinh thần chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu thành phố - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Trần Thọ. Nhưng Đà Nẵng sẽ phải bắt đầu từ đâu, sẽ làm như thế nào, cần nhiều thứ hay chỉ là kinh phí, thực trạng sau khi khởi động "cuộc đại phẫu" đến nay là gì... sẽ là câu chuyện cần nhìn nhận một cách nghiêm túc và khoa học.
Đà Nẵng luôn đặt mục tiêu hướng đến là trung tâm văn hóa- kinh tế của khu vực, nhưng nhìn nhận thực tế đầu tư cho văn hóa thì còn kém so với các địa phương khác, thậm chí cả các tỉnh nghèo miền núi, trung du. Đầu tư thấp thì việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa đã khó nói gì tới chuyện hội tụ và lan tỏa. Số liệu cho thấy, tỷ lệ đầu tư cho văn hóa của Đà Nẵng so với tổng chi ngân sách TP xếp thứ 39/63 địa phương cả nước.
Cụ thể hơn, ngân sách TP bố trí từ nguồn vốn xây dựng cơ bản đầu tư cho ngành văn hóa trong giai đoạn từ 2005 - 2014 là 424 tỷ đồng, trung bình 42,4 tỷ đồng/năm trong khi đó TP chi đầu tư phát triển hằng năm hơn 5.000 tỷ đồng. Đầu tư cho văn hóa đã thấp, những năm gần đây lại có xu hướng giảm.
Đơn cử như năm 2011 tỷ lệ đầu tư cho văn hóa so với tổng đầu tư chỉ chiếm 0,79% chưa bằng 1/2 so với quy định chung của Nhà nước là 1,98%, song tới năm 2012 còn 0,28%, năm 2013 còn 0,3%, năm 2014 là 0,58%. Một con số khác cho thấy chi cho văn hóa mỗi phường, xã ở Đà Nẵng chỉ khoảng 20 triệu đồng/năm.
Với số tiền đầu tư như vậy, làm gì để văn hóa Đà Nẵng phát triển sẽ là câu hỏi rất khó trả lời. Đơn cử như việc bảo tồn, trùng tu các di tích- một việc tối quan trọng để giữ gìn nền văn hóa "đậm bản sắc dân tộc", để lưu truyền, giáo dục cho thế hệ sau, những người làm công tác trùng tu không khỏi chạnh lòng khi nhìn ra hàng xóm như Huế, Hội An.
Tất nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng với 17 di tích quốc gia, 47 di tích cấp thành phố, trong suốt 5 năm qua chỉ có 57 tỷ đồng phục vụ trùng tu. Đáng nói hơn số tiền này chủ yếu lại là nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương. Thậm chí trong năm 2012, 2013 TP còn không bố trí vốn trùng tu các di tích cấp thành phố. Hiện có thể kể đến nhiều di tích đã xuống cấp nặng cần được trùng tu, tôn tạo như Đình Khuê Bắc (Ngũ Hành Sơn), Hưởng Phước (Hòa Vang), miếu Hàm Trung (Liên Chiểu)...
Đầu tư bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống từ nghệ thuật tuồng phải bắt đầu từ sự chăm lo đời sống tốt cho các nghệ sĩ. (Trong ảnh: Một tiết mục của nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh). |
Đà Nẵng cũng là một trong số ít địa phương cả nước còn tồn tại Nhà hát Tuồng. Đây là một biểu tượng văn hóa, một niềm tự hào chung của người dân địa phương. Nhưng, trong hành trình tồn tại của Nhà hát không ít phen sóng gió, lận đận. NSƯT Trần Ngọc Tuấn nói: Để nhà hát tồn tại và phát huy được giá trị văn hóa truyền thống, điều cốt lõi là đầu tư cho con người, cụ thể là các diễn viên, đạo diễn, họa sĩ, nhạc công.
Nhưng thực tế thì đời sống của anh em nghèo quá, mức thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng không thể gọi là cao được. Trong khi để tập một vai diễn, để dàn dựng cho ra một vở diễn đảm bảo tính nghệ thuật thì tốn rất nhiều công sức, kinh phí. Chẳng hạn dựng một vở mới trung bình khoảng 600 triệu đồng, nếu là vở đủ chất lượng tham gia hội diễn phải lên tới 1 tỷ đồng, nhưng kinh phí TP duyệt chỉ có 350 triệu đồng/vở.
Chẳng hạn để may một bộ phục trang tới 20 triệu đồng, có nhân vật tới 3 bộ, mà trong một vở có biết bao nhân vật, tiền ở đâu? Nhưng vẫn phải làm vì chỉ tiêu hằng năm giao rất rõ dựng 2 vở mới, phục hồi 2 vở, 5-6 tiết mục lẻ cho các chương trình, 200 đêm biểu diễn công ích... Có ít tiền thì làm theo kiểu ít tiền, và đương nhiên khó để đòi hỏi chất lượng cao, phát huy được hết giá trị... Nói về đầu tư cho con người, ông Tuấn dẫn chứng Đà Nẵng đãi ngộ thua xa nhiều tỉnh như Đồng Nai, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa...
Có tiền thì hết đất? Bà Nguyễn Thị Anh Đào - Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, việc cần kíp khi "đại phẫu" văn hóa là TP cần rà soát lại tất cả các thiết chế văn hóa, cần có quy hoạch chi tiết các công trình, bây giờ chưa có tiền làm thì sẽ làm sau, nhưng nếu không quy hoạch, 10 năm sau TP có tiền thì không còn đất để làm. |
Ông Ông Văn Sinh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật TP Đà Nẵng nói, anh em văn nghệ sĩ rất tâm huyết với TP, cũng chẳng phải kém tài, thực tế đã được chứng minh với nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế. Nhưng trả lời vì sao văn hóa Đà Nẵng vẫn mờ nhạt, thiếu bản sắc, thiếu sức lan tỏa; các tác phẩm nghệ thuật chưa đủ sức vươn xa, ăn sâu vào đời sống mà đọc lên, hát lên là biết về Đà Nẵng... thì cũng lại quay về vấn đề kinh phí.
Ông Sinh nói, đơn cử như một bài hát mang "thương hiệu" Đà Nẵng người ta đã phải mở hẳn một hội thảo để tranh cãi. Đà Nẵng có thiếu bài hát không? Trả lời là không, vì thống kê tới hơn 1 ngàn bài. Có thiếu bài hát hay không, cũng trả lời là không. Vấn đề ở chỗ không có kinh phí để phổ biến nó sâu rộng trong đời sống. Cái Đà Nẵng đang thiếu chính là một nơi đủ lớn, đủ tầm ảnh hưởng để các văn nghệ sĩ có tác phẩm nghệ thuật mới có thể ra mắt ấn tượng. Lâu nay, anh em nghệ sĩ có tác phẩm mới cũng chỉ mượn tạm quán cà-phê nào đó rồi làm lễ ra mắt, mức độ phổ biến rất hạn hẹp.
Cũng theo ông Sinh, trong một thời gian dài đầu tư cho văn hóa của Đà Nẵng bị xem là thứ yếu dẫn tới thói quen hưởng thụ văn hóa bị mai một, gián đoạn và giờ thì trong tình trạng thờ ơ, theo phong trào là chính. Chẳng hạn nếu có ca sĩ nào ở Hà Nội, TPHCM ra thì đi xem đông lắm, nhưng nếu ca sĩ của Đà Nẵng thì "bụt chùa nhà không thiêng".
Thực tế trong mắt người am hiểu nghệ thuật, chưa chắc các "ca sĩ trung ương" đã hát hay hơn Đà Nẵng. Hoặc, nếu tổ chức một triển lãm ở nhà hát Trưng Vương, lúc đầu khai trương rầm rộ lắm, sau phần khai trương thì xẹp lép. Song, nếu đem triển lãm đó ra vỉa hè đường Bạch Đằng, người ta chỉ cần dừng xe là xem được, lại có đông người xem. Tức là nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, hay nói đúng hơn là hưởng thụ văn hóa nó không ăn vào nếp nghĩ, nếp sống, thuận tiện thì xem, không có cũng chẳng sao. Thờ ơ và không tạo thành văn hóa thưởng thức nghệ thuật, đây là điều rất nguy hiểm với một đô thị tiến lên văn minh, thực sự đã tới mức báo động.
Đà Nẵng luôn tự hào đứng đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, về ứng dụng CNTT, về môi trường, tốc độ phát triển kinh tế và về nhiều cái nhất khác, nhưng riêng về văn hóa, nói như Bí thư Thành ủy Trần Thọ "chưa thấy ai khen" Đà Nẵng. Sẽ phải làm rất nhiều việc để vực dậy văn hóa, nhưng có những việc cần kíp mà sự chậm trễ sẽ khiến cuộc "đại phẫu" không đạt hiệu quả như trông chờ.
(còn nữa)
Hải Hậu