Dài kỳ chuyện trầm kỳ (3)
* Bài 3: Kẻ cười, người khóc
(Cadn.com.vn) - Đến các làng chuyên hành nghề kỳ, trầm ở H. Đại Lộc (Quảng Nam), chúng tôi đã được nghe và chứng kiến nhiều câu chuyện vui, buồn của phu trầm. Có người may mắn gặp kỳ, từ một nông dân quanh năm chân lấm tay bùn trở thành "đại gia", nhà lầu, xe hơi, tiền lãi gửi ngân hàng hằng tháng xài không hết. Nhiều người hàng chục năm băng rừng lội suối, đối mặt với vô vàn hiểm nguy nhưng tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Cũng có người bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc vì bệnh tật, thiên tai và tai nạn bất ngờ.
Qua giới thiệu của người quen và năm lần bảy lượt cam kết là sẽ không tiết lộ danh tánh, địa chỉ, D. - một phu trầm vừa trúng đậm kỳ nam ở H. Đại Lộc mới đồng ý tiếp chuyện chúng tôi tại nhà riêng. Tư gia của D. khá bề thế, nhà đúc 2 tầng, nội thất toàn đồ hiệu, theo tiết lộ của gia chủ là mới xây được 2 năm, kinh phí tròm trèm hơn 1 tỷ đồng.
Có được cơ ngơi như thế này D. phải mất gần 20 năm băng rừng lội suối, đối mặt với muôn vàn gian khổ. D. kể, tuổi thơ của anh lam lũ, vất vả và nghèo khó. Nhà đông anh em nên anh ít học, từ nhỏ đã phải tự bươn chải kiếm sống. Thuở nhỏ, khi chúng bạn cắp sách đến trường thì anh phải đạp xe đi bán cà rem kiếm tiền phụ giúp gia đình. Lớn hơn chút nữa, anh làm thợ rèn nông cụ, sửa chữa máy cày và canh tác hơn 1 mẫu ruộng.
Một góc làng Nghĩa Tây, nơi có nhiều nhà cao tầng của người dân trúng kỳ nam. |
Năm 17 tuổi, D. theo các phu trầm trong làng dẫm nát các cánh rừng già từ Gia Lai, Kon Tum cho tới TT-Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa để tìm trầm. Hồi đó nhóm của D. chủ yếu khai thác dó xanh chứ chưa biết tìm kỳ nam như bây giờ. Sau này lấy vợ, sinh con, D. vẫn giữ nghề điệu trầm, cứ đến mùa nông nhàn là anh lại vay mượn tiền đóng chuyến khăn gói lên đường. D. kể: "Mỗi chuyến đi như vậy tốn kém kinh khủng. Trung bình một người chi phí đóng chuyến hết 3 triệu đồng. Gần 1 tháng lặn lội trong rừng với bao hiểm nguy, nếu không gặp được trầm hoặc kỳ thì xem như ôm một khoản nợ chưa biết bao giờ trả được. Nợ trước chồng nợ sau, cứ như thế, các phu trầm cuốn vào vòng xoáy bất tận với hy vọng sẽ có ngày đổi đời. Nhưng lộc rừng đâu phải ai cũng kiếm được. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt…".
Gần 20 năm theo nghiệp phu trầm, mãi đến năm 2011, D. cùng nhóm điệu trầm 7 người mới may mắn gặp được kỳ nam. Anh không tiết lộ cho chúng tôi biết mình đã trúng được bao nhiêu, nhưng thời điểm đó, giới thạo tin của H. Đại Lộc khẳng định, D. gặp được kỳ nam, bán được khoảng 200 tỷ đồng. Vậy là từ một nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, qua một đêm, D. đã đổi đời, trở thành đại gia của H. Đại Lộc. Với số tiền tỷ trong tay, D. xây căn nhà 2 tầng đẹp nhất xóm và tậu một chiếc Camry giá 1,3 tỷ đồng, số còn lại D. gửi ngân hàng.
Tương tự như D., Hoàng - nhân vật trúng kỳ nam ở làng An Định cũng đã tạo cho mình cơ ngơi hoành tráng không kém. Theo lời của các điệu trầm H. Đại Lộc, sau khi trúng hàng trăm tỷ đồng từ cây kỳ nam ở Khánh Hòa, Hoàng cùng nhóm bạn của mình ai nấy đều xây nhà lầu cực kỳ hiện đại, tiện nghi và mua ô-tô xịn. Hầu như nhà nào cũng được áp gỗ cao cấp, nội thất đắt tiền và lắp đặt camera giám sát mọi nhất cử, nhất động xung quanh. Đó là những người trúng đậm nhất, còn ở làng Nghĩa Tây (xã Đại Nghĩa) và An Định (xã Đại Đồng), chuyện người dân có tiền tỷ trong nhà nhờ kỳ nam là không hiếm. Có tiền, người dân xây nhà lầu, đóng góp cho chính quyền địa phương xây dựng công trình phúc lợi, bộ mặt nông thôn trở nên hiện đại. Đây cũng là hấp lực thôi thúc những người khác vào rừng thử vận may.
Anh Nguyễn Văn Đá bị gãy tay trong chuyến đi tìm trầm tháng 5-2014 tại Gia Lai. |
Thực tế ở H. Đại Lộc, không phải ai cũng may mắn tìm được trầm - kỳ, nhiều người nợ nần chồng chất, thậm chí bỏ mạng nơi rừng sâu. Về thôn Tam Hòa, xã Đại Quang, H. Đại Lộc chúng tôi được nghe câu chuyện buồn về số phận nghiệt ngã của phu trầm Nguyễn Văn Nhân (1975). Theo lời kể của nhân chứng Võ Văn Nhựt - người cùng Nhân đi tìm trầm, khoảng tháng 2-2010, Nhân và Nhựt rủ nhau đến địa bàn H. Đông Giang (Quảng Nam) tìm trầm. Trước đó, cả hai phát hiện gốc dó ở núi A Sờ và có khai thác một ít mang về bán được 1,5 triệu đồng. Lần Nhân và Nhựt dự định đến khai thác số còn lại bán lấy tiền để đóng chuyến vào Khánh Hòa tìm kỳ nam nhưng không ngờ lại gặp nạn.
Nhựt kể: "Sau khi dựng trại xong, cả hai chia làm 2 hướng đi tìm lại gốc dó, nhưng đến chiều tối vẫn không thấy Nhân quay về. Biết có chuyện chẳng lành, tôi quay ra chỗ gửi xe máy đợi, sau đó về quê thông báo. Ngay lập tức, thôn Tam Hòa huy động rất nhiều người lên núi A Sờ tìm kiếm nhưng anh Nhân vẫn biệt vô âm tín. Nhiều người đồn rằng, Nhân bị ma rừng giấu, người khác thì đoán anh bị ngã xuống một khe núi nào đó. Có thông tin Nhân bị điên, bỏ đi lang thang vào rừng rồi không biết đường về".
Mất tích trong chuyến đi tìm trầm năm 2010, gia đình anh Nguyễn Văn Nhân ly tán, vợ bỏ đi nơi khác, ngôi nhà luôn cửa đóng then cài. |
Ngày Nhân mất tích, gia đình anh cũng lâm vào bi kịch. Chỉ cho chúng tôi ngôi nhà phía trước cổng đóng then cài, xung quanh cỏ dại mọc um tùm, anh Nhựt xót xa: "Nhân mất tích, vợ Nhân theo người khác có con riêng. 2 con nhỏ của Nhân, một gái một trai nương nhờ ông bà nội - ngoại. Đứa lớn là con trai mới học lớp 6 nhưng nổi tiếng ngỗ ngược, thường xuyên bỏ nhà đi lang thang".
Không riêng gì Nhân, ở H. Đại Lộc, việc phu trầm chết và mất tích nơi rừng thiêng nước độc là chuyện bình thường. Đến nay toàn H. Đại Lộc đã có hơn 20 người bỏ mạng nơi rừng sâu trong lúc tìm trầm. Chỉ riêng làng Nghĩa Tây (xã Đại Nghĩa) có đến 4 người thiệt mạng do nước cuốn trôi và một người do sét đánh chết. Ngoài việc đối mặt với muôn vàn khó khăn nơi rừng thiêng nước độc, nỗi ám ảnh nhất đối với phu trầm chính là nợ nần. Xã Đại Nghĩa có hơn 1.000 người đi tìm trầm, kỳ thì đã có hơn một nửa ôm nợ. Trung bình chuyến đi khoảng 1 tháng, mỗi phu trầm phải đóng chuyến 3-5 triệu đồng/người. Đây quả là số tiền không nhỏ đối với những người dân thuần nông miền quê Đại Lộc.
Phóng sự điều tra: Nguyên Thảo - Hoàng Anh
(còn nữa)