Kỳ họp thứ 11, HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII:

Đại biểu chất vấn nhiều vấn đề “nóng”

Thứ năm, 11/12/2014 17:27

(Cadn.com.vn) - Sáng 11-12, đồng chí Trần Thọ - Bí Thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP tiếp tục chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016.

Bên cạnh những câu hỏi chất vấn đối với các Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông, Kế hoạch - Đầu tư, đại biểu (ĐB) đã dành gần 2/3 thời gian mổ xẻ chuyện vi phạm trên lĩnh vực đất đai, đặc biệt là truy chuyện giấu đất tái định cư (TĐC)…

Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ điều hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn sáng 11-12. 

Các ban ém đất, dân ở nhà thuê!

Không phải riêng phiên chất vấn diễn ra sáng 11-12, mà các phiên thảo luận trong kỳ họp những ngày trước cũng đã có rất nhiều ĐB truyền đạt ý kiến của cử tri đến HĐND về chuyện chậm bố trí đất TĐC cho người dân. Mọi chuyện đã rõ, khi đồng chí Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thay mặt cho UBNDTP thẳng thẳn trao đổi về vấn đề này. Các ĐB đã đặt chung câu hỏi, rằng: Vì sao đất TĐC của TP còn thừa nhiều nhưng lại không bố trí cho người dân? Nguyên nhân vì sao không bố trí?

Trả lời các câu hỏi chất vấn, đồng chí Võ Duy Khương, cho biết: Tính đến thời điểm tháng 12-2014, qua thống kê thì TP còn 14.526 lô đất TĐC chưa bố trí, trong đó có trên 6.100 lô đường 10m5 trở lên; 1.570 lô 2 mặt tiền; 462 lô biệt thự. Sở dĩ có số đất này là do thời gian qua TP đã tiến hành giải tỏa 100.000 hộ dân, riêng giai đoạn 2010-2014 có 10.000 hộ. Trong quá trình giải tỏa, di dời, bố trí đất cho người dân, TP đã giao cho 17 đơn vị, các ban có liên quan làm công tác đền bù, giải tỏa, TĐC để đảm bảo thời gian tiến độ, vì khối lượng công việc phải xử lý nhiều. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các ban, đơn vị đã nhập vào, tách ra liên tục nên số liệu thống kê không đảm bảo.

Trả lời câu hỏi của ĐB về nguyên nhân không bố trí đất cho dân, ông Võ Duy Khương cho hay, thứ nhất, do cách điều hành, quản lý của các ban được giao nhiệm vụ còn quá lỏng lẻo. Thứ hai, nhiều ban không trung thực, có hành vi giấu đất TĐC, vì thế nên có dự án thì thiếu đất TĐC bố trí cho người dân, còn có dự án thì ém đất. Cuối cùng, hậu quả TP phải gánh chịu, đó là phải bỏ tiền ra để hỗ trợ cho người dân trong việc đi thuê nhà ở.

Để tháo gỡ vướng mắc này, theo ông Võ Duy Khương, năm 2013, TP đã cho thành lập Trung tâm Khái thác quỹ đất và yêu cầu các ban rà soát, giao đất về cho trung tâm. Nhưng đến thời điểm này, vẫn còn 27% số đất trên chưa bàn giao. "Để giải quyết tồn tại này, hiện tại việc bố trí đất cho người dân đã cơ bản xong. Riêng quỹ đất còn lại, TP sẽ tính toán dành một phần để làm các công trình công cộng cho những khu dân cư, như nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa, còn lại sẽ tiến hành bố trí cho số hộ công chức, hộ dân nghèo để có nhà ở, góp phần thực hiện mục tiêu “3 có” của TP. Tuy nhiên, theo quy định thì chuyện bố trí này phải tiến hành bán dưới hình thức đấu giá, nên TP phải có văn bản kiến nghị để Chính phủ cho ý kiến” - ông Khương nói.

Đồng chí Võ Duy Khương trả lời chất vấn của ĐB.

Truy đến cùng, xử lý nghiêm

Trước sự thật này, ĐB Nguyễn Quốc Bình nói thẳng, sự việc diễn ra với nhiều vi phạm như vậy khiến dân khổ, dân thiếu, mà TP cũng thiệt, vì thời gian qua, để hỗ trợ người dân thuê nhà, TP đã phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng. Rồi ĐB Bình chất vấn: Vi phạm đã rõ, TP cần phải có hình thức xử lý nghiêm, thậm chí nếu nặng phải xử lý hình sự, quan điểm của TP ra sao? Ông Võ Duy Khương khẳng định: TP sẽ làm rõ trách nhiệm, truy đến cùng và xử lý nghiêm. Song song với việc bố trí đất TĐC cho nhân dân, chúng tôi sẽ làm rõ trách nhiệm của từng ban, từng đơn vị, cá nhân có liên quan. Ban nào, đơn vị nào giấu đất thì Trưởng ban phải chịu trách nhiệm cao nhất trước TP, sau đó là những cán bộ có liên quan.

Lên tiếng về chuyện các đơn vị, các ban giấu đất, Bí thư Thành ủy Trần Thọ khẳng định: Cả chục năm nay, qua công tác giải tỏa đền bù, TP đã xây dựng được hàng loạt khu đô thị khang trang, mang lại một diện mạo mới cho Đà Nẵng. Đó là công sức của cả hệ thống chính trị, nhất là sự đồng thuận của người dân.

Để giải tỏa bức xúc trong lòng dân và các ĐB tham dự kỳ họp này, đồng chí Trần Thọ nhấn mạnh 7 điều: Thứ nhất, có sự việc này chính là do tổ chức bộ máy làm công tác này cồng kềnh, đông và không ổn định khi tách ra, tách vào; và bộ máy ấy đang có vấn đề. Thứ 2, chức năng nhiệm vụ chồng chéo, ban nào cũng đảm trách cả khâu đền bù, đề xuất giải quyết TĐC, trong khi các ban ấy chỉ là cơ quan tham mưu; rõ ràng các ban đã làm không dúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Thứ 3, Chủ tịch UBND quận chưa làm tốt vai trò, nên trong đề bù, bố trí đất TĐC còn lúng túng. Thứ 4, cán bộ BQL dự án biết quỹ đất bị giấu nhưng không báo cáo trung thực, kịp thời, có dấu hiệu "lợi ích nhóm", tùy tiện xử lý sai quy định, vượt thẩm quyền ở nhiều trường hợp. Thứ 5, vai trò thẩm định của Sở Xây dựng không chặt chẽ, Sở Kế hoạch - Đầu tư không sâu sát, ít đi thực tế; không làm tròn trách nhiệm quản lý, tham mưu cho TP. Thứ 6, vai trò của UBND TP trong việc tổng hợp, tham mưu cho Chủ tịch UBND TP không tốt. Cuối cùng là trách nhiệm của sự lãnh đạo điều hành của UBND TP còn lỏng lẻo; trách nhiệm kiểm tra của các ban giám sát giúp việc cho HĐND chưa chặt chẽ.

Đồng chí Trần Thọ cũng nhận lỗi trách nhiệm của HĐND liên quan đến việc này. Và đồng chí cho hay: "Tôi và Chủ tịch UBND TP sẽ đi xuống tận từng vị trí, khu vực để kiểm tra lại, sau đó kiểm điểm, xử lý trách nhiệm từng đơn vị, cá nhân có liên quan".

Công Hạnh - Kim Thanh