Đà Nẵng và câu chuyện nhặt được của rơi trả lại người mất
(Cadn.com.vn) - Mục tiêu hướng đến thương hiệu thành phố an toàn, thân thiện, đáng sống của Đà Nẵng đang được xây dựng bởi rất nhiều chủ trương, chính sách của chính quyền, đồng thời nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng rất tích cực từ người dân.
Trong rất nhiều câu chuyện khiến du khách gần xa ấn tượng về Đà Nẵng thì chuyện trả của rơi xuất hiện rất nhiều. Điều đáng quý là những người tự giác liên hệ để trao trả cho người mất hàng trăm triệu đồng hay những tài sản có giá trị lớn đều là những người lao động phổ thông, có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Tài xế taxi Đà Nẵng trao trả tài sản cho du khách nước ngoài. |
Ở đây chúng tôi không căn cứ vào các câu chuyện trả lại tài sản được đăng tải trên các phương tiện truyền thông để đánh giá vấn đề đạo đức mà coi đó như là những “đại sứ” trên lĩnh vực văn hóa, du lịch của thành phố.
Trong thời gian qua, xuất hiện rất nhiều câu chuyện ở Đà Nẵng khiến nhiều người phải ngợi khen và thán phục. Đó là câu chuyện anh tài xế taxi trao trả hàng nghìn USD cho một du khách bỏ quên, là nhân viên các Cty bảo vệ không màng đến những tài sản hàng trăm triệu đồng bị đánh rơi hay người dân nghèo tìm đến cơ quan công an bàn giao cái ví chứa nhiều trang sức quý để nhờ trả lại cho người đánh mất. Rất nhiều du khách, trong đó có cả khách nước ngoài đã không giấu được niềm xúc động và cảm phục khi được liên hệ để nhận lại tài sản. Đáng quý hơn, rất nhiều người tự nguyện liên hệ trả của rơi lại có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, phải chạy ăn từng bữa, một số trong số này thậm chí không muốn để lại danh tính.
Theo thống kê của Phòng Thanh tra- Pháp chế, Cty CP Vận tải và dịch vụ Phú Hoàng, chỉ tính riêng từ giữa tháng 6-2015 đến nay, tài xế taxi thương hiệu Tiên Sa của đơn vị đã có hơn 20 lần trao trả tài sản bỏ quên hoặc đánh rơi như điện thoại, máy tính bảng, tiền mặt… của du khách. Có người rất “có duyên” vì nhiều lần nhặt được của rơi. “Mỗi lần như vậy chúng tôi đều có biểu dương, khen thưởng cho từng người trước toàn Cty. Trao trả tài sản vài triệu, vài chục triệu hay cả trăm triệu đồng thì tiền thưởng cũng chỉ ở mức… 100 nghìn đồng nhưng anh em rất vui vì làm được một việc tốt, góp phần nâng cao hình ảnh đơn vị, cao hơn là hình ảnh an toàn, thân thiện của thành phố”, cán bộ này tâm sự.
Một du khách Hà Nội nhận lại tài sản hàng chục triệu đồng từ nhân viên bảo vệ sau khi chị này đánh rơi. |
Trong khi đó, lãnh đạo Cty Quốc Đô, một đơn vị chuyên cung ứng dịch vụ bảo vệ tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị kinh doanh trên địa bàn Đà Nẵng cho hay, thu nhập của nhân viên bảo vệ bình thường tương đương với lao động phổ thông. Có nhiều người gia cảnh rất khó khăn nhưng họ rất nhẹ lòng khi trao trả khối tài sản lên đến hàng trăm triệu đồng nhặt được tại các mục tiêu bảo vệ. Những hành động như vậy không chỉ là quy định về nghề nghiệp của Cty mà còn xuất phát từ tinh thần tự giác, lòng tự trọng và trách nhiệm với người khác. Lãnh đạo Cty này kể, anh Nguyễn Thành Thiệt là nhân viên thuộc dạng “sao” khi đã có 18 lần nhặt được tài sản với tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng trả lại cho người mất. Tiếp đó, những tấm gương như anh Vương Yến Thanh, anh Đào Quang Quốc, anh Võ Hoàng Chính… đều là những người rất “có duyên” với tài sản đánh rơi.
Bên cạnh các tài xế taxi, nhân viên bảo vệ, chiến sĩ công an, rất nhiều tấm gương người dân lao động, người bán vé số, chị công nhân môi trường đô thị, em học sinh… đã chủ động đến cơ quan chức năng trao trả tài sản cho người mất khiến Đà Nẵng càng được biết đến nhiều hơn với cụm từ “an toàn, thân thiện, đáng sống”. Ở một thành phố như Đà Nẵng, họ chẳng khác gì một “đại sứ” văn hóa, du lịch. Đó hẳn là những hành động xuất phát từ tấm lòng của mỗi người, nhưng chính những tấm gương điển hình như vậy sẽ tạo hiệu ứng mạnh mẽ, xây dựng nên một chuẩn mực trong cách ứng xử, thành nếp sống văn hóa, văn minh đô thị của người Đà Nẵng.
Bảo Nam