Dân dã lá sắn xào

Thứ bảy, 18/01/2014 12:55

(Cadn.com.vn) - Đến với Đông Giang (Quảng Nam), ngoài cảnh đẹp núi rừng và những phong tục tập quán của người Cơ Tu nơi đây, có một điều làm nên nét đặc sắc cho vùng đất này mà rất ít người biết đến, đó là ẩm thực. Một trong những món ăn rất lạ, đó là món lá sắn xào. Xưa nay, người ta chỉ ăn củ sắn, chứ không ai ăn lá sắn bao giờ. Nhưng đối với người Cơ Tu thì khác, lá sắn xào là đặc sản đối với họ. Và điều đặc biệt, là món ăn này được chế biến nguyên chất mà không qua khâu rửa sạch. Chính vì vậy mà món ăn này thường được nấu sau những ngày mưa. Khi mưa đến, tất cả bụi trên lá sẽ được rửa sạch, người Cơ Tu chỉ việc hái mang về nhà. Và những lá được xào, phải là những lá non trên cùng để đảm bảo độ ngon cũng như độ sạch. Bởi những lá non sẽ cách xa mặt đất, ít bụi bẩn hơn, và lá non khi xào lên sẽ không bị dai.

Sau công đoạn chọn lá sẽ là công đoạn vò nát. Lá sắn được cho vào nong, hoặc mẹt, vo tròn cho đến khi mềm nhũn thành từng sợi nhỏ. Sau khi vò nát, lá sắn sẽ được xào lên. Việc xào nấu rất đơn giản, chỉ cần cho một ít dầu lên chảo, đảo sơ qua rồi cho gia vị là xong. Món ăn này được dùng khi còn nóng hổi; ngay khi vừa bê từ trên bếp xuống, lá sắn vẫn còn nguyên trong chảo đã ăn ngay. Mọi người xúm quanh bếp lửa, người gắp bằng đũa, có người lại bốc bằng tay, rất dân dã và mộc mạc.





Chọn lá, vò và xào...

Giữa tiết trời se lạnh, ngồi bên bếp lửa và thưởng thức những cọng sắn bùi bùi, ngậy ngậy là điều rất thú vị. Một nắm lá sắn nhưng chứa đựng cả ngọt bùi của một mùa vụ. Một món ăn nhưng lại chứa đựng cả tình cảm dạt dào mà đồng bào Cơ Tu dành cho những người khách thập phương như tôi. Nói đến mùi vị thì đây là món ăn ngon, nhưng trên hết, lá sắn xào là món ăn văn hóa, món ăn từ thời đói khổ mà người Cơ Tu không thể quên được. "Chúng tôi nấu món này không phải chỉ để ăn, mà còn để gợi nhớ về những ngày tháng gian khổ trước kia. Thời chiến tranh, bom đạn dội liên miên, củ sắn không kịp mọc đã bị bom cày nát cả. Trong khi đó thì gạo không đủ ăn, nhân dân và bộ đội mình đói khổ, nên Đảng chủ trương lãnh đạo lấy lá sắn làm món ăn chống đói. Hồi đó, cây sắn chỉ mới cao chừng 2, 3 gang tay thì đã bẻ lá rồi. Nhờ chính sách này mà đồng bào có thể cầm cự, cùng sát cánh bên nhau mà đánh giặc Mỹ, bà A Lăng Phước, vợ của già làng Y Kông, ở xã Ba, thôn Tống Cói kể.

 Bây giờ, đời sống đã được cải thiện hơn, lương thực cũng đầy đủ, đồng bào Cơ Tu không còn đói khổ như trước nữa. Tuy nhiên, trong bữa cơm của gia đình, người Cơ Tu vẫn thường nấu món ăn này, để tưởng nhớ về những ngày gian khó nhưng hào hùng của cha ông.

Kim Hiếu