TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Đã thoả thuận trọng tài thương mại, không dễ chuyển sang khởi kiện tại toà án!

Thứ hai, 13/02/2023 11:18
*Bạn đọc hỏi: bà Nguyễn Kim H., Giám đốc một công ty sản xuất và kinh doanh thuỷ sản tại KCN Dịch vụ thuỷ sản Thọ Quang (TP Đà Nẵng), hỏi: Công ty chúng tôi có ký kết hợp đồng với một công ty thương mại tại Hà Nội, trong đó, có thoả thuận giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nơi giải quyết tranh chấp là Hà Nội. Nay, do Công ty tại Hà Nội vi phạm nghĩa vụ thanh toán đã lâu, Công ty chúng tôi muốn khởi kiện. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, Công ty chúng tôi được biết rằng việc khởi kiện ra VIAC sẽ phải nộp số tiền án phí lớn hơn nhiều so với kiện ra toà án; ngoài ra, nếu thắng kiện thì tiền án phí đó không được trả lại mà phải đòi từ chính Công ty thua kiện. Công ty chúng tôi nhận thấy có quá nhiều rủi ro trong trường hợp phải khởi kiện ra VIAC. Vậy, liệu Công ty chúng tôi có thể khởi kiện ra tòa án thay vì phải kiện ra VIAC được không? .
Luật sư Lê Ngô Hoài Phong.
Luật sư Lê Ngô Hoài Phong.

*Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners tư vấn vấn đề trên sau đây:

1. Căn cứ pháp lý

Luật Trọng tài thương mại 2010 (Luật TTTM 2010)

Điều 2. Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài

1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.

2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

Điều 6. Tòa án từ chối thụ lý trong trường hợp có thoả thuận trọng tài

Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại tòa án thì tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được.

Điều 18. Thoả thuận trọng tài vô hiệu

1. Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 của Luật này.

2. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

3. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự.

4. Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật này.

5. Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.

6. Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.

Điều 43. Xem xét thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài

1. Trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, Hội đồng trọng tài phải xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài; thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không và xem xét thẩm quyền của mình. Trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này. Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc xác định rõ thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Hội đồng trọng tài quyết định đình chỉ việc giải quyết và thông báo ngay cho các bên biết.

Nghị quyết 01/2014/NQ-HDTP hướng dẫn thi hành một số quy định Luật TTTM

Điều 3. Thoả thuận trọng tài vô hiệu quy định tại Điều 6 và Điều 18 Luật TTTM

Thoả thuận trọng tài vô hiệu là thỏa thuận trọng tài thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 18 Luật TTTM. Khi xem xét thoả thuận trọng tài vô hiệu quy định tại Điều 18 Luật TTTM cần lưu ý một số trường hợp như sau:

1. “Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài” quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật TTTM là trường hợp thỏa thuận trọng tài được xác lập để giải quyết tranh chấp không thuộc lĩnh vực quy định tại Điều 2 Luật TTTM.

2. “Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật” quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật TTTM là người xác lập thỏa thuận trọng tài khi không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc không phải là người được ủy quyền hợp pháp hoặc là người được ủy quyền hợp pháp nhưng vượt quá phạm vi được ủy quyền.

Về nguyên tắc thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập thì thỏa thuận trọng tài đó vô hiệu. Trường hợp thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập nhưng trong quá trình xác lập, thực hiện thỏa thuận trọng tài hoặc trong tố tụng trọng tài mà người có thẩm quyền xác lập thỏa thuận trọng tài đã chấp nhận hoặc đã biết mà không phản đối thì thỏa thuận trọng tài không vô hiệu.

3. “Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự” quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật TTTM là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp này thì Tòa án cần thu thập chứng cứ để chứng minh người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự thì phải có giấy tờ tài liệu chứng minh ngày tháng năm sinh hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định của Tòa án xác định, tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

4. “Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 Luật TTTM” quy định tại khoản 4 Điều 18 Luật TTTM là trường hợp thỏa thuận trọng tài không được xác lập bằng một trong các hình thức quy định tại Điều 16 Luật TTTM và hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết này.

5. “Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài”

6. “Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật” quy định tại khoản 6 Điều 18 Luật TTTM là thỏa thuận thuộc trường hợp quy định tại Điều 128 của Bộ luật dân sự.

Điều 4. Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được quy định tại Điều 6 Luật TTTM

“Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được” quy định tại Điều 6 Luật TTTM là thỏa thuận trọng tài thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp.

2. Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, hoặc Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thỏa thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.

3. Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế.

4. Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác với Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài đã thỏa thuận và điều lệ của Trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế.

5. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn quy định tại Điều 17 Luật TTTM nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Điều 35. Thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện

1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;

3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Điều 37. Thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp tỉnh

1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:

c) Tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 35 của Bộ luật này.

Điều 39. Thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ

1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

Điều 469. Thẩm quyền chung của tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

1. Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây:

b) Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam;

2. Phân tích

Vấn đề 1: Đã thỏa thuận giải quyết tại trọng tài thương mại, khi có tranh chấp có được khởi kiện tại tòa án?

Trong trường hợp hai bên có tranh chấp thương mại đã có thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng mà khi có tranh chấp xảy ra, một bên khởi kiện tại tòa án thì tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài đó vô hiệu hoặc không thể thực hiện được. Hội đồng trọng tài có thẩm quyền xem xét thỏa thuận trọng tài vô hiệu hay thỏa thuận trọng tài không thực hiện được thay vì được quyết định trực tiếp bởi tòa án. Trường hợp Hội đồng trọng tài ra quyết định đình chỉ việc giải quyết tranh chấp theo quy định pháp luật tố tụng trọng tài, các bên có thể khởi kiện ra tòa án để giải quyết tranh chấp. Do đó, Công ty bà H. chỉ có thể khởi kiện tại tòa án nếu chứng minh được thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng giữa Công ty của bà và công ty đối tác thuộc một trong các trường hợp vô hiệu hoặc không thể thực hiện được.

Các trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu theo quy định của Luật TTTM được quy định cụ thể như sau:

- Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài theo quy định.

- Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập thì thỏa thuận trọng tài đó vô hiệu, tuy nhiên trong trường hợp thỏa thuận trọng tài dù được người không có thẩm quyền xác lập nhưng trong quá trình xác lập, thực hiện thỏa thuận trọng tài hoặc trong tố tụng trọng tài mà người có thẩm quyền xác lập thỏa thuận trọng tài đã chấp nhận hoặc đã biết mà không phản đối sự xác lập không có thẩm quyền đó thì thỏa thuận trọng tài vẫn sẽ không vô hiệu.

- Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự.

- Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại của pháp luật.

- Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.

- Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.

Các trường hợp thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được theo quy định của pháp luật như sau:

- Trung tâm trọng tài nơi các bên thoả thuận giải quyết tranh chấp đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức kế thừa và các bên không có thoả thuận thay thế trung tâm trọng tài khác;

- Trọng tài viên trọng tài vụ việc mà các bên thoả thuận lựa chọn từ chối tham gia giải quyết hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không có thoả thuận thay thế;

- Trọng tài viên trọng tài vụ việc mà các bên đã có thoả thuận lựa chọn giải quyết tranh chấp không thể tham gia giải quyết tranh chấp thương mại vì sự kiện bất khả kháng hay các trở ngại khách quan khác; hoặc Trung tâm trọng tài, toà án không thể tìm được Trọng tài viên đáp ứng yêu cầu của các bên và các bên không có thoả thuận thay thế;

- Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác với Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài đã thỏa thuận; đồng thời, điều lệ của Trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế.

Từ những viện dẫn trên đây, có thể kết luận rằng, Công ty bà H. chỉ có thể khởi kiện ra tòa thay vì kiện ra trọng tài như đã thoả thuận tại hợp đồng khi chứng minh được thỏa thuận trọng tài thuộc trường hợp không thể thực hiện được hoặc vô hiệu.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425