Dai dẳng nạn tảo hôn
Qua 5 năm thực hiện "Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (giai đoạn 2016-2020)", tỷ lệ tảo hôn tại Gia Lai mới chỉ giảm được 0,34%. Theo Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, còn nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền khiến tỷ lệ tảo hôn vùng dân tộc thiểu số còn khá cao.
Tỷ lệ tảo hôn tại vùng dân tộc thiểu số Gia Lai còn khá cao. |
Cụ thể, năm 2015, tỉnh Gia Lai có gần 11.000 cặp kết hôn, trong đó tảo hôn là 1.132 cặp, chiếm 10,34%; năm 2016 có gần 13.000 cặp kết hôn, trong đó tảo hôn 1.355 cặp, chiếm 10,49%. Đến năm 2020, trong tổng số hơn 8.600 cặp kết hôn có 869 cặp tảo hôn, chiếm 10%. Như vậy, trong 5 năm thực hiện Đề án, tỉnh Gia Lai mới chỉ giảm được 0,34% tỷ lệ tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, theo ông Kpă Đô, số cặp tảo hôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng giảm; đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ nhận thức của người đồng bào dân tộc thiểu số về tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được nâng lên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực địa phương, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng dân tộc thiểu số.
Cũng theo ông Đô, năm 2020, số vụ tảo hôn gia tăng đột biến tại một vài địa phương như huyện Krông Pa, Chư Pưh, bất chấp các giải pháp quyết liệt của chính quyền địa phương. Nguyên nhân là do thời gian học sinh được nghỉ học kéo dài do phòng, chống dịch COVID-19. Không có sự quản lý của nhà trường, các em tự do sử dụng điện thoại, kết nối với nhau qua mạng xã hội, dễ nảy sinh tình cảm khác giới. Nhiều gia đình lợi dụng việc giãn cách xã hội trong phòng dịch COVID-19 để hợp lý hóa việc kết hôn cho con.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, kinh phí từ Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (giai đoạn 2016-2020)" tại Gia Lai là 5,76 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương; UBND tỉnh cấp 4,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngoài công tác tuyên truyền trên báo, đài địa phương, tổ chức lồng ghép các buổi tuyên truyền, tập huấn, giao lưu văn hóa, văn nghệ, biên soạn, cấp miễn phí tài liệu giáo dục pháp luật đến vùng dân tộc thiểu số, việc tổ chức tuyên truyền tại vùng sâu, vùng xa của các Phòng Dân tộc huyện, thị còn hạn chế do nhân lực, kinh phí hạn hẹp.
Công tác tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ; vùng có tỷ lệ tảo hôn cao là vùng kinh tế, văn hóa còn lạc hậu, nhiều người không biết chữ; đối tượng chính của việc tuyên truyền là thanh thiếu niên, ít tham gia sinh hoạt cộng đồng, đoàn thể dẫn đến hiệu quả không cao. Đặc biệt, do tập tục lạc hậu ăn sâu vào tiềm thức cộng đồng dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, bà con cho rằng, những người có quan hệ bà con, họ hàng kết hôn với nhau sẽ gần gũi hơn, thân thiết hơn, không phải phân chia tài sản cho người ngoài, không sợ mất con, mất của. Tình trạng không có việc làm hoặc cần thêm lao động trong gia đình cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ kết hôn sớm tăng cao, họ lấy nhau về để cùng làm nương rẫy.
Ông Kpă Đô cho biết, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn, thời gian tới, tỉnh Gia Lai chú trọng công tác tuyên truyền về tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến rộng khắp vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tài liệu tuyên truyền đặc thù riêng cho từng vùng dân tộc cần ngắn gọn, minh họa hình ảnh dễ hiểu, gắn với thực tiễn đời sống. Đặc biệt, tỉnh cần nhân rộng, phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số trong công tác tuyên truyền; đồng thời phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về Đảng, chính quyền, không xem xét, công nhận các danh hiệu thi đua, khen thưởng trong năm, kể cả việc không công nhận thôn, làng văn hóa đối với các thôn, làng để xảy ra tình trạng tảo hôn.
Hồng Điệp