“Đại dịch” bạo lực phụ nữ tại Mexico
(Cadn.com.vn) - Nhiều cô gái trẻ thiệt mạng, bị đưa đến một cánh đồng trống ở ngoại ô thành phố Mexico, nơi có biệt danh là “bãi rác phụ nữ”. “Bãi rác” này bắt đầu xuất hiện vào năm 2006, thường là nơi chứa thi thể của các nạn nhân bạo lực gia đình, hoặc bị các băng đảng ma túy nắm quyền kiểm soát toàn bộ khu dân cư ở thị trấn Ecatepec giết hại.
Khu đất trống này vừa được xóa và trở thành khu dự trữ sinh thái. Nhưng mọi người không bao giờ lãng quên quá khứ kinh hoàng của nó trong bối cảnh những vụ giết người ngày càng tăng.
Dulce Payan, 17 tuổi, là một trong nhiều nạn nhân xấu số. Dulce bị sát hại với nhiều vết đâm vào mặt và bụng. Cha cô, ông Pedro Payan cho rằng, những kẻ giết người thuộc La Familia, một băng đảng ma túy bạo lực hoạt động tại Ecatepec, và Dulce bị sát hại khi cô chống đối vì bị hãm hiếp.
Bạo lực ma túy leo thang khắp Mexico trong 7 năm qua khi các quy định của pháp luật dường như chẳng có tác dụng tại một số thành phố và các vùng lân cận. Các băng nhóm địa phương kiểm soát, áp đặt ý muốn của họ đối với người dân và thực hiện nền văn hóa bạo lực cực đoan. Bắt cóc, hãm hiếp và giết hại phụ nữ tại Mexico lên mức báo động hơn bao giờ hết.
Kể từ khi cựu Tổng thống Felipe Calderon phát động cuộc tấn công quân sự nhằm vào các băng đảng ma túy vào cuối năm 2006, hơn 85.000 người thiệt mạng. Tham nhũng và thiếu năng lực trong lực lượng cảnh sát khiến phần lớn các vụ giết người không bao giờ được giải quyết. Gia đình các nạn nhân phàn nàn, cảnh sát không mấy quan tâm đến các trường hợp phụ nữ mất tích.
Cha mẹ của Barbara Reyes trải qua 18 tháng tìm kiếm sau khi cô biến mất vào tháng 8-2011 khỏi Cuautitlan Izcalli, gần Ecatepec. Cuối cùng, họ cũng phát hiện ra thi thể con gái tại một ngôi mộ tập thể cùng với các xác chết không xác định khác ở một nghĩa trang. “Cho đến nay, chúng tôi thực sự không biết những gì đã xảy ra với con gái mình”, cha cô, ông Alejandro Reyes, cho biết.
Lễ tang của Idaly Jauche Laguna, một nạn nhân bị giết hại tại Mexico. Ảnh: Reuters |
“Đại dịch”
Tổng thống Enrique Pena Nieto, người lên nắm quyền vào tháng 12- 2012, cam kết giảm bạo lực liên quan đến các băng đảng ma túy nhưng không thay đổi nhiều chính sách trước đó của ông Calderon.
Các chuyên gia cho biết, ông cũng không mạnh tay giải quyết các vụ sát hại phụ nữ. Trước khi trở thành tổng thống, ông là thống đốc bang Mexico, bao quanh nhiều thành phố Mexico. Trong nửa cuối nhiệm kỳ 2005-2011, các vụ sát hại phụ nữ trong tiểu bang này đã tăng gấp đôi. “Bạo lực đối với phụ nữ không phải là một bệnh dịch, đó là một đại dịch ở Mexico”, Ana Guezmez, đại diện của phụ nữ LHQ tại Mexico, cho biết.
Sự tăng vọt tình trạng bạo lực phụ nữ trong khu vực là do ảnh hưởng nặng nề của các cuộc chiến ma túy, tương tự như những gì đang xảy ra ở Colombia, Guatemala và El Salvador. Phụ nữ trong khu vực xung đột thường được xem là “lãnh thổ” để được chinh phục. Cưỡng hiếp và giết phụ nữ là một cách để đe dọa các băng nhóm đối thủ và người dân địa phương.
Biên giới Mỹ- Mexico từ lâu là nơi nguy hiểm cho phụ nữ. Hơn 1/5 số phụ nữ xấu số ở Mexico vào năm 2012 đã bị giết trong 3-4 bang láng giềng của Texas. Nổi tiếng nhất là Chihuahua, nơi hàng trăm phụ nữ bị giết hoặc bị bắt cóc trong những năm 1990. Với tỷ lệ 22,7/100.000 phụ nữ bị giết vào năm 2012, Chihuahua hiện là bang nguy hiểm nhất đối với phụ nữ tại Mexico.
Theo Trung tâm Giám sát vì quyền phụ nữ Mexico, khoảng 4.000 phụ nữ biến mất ở Mexico trong năm 2011-2012, chủ yếu ở bang Chihuahua và Mexico.
Có được giải quyết?
Áp lực quốc tế trước làn sóng giết người buộc các nhà lập pháp Mexico phê duyệt luật mới nhằm ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ vào năm 2007. Một cơ quan quốc gia cũng được thành lập để ngăn chặn các vụ giết người, và kêu gọi các thẩm phán ký lệnh bảo vệ cho các nạn nhân bị lạm dụng.
Chính phủ cũng thành lập cảnh báo bạo lực giới, công cụ để huy động chính phủ quốc gia, tiểu bang và địa phương nỗ lực bắt thủ phạm và giảm số vụ giết người. Tuy nhiên, trên thực tế, cảnh báo này chưa bao giờ được thực hiện.
Hồi tháng 11-2012, ông Pena Nieto cam kết tăng cường các biện pháp bảo vệ và làm cho cảnh báo bạo lực giới hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng nhiều người nghi ngờ các biện pháp như vậy sẽ không thể phát huy hiệu quả tại một đất nước mà hệ thống tư pháp quá tải, yếu kém và thường xuyên tham nhũng.
An Bình
(Theo Reuters)