Đầm phá Tam Giang-Cầu Hai "kêu cứu" (2)

Thứ tư, 06/04/2016 09:21

* Bài cuối: "Thủy tặc" hoành hành trên phá Tam Giang

(Cadn.com.vn) - Nạn "thủy tặc" lộng hành trên vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai của tỉnh TT-Huế đã và đang khiến nhiều người nuôi trồng thủy sản điêu đứng, nguồn lợi thủy sản (NLTS) và môi trường đầm phá bị hủy hoại.

Khai thác tận diệt, trộm cắp

Từ năm 2010 đến nay, trước tình trạng NLTS trên vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai suy giảm nghiêm trọng do nạn đánh bắt tận diệt, UBND tỉnh TT-Huế đã thành lập hơn 20 khu bảo vệ thủy sản (BVTS) với tổng diện tích mặt nước gần 600 ha. Đây là các khu BVTS dựa vào cộng đồng trên toàn đầm phá, vùng nước nội địa Tam Giang-Cầu Hai và thực hiện tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và tạo các bãi giống, bãi đẻ, nguồn lợi thủy sản ở vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Tuy nhiên, sau khi được thành lập, thủy sản tại nhiều khu bảo vệ vẫn bị khai thác tận diệt.

Khu BVTS Đình Đôi-Cửa Cạn (X. Vinh Hưng) bị các đối tượng cắt lưới
vào rà điện đánh bắt thủy sản trái phép.

Tại khu BVTS Đình Đôi- Cửa Cạn (X.Vinh Hưng, H.Phú Lộc), các đối tượng thường xuyên xâm nhập để đánh bắt, rà điện trái phép. Ông Huỳnh Diện, Chủ tịch Chi hội nghề cá thôn Trung Hưng (X.Vinh Hưng) cho biết: "Địa phương được phân cấp quản lý 340 ha mặt nước đầm phá, trong đó, khu BVTS Đình Đối- Cửa Cạn chiếm 14,5 ha. Dù khu BVTS này nằm gần khu dân cư, nhưng thời gian gần đây, các đối tượng đánh bắt trái phép thường xuyên xâm phạm, đánh bắt bằng hình thức cấm". Theo ông Diện, ngoài một số đối tượng hành nghề rà điện ở địa phương ra thì ngư dân ở các vùng lân cận thường dùng thuyền máy đi từng tốp 15-20 thuyền, xông vào khu bảo vệ, NTTS của bà con ngang nhiên đánh bắt, rà điện, thậm chí cắt lưới, xúc cá mang lên thuyền bỏ chạy.

Thuyền của các đối tượng này thường dùng máy có công suất 9-12D nên chạy rất nhanh, rất khó đuổi kịp, bắt giữ. Các đối tượng này khá manh động, thường đầu tư bộ máy kích điện lên 220V với bình ắc quy lớn, nên nhiều tôm cá lớn nhỏ đều bị đánh bắt hủy diệt. Điển hình nhất là giữa năm 2015, chính quyền X.Vinh Hưng kết hợp với lực lượng công an, xã đội đã bắt một đối tượng trú xã Lộc An, tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính và tịch thu phương tiện, khi tham gia đánh bắt trái phép bằng rà điện.

Khu BVTS Cồn Cát (X.Điền Hải, H. Phong Điền) từ khi thành lập cũng thường xuyên bị các đối tượng khai thác thủy tận diệt, tàn phá nghiêm trọng. Có mặt ở khu vực này, chúng tôi chứng kiến nhiều thuyền của "thủy tặc" ngang nhiên đánh bắt thủy sản bằng các phương tiện hủy diệt như: xung điện, lừ xếp, giã cào... Ngoài tàn phá các khu BVTS, ngư tặc còn ngang nhiên vào đánh bắt tận diệt tại các hồ nuôi của ngư dân. Nhiều năm trở lại đây, hàng loạt hộ nuôi tôm, cá trên đầm phá ở các xã: Quảng Phước, Quảng An, Quảng Lợi và TT. Sịa (H. Quảng Điền) bị ngư tặc đẩy vào cảnh sạt nghiệp.

"Hồ nuôi của gia đình tôi đã nhiều lần bị ngư tặc xông vào đánh bắt bằng xung điện, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng"- anh Nguyễn Thành (X.Quảng Phước. H.Quảng Điền) cho biết. Còn ngư dân Phạm Th. (X. Vinh Hưng. H. Phú Lộc) ngao ngán, nói: "Chưa bao giờ thấy các đối tượng "thủy tặc" liều lĩnh như hiện nay. Thủy sản nuôi thấp triều của bà con từ 4-5 vuông lưới. Chúng ngang nhiên xông vào rà điện, cắt lưới. Phần thì cá, tôm bị bắt, phần thì lưới rách, thủy sản bị thất thoát ra ngoài rất nhiều. Bà con biết, gọi điện báo tin thì chúng đã chạy thoát".

Hồ nuôi của ngư dân cũng bị các đối tượng cắt lưới, khai thác trộm cá tôm.

Manh động

Phó trưởng CAX Điền Hải- Nguyễn Xuân Long cho biết, mặc dù ngư dân trong tổ tự quản của Chi hội nghề cá xã đã nhiều lần phối hợp với CAX tổ chức truy đuổi, nhưng nạn thủy tặc lộng hành tại khu BVTS Cồn Cát vẫn ngày càng gia tăng. Theo ông Long, các đối tượng "thủy tặc" rất manh động, sẵn sàng tấn công lại lực lượng truy đuổi. Mới đây, lực lượng của tổ tự quản truy đuổi 10 thuyền của ngư tặc thì một thành viên của tổ này là ông Phan Đế bị 3 đối tượng dùng gậy đánh bị thương, phải nhập viện cấp cứu.

Ông Huỳnh Diện, Chủ tịch Chi hội nghề cá Trung Hưng cho biết: "Quản lý trên vùng đầm phá khá rộng, đặc biệt là khu BVTS, nhưng 9 thành viên trong Chi hội nghề cá không có phương tiện, công cụ hỗ trợ; kinh phí thì nhỏ giọt khiến công tác tuần tra thường xuyên gặp khó khăn. Nhiều lúc bà con ngư dân báo có đối tượng xâm phạm, đánh bắt trái phép đó mà đành chịu". Ông Diện cho biết thêm, thời gian đầu bà con ngư dân còn cho thuê thuyền, sau này nhiều người sợ các đối tượng này trả thù quá nên cũng "làm ngơ" không cho lực lượng chức năng thuê nữa.

Ông Nguyễn T. (thôn Trung Hưng) cho biết: "Bà con ngư dân ở đây đều biết, ai cho thuê thuyền, các đối tượng "thủy tặc" biết được thì mấy ngày sau, nhiều vuông lưới, lều bạt của họ bị cắt phá, đốt cháy hết. Bà con sợ quá nên không cho thuê thuyền nữa". Cũng theo ông Huỳnh Diện, một nguyên nhân khiến các đối tượng đánh bắt trái phép "nhờn thuốc" là do chế tài, công tác xử phạt chưa thật nghiêm. "Bắt được đối tượng phải tịch thu hết công cụ, chứ xử phạt rồi thu bộ máy kích điện, bình ắc quy thì chi phí... không bằng một đêm các đối tượng này đi đánh bắt trái phép. Họ mua sắm lại. Hôm ni bị phạt, mai lại đi làm tiếp thôi", ông Diện nói.

Thủy tặc hoành hành trên khu vực đầm phá Tam Giang- Cầu Hai chủ yếu là người dân ở địa phương TT-Huế. Một số đối tượng khi sử dụng bộ kích điện để khai thác khi được CA phát hiện và đưa về trụ sở CA, hỏi vì sao biết vi phạm pháp luật mà vẫn thực hiện thì các đối tượng nói rằng: "Do cuộc sống khó khăn, trong khi không có nghề nghiệp nên phải làm để kiếm sống qua ngày".

Trước sự lộng hành của ngư tặc ở vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, UBND tỉnh TT-Huế đã nhiều lần chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Đại tá Nguyễn Thành Luân- Trưởng phòng CSMT CA TT-Huế cho biết: Thời gian qua, Phòng đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tuần tra và đã bắt giữ hàng chục vụ đối tượng đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt trên vùng đầm phá nhưng vấn nạn này vẫn khó ngăn chặn. Theo Đại tá Luân, để xóa bỏ nạn "ngư tặc", các cơ quan chức năng cần giải quyết từ gốc vấn đề. Đó là quan tâm hỗ trợ, giúp những người kiếm sống bằng nghề trên có kế mưu sinh và việc làm ổn định để họ từ bỏ nghề mình đang theo.

Hải Lan