Đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran: Cơ hội cho hòa bình bền vững
Ngày 12-4, các quan chức Mỹ và Iran đã bắt đầu vòng đàm phán hạt nhân mới tại Muscat, thủ đô của Oman. Đây được đánh giá là một trong những nỗ lực ngoại giao quan trọng nhất trong vòng một thập kỷ qua, khi cả hai bên đang chịu sức ép lớn nhằm ngăn chặn kịch bản chiến tranh có thể xảy ra nếu đàm phán đổ vỡ.

Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục căng thẳng. Hôm 11-4, Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung nhắm vào ngành dầu mỏ và hạt nhân của Tehran. Trước đó, Tổng thống Trump nhắc lại lời đe dọa rằng Mỹ hoàn toàn có thể thực hiện hành động quân sự nếu đàm phán thất bại. Đáp lại, Iran tuyên bố có thể trục xuất đội ngũ thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA). Tehran cũng phát đi thông điệp tới các nước láng giềng đang có căn cứ quân sự của Mỹ về nguy cơ sẽ phải đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng” nếu dính líu tới bất cứ cuộc tấn công quân sự nào của Washington nhằm vào Iran.
Dẫn đầu đoàn đàm phán Mỹ là đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Trump, ông Steve Witkoff, trong khi phái đoàn Iran do Ngoại trưởng Abbas Araghchi dẫn đầu. Mặc dù các cuộc đàm phán diễn ra một cách gián tiếp thông qua vai trò trung gian của Oman, nhưng hai trưởng đoàn – ông Araghchi và ông Witkoff – đã có một cuộc trò chuyện ngắn trực tiếp với nhau dưới sự chứng kiến của Ngoại trưởng Oman, ông Badr al-Busaidi, sau khi phiên đàm phán chính thức kết thúc.
Phát biểu trước báo giới tại Muscat, ông Araghchi mô tả vòng đàm phán đầu tiên là “mang tính xây dựng” và được tiến hành trong “bầu không khí bình tĩnh và rất tôn trọng”.“Không có ngôn từ thiếu phù hợp nào được sử dụng, và hai bên thể hiện cam kết tiếp tục thúc đẩy đàm phán cho đến khi đạt được một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi, dựa trên vị thế bình đẳng”, Ngoại trưởng Iran cho biết. Theo ông Araghchi, hai bên đặt mục tiêu xây dựng một khuôn khổ tổng thể cho một thỏa thuận trong tương lai tại vòng đàm phán kế tiếp.
Ngoại trưởng Iran cho biết cuộc gặp thứ hai dự kiến diễn ra vào ngày 19-4, tuy nhiên có thể sẽ không được tổ chức tại Muscat. “Trong vòng đàm phán tới, chúng tôi sẽ cố gắng bước vào nội dung cụ thể của nghị trình, và tất nhiên sẽ đi kèm với một lộ trình thời gian”, ông Araghchi nói thêm, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng hai bên có thể sớm hoàn thiện cơ sở để bắt đầu những “cuộc đàm phán thực chất”.
Phát biểu từ Muscat, Ngoại trưởng Oman - ông Sayyid Badr bin Hamad bin Hamood Albusaidi - khẳng định cuộc đàm phán giữa Iran và Mỹ “đã diễn ra trong bầu không khí thân thiện, có lợi cho việc thu hẹp những khác biệt về quan điểm và cuối cùng là đạt được hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực và trên toàn cầu”. Trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Albusaidi chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với nhau và thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực để hỗ trợ đạt được mục tiêu này”.
Cùng ngày, Nhà Trắng cũng ra tuyên bố đánh giá cuộc đàm phán hạt nhân gián tiếp giữa Mỹ và Iran tại Oman đã diễn ra trong bầu không khí “rất tích cực và mang tính xây dựng”. Nhà Trắng cho biết trong quá trình đàm phán, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông Steven Witkoff đã nhấn mạnh chỉ thị của Tổng thống Donald Trump về việc cần phải giải quyết những bất đồng giữa Washington và Tehran “thông qua biện pháp đối thoại và ngoại giao” nếu có thể. Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng đánh giá cao cuộc gặp trực tiếp chớp nhoáng giữa ông Witkoff và Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi, đồng thời coi đây là “một bước tiến trong việc đạt được kết quả có lợi cho cả hai bên”. Nhà Trắng xác nhận vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra tại Oman vào ngày 19-4 tới.
Về phía Nga, Reuters cho biết, Đại sứ nước này tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) Mikhail Ulyanov mô tả kết quả đàm phán giữa Mỹ và Iran ở Muscat (Oman) về chương trình hạt nhân của Tehran là “đáng khích lệ”.
Khi các cuộc đàm phán đang diễn ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Esmaeil Baghaei, mô tả đây là “một sự khởi đầu” để hai bên trao đổi quan điểm cốt lõi, đồng thời là “một phép thử” đối với quyết tâm của Mỹ. Người phát ngôn của chính phủ Iran cũng từng cho biết Tehran mong muốn tham gia vào cuộc đối thoại "mà không có sự phô trương, kịch tính hoặc gây mất tập trung".
Trước khi bắt đầu cuộc đàm phán, vào ngày 11-4, Bộ Ngoại giao Iran đã tuyên bố rằng Mỹ nên đánh giá cao quyết định của Iran trong việc tham gia đàm phán, bất chấp điều họ gọi là một "sự phô trương đối đầu" đến từ phía Washington. "Chúng tôi dự định sẽ đánh giá mục đích và quyết tâm của phía bên kia vào ngày 12-4. Với sự nghiêm túc và thận trọng thẳng thắn, chúng tôi đang trao cho hoạt động ngoại giao một cơ hội thực sự", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei đăng tải trên mạng xã hội X. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran, ông Majid Takht-e Ravanchi khi đó cũng nhấn mạnh: "Nếu không có các mối đe dọa và sự hăm dọa từ phía Mỹ, khả năng đạt được một thỏa thuận là rất cao. Chúng tôi phản đối mọi hành vi bắt nạt và ép buộc".
AN BÌNH
Dòng sự kiện:Chính trường thế giới
Tổng thống Mỹ để ngỏ việc miễn trừ thuế đối với một số quốc gia
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục leo thang
Đằng sau quyết định hoãn áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ
Mỹ làm rõ mức thuế đối với hàng Trung Quốc là 145%, không phải 125%
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ làm Trưởng đoàn đàm phán thương mại với Việt Nam