Dài kỳ chuyện trầm kỳ (4)

Thứ sáu, 20/06/2014 10:15

* Bài 4:  Lộc rừng và những điều kiêng cữ

(Cadn.com.vn) - Trong nghề khai thác trầm, kỳ có những điều luật bất thành văn nhưng đều được mọi người tuân thủ một cách hết sức nghiêm ngặt. Đặc biệt nhất là vấn đề tâm linh, hầu như “nhóm điệu” nào cũng thuộc nằm lòng, bởi mọi người tin rằng, lộc bất tận hưởng, nếu không kiêng cữ thì đừng bao giờ mong nhận tìm được kỳ nam.

Với giới điệu trầm có thâm niên ở H. Đại Lộc, vấn đề tâm linh là điều tiên quyết đến thành bại cho một chuyển đi. Thường thì trước khi chuẩn bị cho một chuyến đi, mọi người sẽ thống nhất bầu ra một trưởng nhóm là người cao tuổi, có uy tín nhất. Người này có trách nhiệm đứng ra làm lễ cúng cầu xin lộc rừng và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong nhóm. Trong mâm lễ cúng trước khi lên đường sẽ có một con gà giò. Khi hạ lễ, đôi chân của con gà này sẽ được mang tới cho thầy xem tử vi để tiên đoán chuyến đi dữ hay lành. Nếu thầy phán là dữ thì chuyến đi sẽ hoãn lại, còn không thì cứ thế mà tiến hành.

Nói về chuyện này, Nguyễn Đ., một phu trầm có thâm niên hơn 10 năm ở làng Nghĩa Tây (xã Đại Nghĩa) cho biết, đây là nguyên tắc cơ bản nhất không ai dám bỏ qua. Anh Đ. đưa ra một số dẫn chứng về chuyện các phu trầm gặp hạn khi cố tình đi mà không xem ngày. Chuyện là có một nhóm điệu ở H. Đại Lộc vào rừng Khánh Hòa tìm trầm mà không dâng lễ. Khi đóng trại xong, mọi người chuẩn bị bắt tay vào khai thác thì một phu điệu trong lúc uống rượu làm vỡ chén, mảnh sành cứa đứt gân tay, máu ra rất nhiều. Mọi người buộc phải di chuyển người bị thương ra trạm xá gần nhất băng bó vết thương và bắt xe đưa về quê.

Chưa hết, ngày đầu tiên khai thác, đột nhiên trưởng nhóm lên cơn sốt nặng, có biểu hiện không bình thường. Thấy vậy, cả nhóm định hủy chuyến đi nhưng vì số tiền bỏ ra đóng chuyến quá lớn, thêm nữa nhóm trưởng quyết định để mọi người đi vào rừng, còn mình ở lại nơi đóng trại nghỉ ngơi nên mọi người mới yên tâm làm tiếp. Sau một hồi thảo luận, cả nhóm thống nhất phương án là sẽ sử dụng ĐTDĐ để liên lạc với nhóm trưởng trước khi khăn gói vào rừng tìm trầm. Khi đi được mới hơn 1 giờ đồng hồ, cả nhóm nghe nhóm trưởng điện thoại thông báo là rất mệt, khó thở. Biết có chuyện chẳng lành, tất cả đồng loạt trở về nơi đóng trại thì phát hiện trưởng nhóm đang treo cổ tự vẫn. Rất may là một phu điệu nhanh trí ôm chân trưởng nhóm đỡ lên để mọi người chặt dây, dìu nạn nhân xuống đất và hô hấp nhân tạo cứu sống.

Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng (trái) tiếp xúc với phu trầm từng may mắn gặp kỳ nam.

Khi về làng An Định để tìm hiểu tư liệu cho bài viết này, chúng tôi vô tình nghe câu chuyện phu trầm Nguyễn Văn Đá vừa gặp đại nạn trong lúc đi tìm trầm. Không giấu giếm, anh Đá kể, nhóm của anh mới vào H. Mang Yang (Gia Lai) tìm trầm được 1 ngày thì xảy ra sự cố. Trong lúc đóng trại, chặt củi khô chuẩn bị thổi cơm, anh Đá bị cành cây khô khá lớn rơi trúng người làm gãy tay phải. Anh được mọi người dùng cây nẹp cố định chỗ xương tay bị gãy và vội vã bắt xe về quê chữa trị vết thương, còn mọi người vẫn tiếp tục tìm trầm.

Vào rừng thiêng nước độc, có muôn vàn hiểm nguy rình rập nên các phu trầm thuộc lòng ý niệm càng kiêng cữ càng tốt. Bên cạnh cái luật sống chết có nhau, còn có vô số luật lệ khác mà với nhiều người nghe thì vô lý, nhưng đã là dân điệu trầm bắt buộc phải tuân theo. Ví như trước khi đi không được gần đàn bà, bởi cái mùi giường chiếu ấy là mùi ô tạp, nó sẽ khiến hương trầm biến mất. Rồi phải làm lễ khấn Bà, cúng Bà, cầu xin Bà ban lộc trước khi đi và cả nơi chuẩn bị khai thác. Việc cúng kiếng ấy xem như là bố cáo của nhóm bầu với Thánh Mẫu, sơn thần, oan hồn khuất nẻo nơi núi sâu rừng thẳm để họ biết mình sắp vào rừng mà phù hộ độ trì chứ không ngó lơ, trừng phạt bằng những tai bay vạ gió.

Ở H. Đại Lộc nói riêng và Quảng Nam nói chung, trước mỗi chuyến đi, giới điệu trầm thường tìm đến nhà thầy Nga ngọng để dâng lễ xin lộc rừng. Qua tìm hiểu được biết, sở dĩ có biệt danh Nga ngọng là do bản thân thầy có tật nói ngọng từ nhỏ, chỉ có vợ thầy là hiểu chồng mình muốn nói gì. Hồi mới lập gia đình, gia cảnh thầy rất nghèo khó, mưu sinh chủ yếu bằng nghề bơm gas, sửa khóa ở TT Ái Nghĩa (H. Đại Lộc). Gần 2 năm trở lại đây, đột nhiên Nga ngọng ứng đồng xem bói và đoán hậu vận cho nhiều người. Nhờ ăn theo lộc rừng của các phu trầm trúng kỳ nam, từ chỗ không tấc đất cắm dùi, thầy nhanh chóng đổi đời, mua được đất rộng, tậu căn nhà 3 tầng khang trang. Theo tiết lộ của giới phu trầm, sau mỗi chuyến đi gặp lộc rừng, trưởng nhóm thường trích một phần để tạ ơn thầy, vậy nên thầy có rất nhiều tiền để xây nhà và sắm sửa vật dụng đắt tiền.

Điện thờ và ngôi nhà 3 tầng khang trang của thầy Nga ngọng tại H. Đại Lộc.

Bên cạnh những điều kiêng cữ, giới điệu trầm ở H. Đại Lộc rất tin tưởng vào số mạng của những người có lộc rừng. Không phải ngẫu nhiên mà cả 2 vụ trúng kỳ nam hàng ngàn tỷ đồng của làng An Định và làng Nghĩa Tây đều có căn nguyên từ thời vận của điệu trầm. Trở lại với câu chuyện về cây kỳ nam ngàn tỷ, trước khi lên đường, ông Nguyễn Nhuấn được mọi người bầu làm trưởng nhóm, bởi ngoài việc là người lớn tuổi nhất, ở địa phương ông được mệnh danh là người có duyên với lộc rừng. Bà Thành, vợ ông Nhuấn kể rằng, chồng mình bị bệnh suy thận, sức khỏe rất kém, chỉ đủ sức đi với những điệu trầm ở vùng núi gần. Điều lạ là hầu như chuyến nào có ông Nhuấn đi không ít thì nhiều mọi người cũng tìm được trầm.

Về chuyến đi vào rừng ở H. Khánh Sơn (Khánh Hòa) gặp kỳ nam, ban đầu khi nghe mọi người rủ đi, ông Nhuấn không muốn tham gia vì sợ sức khỏe không đảm bảo. Mọi người động viên mãi, nhất là anh Võ Hai hứa là sẽ cõng chuyến (ba lô khoảng 30kg) giúp thì ông mới chịu đi. Có một chi tiết bây giờ Võ Hai mới kể cho chúng tôi biết là trong quá trình tìm kỳ nam, Nguyễn Xuân Hoàng vô tình dính bẫy lợn rừng do người dân địa phương đặt và chính ông Nguyễn Nhuấn là người tháo bẫy cho Hoàng. Vậy mà sau này, Hoàng không chia số kỳ nam đã trúng cho ông Nhuấn theo đúng luật của điệu trầm.

Nhiều điệu cả đời ngậm ngải tìm trầm nhưng vẫn trắng tay, nhưng có người số đỏ, lần đầu vào rừng đã gặp kỳ nam. Đó là câu chuyện của Nguyễn Văn Sỹ (19 tuổi, trú làng Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa). Sỹ là anh cả trong gia đình có 3 anh em. Năm 1999, cha Sỹ trong lúc đi tìm trầm ở Gia Lai bị nước lũ cuốn trôi, bỏ mạng trong rừng sâu. Hơn 3 ngày sau, những người tìm trầm mới tìm thấy thi thể ông. Dù cha gặp nạn, nhưng vì gia đình quá nghèo khó, năm 2011, lúc đó Sỹ mới 16 tuổi vẫn nằng nặc xin mẹ cho theo chú ruột vào rừng tìm trầm với hy vọng sớm đổi đời.

Không ngờ ngay trong lần đi đầu tiên này, Sỹ may mắn tìm thấy kỳ nam và trở thành tỷ phú. Sỹ kể: “Hơn nửa tháng trời lội nát nhiều cánh rừng ở An Khê (Gia Lai),  cả nhóm 7 người vẫn chưa tìm thấy gì. Chiều 14-6-2011, em được phân công ở lại lán trại để nấu cơm cho cả nhóm. Trong lúc kiếm củi, em phát hiện một gốc cây gỗ lớn đã mục. Nghi ngờ, em chặt một miếng đem về đốt thử thì thấy có mùi thơm. Khi cả nhóm trở về, em kể lại chuyện này và mọi người đến chỗ đó đào xuống chừng 5cm ở gốc cây mục thì phát hiện kỳ nam”.

Sau khi đào được chừng 20kg kỳ nam, cả nhóm liền ra khỏi rừng ngay trong đêm rồi đón xe về Đại Nghĩa. Nhóm của Sỹ đã bán số kỳ nam này cho một người buôn trầm ở Khánh Hòa với giá khoảng 9 tỷ đồng/kg.

Phóng sự điều tra: Nguyên Thảo - Hoàng Anh
(còn nữa)