Kỷ niệm 54 năm Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20-7-1962 - 20-7-2016):

Đại tá Nguyễn Thế Nghiệp với "nghiệp" hình sự

Thứ ba, 19/07/2016 09:59

(Cadn.com.vn) - Với thâm niên 40 năm trong ngành CA, trong đó có đến 20 năm làm lãnh đạo Cảnh sát hình sự (CSHS), Đại tá Nguyễn Thế Nghiệp, Trưởng phòng CSHS CA tỉnh Quảng Nam đã cùng đồng đội phá hàng ngàn vụ án. Ít ai biết rằng, người thủ lĩnh dạn dày sương gió ấy từng đam mê ngành Y…

Là con thứ hai trong một gia đình có 5 anh chị em ở vùng quê lúa Thái Bình, từ  nhỏ, cậu bé Nghiệp đã ấp ủ ước mơ trở thành bác sĩ. "Thời điểm đó gia đình quá nghèo, ông bà hay ốm đau, trong thâm tâm, tôi muốn học y để khám chữa bệnh cho người thân và những người dân vùng quê nghèo của mình", Đại tá Nghiệp trải lòng. Thi vào trường Y lần đầu thiếu điểm, Nghiệp quyết tâm ôn tập để thi tiếp. Trong lúc đang miệt mài đèn sách thì CAH Vũ Thư (Thái Bình) có đợt tuyển quân. "Như một mối duyên tiền định, từ đó tôi theo ngành công an cho đến nay", Đại tá Nghiệp nhớ lại.

Về duyên nợ với mảnh đất và con người xứ Quảng, Đại tá Nghiệp cho biết, trước năm 1975, bố anh chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam. Sau ngày giải phóng, về quê đoàn tụ với gia đình chưa lâu thì nhận lệnh  vào Tây Nguyên công tác và 2 năm sau, người bố ấy lại được điều về Quảng Nam- Đà Nẵng. Lúc bấy giờ, anh cũng vừa tốt nghiệp và theo cha vào Quảng Nam công tác tại CAH Quế Sơn. Qua nhiều năm phấn đấu, đến năm 1985, anh được bổ nhiệm Phó CAH Quế Sơn khi vừa  tròn 30 tuổi. 9 năm sau (1993), anh được điều động về giữ chức Phó trưởng Phòng CSHS CA tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng. Năm 1997, sau khi chia tách tỉnh, anh được phân công làm Trưởng phòng cho đến nay.

20 năm đảm nhiệm chức Trưởng phòng, Đại tá Nguyễn Thế Nghiệp cùng đồng đội đã phá hàng ngàn vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án mờ. "Mỗi vụ án có mỗi kỷ niệm riêng. Và các vụ án phá được đều không theo một quy luật nào cả. Ngoài làm tốt các biện pháp nghiệp vụ, yếu tố may mắn và cái duyên với nghề cũng góp phần lớn vào công việc phá án"-  Đại tá Nghiệp chia sẻ.

Nhiều vụ án mờ hay các đối tượng gây án ở các tỉnh thành khác không bị phát hiện, bắt giữ nhưng khi đến Quảng Nam gây án thì nhanh chóng bị sa lưới. Điển hình như vụ "siêu trộm đột nhập công sở" ở 5 tỉnh, TP của cả nước. Đây là đối tượng rất ma mãnh, nghiện ma túy và từng có hai tiền án về tội trộm cắp tài sản. Sau khi gây án xong, đối tượng cùng người tình nhanh chóng bắt taxi lên ga Tam Kỳ tẩu thoát. Hiện trường để lại duy nhất chí có một mẩu đế giày nhỏ bị gãy. Linh tính đó là đế giày của hung thủ, Đại tá Nghiệp đã cho xác minh. Một chủ cơ sở giày nhiều năm kinh nghiệm mô phỏng được loại giày tương ứng với mẫu đế giày trên, đồng thời cho hay, loại giày này đa số người phía Bắc hay dùng. Kết hợp với các nghiệp vụ khác, CQĐT đã xác định được đối tượng gây án là Vũ Mạnh Hùng (1974, trú Thái Bình).

Đại tá Nguyễn Thế Nghiệp tại hiện trường chỉ đạo dựng lại hiện trường vụ án mạng ở Phú Ninh.

Để bắt một đối tượng mà chỉ căn cứ vào chứng cứ trên thì chưa đủ, do vậy tôi đã cử tổ trinh sát (TS) tức tốc lên đường ra Thái Bình để tiếp tục xác minh. Khi tổ công tác ra đến nơi, sau khi bám theo đối tượng từ Hà Nội về Thái Bình và từ Thái Bình ngược lên Hà Nội, bằng các nghiệp vụ, tổ công tác đã phát hiện đối tượng đang ở bến xe Nước Ngầm. Quan sát, TS phát hiện Hùng đang đi đôi giày đúng với mô tả. Lúc này một TS gọi tên thì Hùng quay mặt lại và ngay lập tức bị TS quật ngã, khống chế. Lật giày của đối tượng, TS phát hiện đế giày bị sứt một miếng trùng khớp với mẫu giày thu được tại hiện trường. Lúc này, tôi mới nhẹ nhõm yêu cầu tổ công tác đọc lệnh bắt giữ Hùng. Ngày 22-11-2014 Vũ Mạnh Hùng bị bắt giữ thì 5 ngày sau, CQĐT cũng bắt giữ người tình của Hùng là Nguyễn Thị Thảo (1965, cùng trú Thái Bình) khi đối tượng đang trên đường tẩu thoát vào TPHCM", Đại tá Nghiệp kể.

Đại tá Nguyễn Thế Nghiệp chia sẻ thêm, có vụ án mờ điều tra mất rất nhiều thời gian, do thông tin bị loãng, như vụ án nữ thầy bói Nguyễn Thị Thanh bị sát hại xảy ra tháng 4-2012 tại H. Núi Thành. Nhưng có những vụ án mờ lại điều tra rất nhanh, mà điển hình là vụ án Lê Văn Phúc sát hại dã man chị Nguyễn Thị Tuyết (H. Thăng Bình) năm 2014 do yêu đơn phương. Vụ án xảy ra vào ban đêm tại đoạn đường vắng không ai chứng kiến, nạn nhân bị vùi xác 4 ngày sau mới phát hiện nên các dấu vết đã bị mờ, thay đổi. Lần theo hàng chục mối quan hệ của nạn nhân, triệu tập hàng trăm đối tượng hình sự nhưng không có kết quả, song trong lúc đến hiện trường, Đại tá Nghiệp nghi ngờ trước sự thờ ơ của một nhóm đối tượng đang đánh bi-a gần hiện trường vụ án. Lúc này, Đại tá Nghiệp cho điều tra viên triệu tập các đối tượng này về trụ sở làm việc. Sau khi thanh lọc cả nhóm, còn 2 đối tượng có dấu hiệu khả nghi, trong đó có một đối tượng tên Zít. "Lúc đó, tôi chỉ nghe anh em nói còn lại đối tượng tên Zít và một đối tượng khác. Nhưng khi trở lại hiện trường, linh tính mách bảo tôi phải tìm được đối tượng tên Phúc. Lúc này tôi nói với một TS phối hợp với CAH Thăng Bình tìm đối tượng khả nghi này. TS liên hệ về CAH Thăng Bình thì được biết đối tượng Zít tên thật chính là Phúc. Từ đây, bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau 4 giờ đấu tranh, cuối cùng Lê Văn Phúc đã khai nhận hành vi phạm tội của mình", Đại tá Nghiệp kể lại.

Trên đây chỉ là số ít trong rất nhiều vụ án mờ mà Đại tá Nguyễn Thế Nghiệp cùng đồng đội phá thành công. "Khi chưa làm rõ đối tượng, hình ảnh người vô tội bị sát hại hay sự lo lắng, hoang mang của gia đình, của người dân đã thôi thúc chúng tôi phải ngày đêm lần tìm sớm đưa kẻ phạm tội ra ánh sáng", Đại tá Nghiệp trải lòng.

Trần Tân