Đà Nẵng xin kéo dài thời hạn giải ngân vốn đầu tư công

Thứ bảy, 22/08/2020 15:32

Do dịch Covid-19 bùng phát phức tạp nên các công trình trọng điểm của Đà Nẵng phải tạm dừng, dẫn tới tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 8 của TP chuyển biến rất chậm. Vì thế, tại hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ ngày 21-8, Đà Nẵng đã kiến nghị kéo dài thời hạn giải ngân vốn đầu tư công thay vì phải “khóa sổ” vào tháng 9 tới đây.

Phải quyết tâm giải ngân hết 630 ngàn tỷ đồng trong năm nay

Theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 7-2020 cả nước đã giải ngân được hơn 193 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt gần 41% kế hoạch Thủ tướng giao (không bao gồm vốn kéo dài từ các năm trước sang). Ước giải ngân đến 31-8 là 221,7 ngàn tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay có 9 bộ ngành và 9 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại kế hoạch vốn để điều chỉnh cho các bộ ngành, địa phương khác với tổng số vốn hơn 6,3 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 7 bộ ngành và 31 địa phương đề xuất bổ sung kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách T.Ư năm 2020 với tổng vốn hơn 13,5 ngàn tỷ đồng. Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải quyết tâm giải ngân hết số vốn đầu tư công 630 ngàn tỷ đồng trong năm nay. Các bộ ngành, địa phương không làm việc đó cương quyết sẽ có chế tài kèm theo để xử lý đến nơi đến chốn.

H.Q

Vì SAO GIẢI NGÂN CHẬM?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Phát biểu tại Hội nghị giao ban tháng 8 trực tuyến của Chính phủ về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được tổ chức sáng 21-8, đánh giá về nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân bao gồm cả nguyên nhân cố hữu tồn tại lâu nay chưa được khắc phục triệt để và cả nguyên nhân mới phát sinh. Cụ thể, đó là việc lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch. Việc tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương còn nhiều bất cập. Các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; việc đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả. Ngoài ra, nguyên nhân giải ngân chậm nguồn vốn ODA có nhiều đặc thù do nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn. “Do chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, hầu hết các hoạt động gắn với yếu tố nước ngoài từ nhiều khâu nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn, giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án đều chậm lại,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

P.V

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của Đà Nẵng hơn 12,3 ngàn tỷ đồng, đến thời điểm này đã giải ngân được hơn 3,7 ngàn tỷ đồng (đạt 49% kế hoạch trung ương giao và 30,3% thành phố giao). Riêng vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu tới ngày 15-8 đã giải ngân hơn 252 tỷ đồng, đạt 78% kế hoạch. Nhiều công trình, dự án trọng điểm, động lực đã được đẩy nhanh tiến độ và đã đồng loạt khởi công, nổi bật như đường và cầu qua sông Cổ Cò, đường Vành đai phía Tây 2, Nhà máy nước Hòa Liên, Dự án cải thiện môi trường nước phía Đông Q. Sơn Trà, Dự án cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, Trung tâm phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình tại Bệnh viện Đà Nẵng…

Lãnh đạo TP chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đầu tư công năm 2020 tại đầu cầu Đà Nẵng sáng 21-8. 

Với hơn 3,7 ngàn tỷ đồng đã giải ngân tới thời điểm hiện tại, nếu so với cùng kỳ năm trước tăng hơn 1,5 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nếu so với tháng 7-2020 thì tăng không nhiều, khoảng hơn 87 tỷ đồng. Sở dĩ 1 tháng qua giải ngân vốn đầu tư công của TP tăng thấp là do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến vô cùng phức tạp. TP phải dồn toàn lực chống dịch, mục tiêu hàng đầu là chống dịch, vì thế buộc cho dừng thi công tất cả các công trình đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn từ ngày 31-7. Các chủ đầu tư, đơn vị thi công phải nghiêm túc thực hiện giãn cách, ứng dụng CNTT để làm giải quyết hồ sơ, thủ tục để chuẩn bị sẵn sàng phương án triển khai khi dịch được kiểm soát. Song song với đó, TP cũng cho điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn đối với các công trình không có khả năng triển khai hoặc chậm triển khai, không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn đã bố trí để bổ sung cho các công trình đã có quyết định phê duyệt quyết toán, có khối lượng hoàn thành, có khả năng giải ngân…

Gần đây, theo diễn biến thực tế công tác phòng dịch, Đà Nẵng cho phép một số công trình, dự án động lực, trọng điểm đang thi công, có vị trí xa khu dân cư, thi công chủ yếu bằng máy móc, thiết bị, không tập trung đông người, ít khả năng lây lan dịch bệnh… mới được phép thi công trở lại. Từ thực tế đó, tỷ lệ giải ngân của thành phố trong tháng 8-2020 chuyển biến không nhiều so với tháng trước, do các chủ đầu tư, đơn vị, công trình không có khối lượng để thực hiện việc thanh toán và giải ngân theo quy định.

Do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều dự án trọng điểm đầu tư công của Đà Nẵng phải tạm dừng dẫn tới tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tháng 8-2020 của TP rất thấp.

Hiện nay tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng có chuyển biến tích cực hơn, TP đang chuẩn bị sẵn sàng các thủ tục đầu tư, thanh quyết toán cũng như các giải pháp tăng cường thi công, gỡ vướng mặt bằng… để khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất. Mặt khác, cũng do dịch bệnh diễn biến phức tạp, Đà Nẵng kiến nghị được kéo dài thời hạn thực hiện giải ngân đầu tư công so với quy định. Cụ thể, với vốn ngân sách trung ương các năm trước kéo dài sang năm 2020 được phép kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2020 và vốn ngân sách trung ương năm 2020 được thực hiện đến hết ngày 31-1-2021 theo quy định cũ. Bởi lẽ theo quy định mới hiện nay, số vốn kéo dài sang năm 2020 phải giải ngân hết trong tháng 8 và kế hoạch vốn năm 2020 phải giải ngân trên 60% đến hết tháng 9-2020.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Bến cảng Liên Chiểu; xem xét tháo gỡ vướng mắc quy định chuyển tiếp vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025 không quá 20% (quy định này bất cập vì nhiều công trình vốn lớn đang triển khai đúng quy định thời gian phải chuyển tiếp sang giai đoạn sau); gia hạn ngày đóng tín dụng đến hết tháng 6-2023 và chấp thuận sử dụng tín dụng gốc để thanh toán cho các hạng mục Dự án Phát triển bền vững Đà Nẵng.

HẢI QUỲNH