Danang MRCC – “ Thần hộ mệnh” của người đi biển
(Cadn.com.vn) - Chỉ tính từ năm 2009 đến 2013, hai tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng SAR274 và SAR412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC) đã thực hiện 69 chuyến đi làm nhiệm vụ, cứu sống 244 người bị nạn trên biển, lai dắt thành công 33 phương tiện gặp nạn. Với những người lấy biển làm nhà, Danang MRCC chính là “thần hộ mệnh”.
Tàu SAR của Danang MRCC đi cứu hộ, cứu nạn trong một trận bão năm 2013. |
TRÁNH ĐƯỢC “TITANIC” TẠI HOÀNG SA
Danang MRCC là nơi quy tụ những “hảo thủ” trước đây đã làm nghề đi biển, họ có 2 kỹ năng nổi bật là sức khỏe cực tốt và cảm giác không gian trên biển cực siêu. Ở đây như một doanh trại, làm việc như một đội phản ứng nhanh, 20 phút khi có lệnh mà không có mặt ở tàu là nhận một mức kỷ luật. Không đáp ứng được yêu cầu cơ động thì phải nghỉ việc, không chịu được sóng to gió lớn cũng phải tự nguyện rút lui. Đơn giản, vì tốc độ, sức khỏe của họ quyết định đến sự an nguy của nạn nhân giữa biển khơi.
Ông Nguyễn Văn Hòa, thuyền trưởng tàu SAR274 với 31 năm đi biển, một nửa thời gian này làm công tác cứu hộ cứu nạn đã thuộc các vùng biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận như lòng bàn tay. Thế nên khi kể về các vụ chìm tàu, cháy tàu, va chạm trên biển, ngư dân đau ruột thừa thập tử nhất sinh... ông có thể kể vanh vách thời gian, tọa độ tiếp cận của từng vụ việc cụ thể. Trong rất nhiều sự cố trên biển, hình ảnh mà ông cũng như các đồng nghiệp sẽ không bao giờ quên được là “thảm họa Titanic” của Việt Nam cách đây chẵn 10 năm tại khu vực biển phía nam Vịnh Bắc Bộ.
“Khi nhận yêu cầu cứu nạn, chúng tôi mở hết tốc lực lên đường trong điều kiện gió cấp 7. Ra đến nơi thì tàu đã chìm hẳn, 28 thuyền viên thì trôi dạt mỗi người một nơi trong tình trạng kiệt sức hoàn toàn. Trong 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đi “vớt” người hệt như trong thảm họa tàu Titanic. Cứu được đến người cuối cùng thì tôi như lả đi. Đó là tình huống nguy hiểm nhất và chúng tôi đã thực hiện thành công nhất”, thuyền trưởng Hòa nhớ lại.
Xuồng trung chuyển cứu hộ của tàu SAR412 tiếp cận để vận chuyển nạn nhân. |
“Người đồng cấp” của ông Hòa là ông Phan Xuân Sơn, làm chủ con tàu SAR412 có tốc độ lớn hơn cũng là nhân vật “chinh chiến” với nhiều tình huống sinh tử của ngư dân cũng như thuyền viên của các tàu vận tải. Điển hình là năm 2010, tàu này vật lộn với gió bão cứu 10 ngư dân Đà Nẵng trên tàu ĐNa 61406 bị nạn ở ngư trường Hoàng Sa. Đến năm 2011, tàu cứu được 11 thuyền viên của tàu BĐ 90169, năm 2012 cứu 7 ngư dân tàu QB 92897 ở vùng biển Quảng Trị, 2013 là 9 thuyền viên tàu ĐNa 90450 gặp nguy hiểm tại vùng biển phía bắc Đà Nẵng.
Thậm chí, có những thời điểm mà mưa bão kéo dài, nhiều tàu cá cùng gặp nạn thì SAR412 “tả xung hữu đột” và giải nguy cho rất nhiều tàu trong cùng một chuyến đi. Trong những tình huống mà tính nguy hiểm và phức tạp cao, cần có sự phối hợp giữa cứu nạn, cứu hộ thì bộ đôi “song kiếm hợp bích” sẽ cùng nhau lên đường. Đối với các trường hợp đau ruột thừa, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não và tàu chìm, SAR274 mở hết tốc lực 19 hải lý/giờ, SAR412 là 26 hải lý. Không chỉ là những thao tác về mặt cơ học để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, “đội phản ứng nhanh” của Danang MRCC còn là những chuyên gia tư vấn tâm lý cho những nạn nhân trong các tình huống dễ hoảng loạn. Nhiều lúc, sau khi đưa được người bị nạn lên tàu, họ còn đối mặt với những cơn cáu bẳn của những người vừa thoát chết.
Lực lượng cứu hộ của Danang MRCC vận chuyển một ngư dân lên tàu cứu nạn. |
CỨU HỘ, CỨU NẠN NGƯ DÂN LÀ MỆNH LỆNH
Ông Trần Văn Long, Giám đốc Danang MRCC cho biết, chức năng nhiệm vụ chính của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II là chỉ đạo trực tiếp và điều hành các lực lượng thuộc ngành hàng hải tại trong khu vực từ Quảng Bình đến Bình Thuận tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển dưới sự điều hành của Vietnam MRCC. Không chỉ trực tiếp cứu sống 244 người kể từ năm 2009 đến nay, các tàu của đơn vị đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các tàu thường xuyên hoạt động trên biển hỗ trợ cho gần 1.000 người khác gặp sự cố về tàu thuyền hoặc sức khỏe trên biển. Ngoài việc trợ giúp bà con ngư dân miền Trung, hai tàu SAR274 và SAR412 đã ứng cứu hàng chục thuyền viên người nước ngoài, trong đó có cả tàu Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á.
Theo ông Long, dù còn hạn chế về số lượng cũng như tầm hoạt động của phương tiện tìm kiếm cứu nạn nhưng với mệnh lệnh sát cánh cùng ngư dân, cán bộ nhân viên của Danang MRCC sẵn sàng xông ra giữa những khó khăn để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của những người vừa tham gia phát triển kinh tế biển vừa bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Trong bối cảnh mà thiên tai ngày càng diễn biến khó lường cộng với những phức tạp diễn ra trên biển Đông, ngay cả trong những vùng thuộc chủ quyền của nước ta đã bị tàu nước ngoài quấy phá, áp lực đối với Danang MRCC là không nhỏ. Mặc dù vậy, mỗi khi có lệnh, “đội phản ứng nhanh” của đơn vị lại lên đường thực hiện nhiệm vụ được gọi là “mệnh lệnh của trái tim”.
“Ngay sau khi nhận thông tin từ bên anh Dũng (ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Danang Radio), chúng tôi sẽ gọi trực tiếp cho chị Hồng (bà Phạm Thị Ánh Hồng, Phó giám đốc 115 Đà Nẵng). Và lên đường! Việc này chỉ thực hiện trong 20 phút, nhưng đó là cả cuộc sống của ngư dân. Trách nhiệm của chúng tôi nặng nề, nhưng may mắn là có được sự phối hợp vô điều kiện của các cộng sự. Chúng tôi chưa có quy chế phối hợp, nhưng bị ràng buộc bởi một điều duy nhất, đó là mạng sống và tài sản của ngư dân”, ông Long nói.
Công Khanh