Đắk Lắk vượt khó trong năm học mới

Thứ bảy, 25/09/2021 11:07

Tỉnh Đắk Lắk bắt đầu năm học mới theo hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến theo phân vùng nguy cơ dịch COVID-19. Điều này tạo điều kiện cho các địa phương, nhà trường lựa chọn hình thức dạy học phù hợp với tình hình thực tế, tuy nhiên cũng tạo nên nhiều khó khăn cho cả thầy và trò, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đòi hỏi sự nỗ lực của cả đội ngũ giáo viên và học sinh để hoàn thành chương trình dạy và học.

Cô Lê Thị Tuyến, giáo viên lớp 2A, trường Tiểu học Ama Trang Lơng, xã Cư Mgar, huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) hướng dẫn bài tại nhà cho học sinh.

Khó khăn chồng chất

Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, việc dạy và học đang có xu hướng tổ chức theo hình thức trực tuyến trên truyền hình, Internet. Tuy nhiên, tỉnh Đắk Lắk có đặc thù nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên đối với nhiều hộ gia đình việc học trực tuyến là điều “xa xỉ” khi thiếu thiết bị học tập lẫn đường truyền kết nối mạng Internet.

Trước thềm năm học 2021-2022, Sở GD-ĐT Đắk Lắk đã khảo sát khả năng học trực tuyến của học sinh. Kết quả cho thấy, tỷ lệ học sinh không có điều kiện học trực tuyến ở bậc THPT là 3,24%; GDTX 4,53%; THCS 17,54%; nhiều nhất là ở bậc TH 61,7%. Trong những khó khăn để triển khai dạy học trực tuyến là nhiều học sinh thiếu thiết bị học tập. Năng lực sử dụng công nghệ thông tin của học sinh TH, một bộ phận học sinh cấp THCS và THPT còn hạn chế. Một số giáo viên lớn tuổi kỹ năng dạy học trực tuyến chưa thành thạo.

Cô Lê Thị Tuyến, giáo viên lớp 2A, Trường TH Ama Trang Lơng, xã Cư Mgar, huyện Cư M'gar, cho biết: Cả lớp có 31 học sinh đều là con em người dân tộc thiểu số và chỉ 14 em có thiết bị để học trực tuyến. Do đó, giáo viên phải áp dụng hình thức đến từng nhà học sinh để giao bài. “Dạy học trực tuyến hay giao bài tận nhà là hình thức dạy và học đảm bảo an toàn trong hoàn cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, điều này cũng gây khó khăn, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, nhất là ở cấp tiểu học khi sự tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh rất hạn chế”, cô Lê Thị Tuyến chia sẻ. Đối với nhiều phụ huynh, việc dạy và học trực tuyến đang trở thành vấn đề nan giải khi diễn ra trong hoàn cảnh thiếu thốn các điều kiện cần thiết.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa: Dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp là thách thức rất lớn trong năm học 2021-2022, nhất là vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, vừa thực hiện phương châm “dừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Đặc biệt, học sinh vùng sâu, vùng xa không có điều kiện học trực tuyến, học sinh lớp 1 không có thời gian làm quen môi trường học tập mới như các năm học trước, khiến việc duy trì chất lượng dạy và học gặp nhiều khó khăn.

Không để học sinh bị bỏ lại phía sau

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk cho rằng: Để vượt qua những khó khăn, thách thức trong năm học mới, nhất là dạy và học thích ứng với diễn biến dịch bệnh thì mỗi giáo viên, nhất là giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải chủ động, linh hoạt và cố gắng gấp nhiều lần để duy trì ổn định việc dạy và học, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong năm học mới. Trong bối cảnh ấy, mỗi phụ huynh cần đồng hành với học sinh, phối hợp chặt chẽ với giáo viên trong việc dạy và học, nhất là ở cấp tiểu học.

Là một trong những giáo viên giảng dạy ở điểm trường cách xa trung tâm xã, thiếu thốn các điều kiện học tập, cô Lê Thị Hải Đường, giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi, xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar chia sẻ: Ngay từ đầu năm học mới, giáo viên đã “gõ cửa” từng nhà học sinh để khảo sát điều kiện học trực tuyến, hướng dẫn cách học trên điện thoại di động. Cả lớp có 33 học sinh thì chỉ 14 em có thiết bị học tập trực tuyến. Tuy nhiên, khu vực các em sinh sống thuộc vùng xa nên sóng điện thoại lẫn đường truyền internet đều không ổn định. Vì vậy, giáo viên đã linh hoạt vận dụng nhiều hình thức từ dạy trực tuyến đến giao bài, hướng dẫn bài tại nhà cho tất cả học sinh để đảm bảo các em đều được học tập trong bối cảnh không được đến trường vì dịch bệnh.

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa cho biết: Đối với những khó khăn liên quan đến thiết bị học trực tuyến, đường truyền viễn thông, chính quyền các địa phương đang phối hợp với ngành Giáo dục rà soát, đánh giá các điều kiện dạy và học trực tuyến, từ đó tổng hợp, tham mưu với UBND tỉnh có chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời. Trước mắt, mỗi địa phương, mỗi giáo viên sẽ chủ động, linh hoạt các hình thức dạy và học, vừa đảm bảo yếu tố phòng, chống dịch vừa thực hiện tốt nhiệm vụ năm học.

T.H