Đắng cay phận phu vàng (2)

Thứ ba, 26/05/2015 12:15

* Kỳ 2: Phận bạc nữ phu vàng

(Cadn.com.vn) - Đằng sau những “giấc mơ vàng” là đầy rẫy cuộc đời bạc bẽo, mà đau đớn nhất là phu vàng nữ. Trong những ngày lân la ở “thủ phủ vàng” Phước Sơn (Quảng Nam), chúng tôi tình cờ gặp 2 cô gái cùng quê Nghĩa Đàn (Nghệ An). Họ đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện đầy nước mắt trong những năm sống ở các bãi vàng. Đây cũng là những nạn nhân “tiêu biểu” của cuộc đời nữ phu vàng nơi đây.

Tháng 5, hoa bằng lăng tím ngắt cả khoảng trời TT Khâm Đức, Phước Sơn. Màu bằng lăng đẹp dịu hiền như cô gái tên Y. mà chúng tôi vừa gặp. Và, thật trùng hợp, Y. cũng có biệt danh “Bằng lăng tím”. Năm nay vừa qua 30, nhưng Y. đã có thâm niên “trong nghề” hơn 10 năm. Hỏi lý do vì sao từ bỏ nơi “miền đất hứa” thì Y. chỉ cười gượng trả lời: "Chừng đó năm sống đời phu vàng đã quá đủ với tôi rồi".

Cũng như những cô gái có nhan sắc khác, qua trung gian, Y. quen biết với “bố N.” - tên mà các phu vàng và người cấp dưới gọi ông chủ Cty H.V. Được “bố N.” chấp nhận, Y. bắt đầu về quê lân la bắt quân cho Cty H.V. Lúc này, dù ở tuổi đôi mươi, nhưng Y. đã có gia đình và một con gái. Kể về thân phận mình, Y. cho biết: Khi vừa mới lớn, Y. yêu rồi có thai với một người đàn ông cùng quê. Vợ chồng sống với nhau chưa được bao lâu thì nảy sinh mâu thuẫn nên ly dị. Y. vào làm cho “bố N.”. Bắt quân được vài năm, Y. được “bố N.” tin tưởng giao cho việc quản lý đám nhân viên ở TT Khâm Đức. Trong thời gian đó, Y. tình cờ quen rồi yêu một phu vàng cũng làm cho Cty H.V. Tuy nhiên, mối quan hệ trên bị ông chủ ngăn cấm. Song vì tình yêu, Y. quyết định vào bãi làm phu vàng để được gần người mình yêu.

Y. kể chuyện khi làm trong bãi vàng.

“Những mối tình nơi đây đến cũng nhanh mà phai tàn sớm như hoa bằng lăng tím. Chẳng bao lâu, vì gánh nặng mưu sinh, chúng tôi nhận thấy tình yêu không đơn giản chỉ có “túp lều tranh hai quả tim vàng” nên mối tình này cũng chấm hết. Hai năm sống ở bãi vàng với người tình, tôi cũng kịp nếm trải những cảm giác ngọt ngào nhưng cay đắng nhận được cũng gấp đôi. Tình tan vỡ, bị “thất sủng” với ông chủ, tôi trở về quê. Tuy nhiên, vì… nhớ rừng núi, nhớ bờ bãi, nhớ những người anh em, thỉnh thoảng đôi ba tháng tôi bắt xe vào thăm lại “thung lũng vàng” - Y. tâm sự.

Cuộc đời cũng chông gai, gập ghềnh như Y., H. (1992) sinh ra trong gia đình nghèo khó. Xong lớp 9, H. nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình việc nhà. Đến năm 18 tuổi, em cũng bị lôi kéo vào con đường của những phu vàng. “Họ nói vào làm vàng nhiều tiền lắm. Người ta vẽ ra tương lai trước mặt, vậy là cả lũ trai gái kéo nhau vào. 3 năm, em lang thang hết bãi Muối, Khe Tăng, đến bãi Ruộng (xã Phước Thành, Phước Sơn). Khác với con trai phải chui hầm, còn con gái tụi em việc chính là ngồi ở máy cào quặng. Quặng được phu vàng đưa từ hầm lên, bỏ vào máy xay rồi chảy ra máy cào. Thời gian làm việc từ 5 giờ 15 đến 11 giờ 15. Vừa ăn vừa nghỉ trưa trong vòng một tiếng rồi trở lại làm đến 17 giờ 15. 3 bãi vàng có chừng 1.000 người. Con trai phải làm quần quật trong hầm. Không chịu nổi kiểu lao động “khổ sai”, nhiều người đã băng rừng, vượt suối tìm đường trở về. Nhưng có người cũng vì quá ấm ức nên tự sát để “dằn mặt” cai mỏ.

H. suy tư kể về những năm tháng sống ở bãi vàng.

“Em nhớ nhất vụ ôm mìn tự sát của anh Quang Văn Du (1993, quê Tương Dương, Nghệ An). Lúc đó em mới đến làm ở bãi Muối, nghe nói bạn của anh Du bị cai mỏ đánh nhiều lần. Sau nhiều lần can ngăn không được, trong quá trình làm việc, anh Du lấy trộm thuốc nổ rồi cho phát nổ trưa 30-7-2011. Hậu quả, anh Du chết tại chỗ, 4 người khác bị thương” - H. ngậm ngùi kể lại những chuyện tai nghe, mắt thấy lúc còn làm trong bãi vàng.

Cũng chính vì bị đối xử hà khắc, các phu vàng trốn trại là chuyện thường ngày. Nhưng hầu hết những phu vàng này đều bị cai mỏ cho người vây bắt lại. “Bình thường, nơi đây mọi vật dụng làm việc, sinh hoạt đều thiếu thốn, nhưng khi có đoàn công tác của chính quyền vào kiểm tra, người của Cty lo liệu mọi chuyện, cái gì cũng có. Cũng chính sự hà khắc nên trong 3 năm làm phu vàng, em trốn chạy 2 lần. Lần thứ nhất, em yêu một anh làm cùng bãi (quê Tuyên Quang). Bị cai bãi phát hiện, chủ la mắng, đánh đập, người yêu của em bị đuổi thẳng về nhà. Sau đó em trốn theo nhưng bị bắt lại. Lần thứ hai, do ăn uống quá khổ cực, thức ăn không có mì chính, trời mưa thì phải lên rừng hái rau về ăn, ốm đau không ai quan tâm… Chịu không nổi, em bỏ trốn. Nhưng trốn cũng không thoát” - H. tâm sự.

Một nhóm phu vàng trên đường vào rừng theo tiếng gọi "giấc mộng vàng".

“Vậy tại sao em ra được khỏi nơi đó?” - tôi hỏi. H. cho biết: Đến cuối năm 2013, em được về Tết. Tuy nhiên, làm quần quật cả năm nhưng lúc đó ra về chỉ nhận được 6,5 triệu đồng tiền lương. “Lương ban đầu ký hợp đồng là 1,8 triệu đồng/tháng, nhưng không bao giờ họ trả hằng tháng. Họ để cả năm dồn lại đưa một lần, nhưng chỉ đưa 2/3, còn họ giữ lại 1/3. Nhưng cuối năm đó em chỉ nhận được 6,5 triệu đồng, hỏi thì quản lý bảo… âm lương. Ai cũng nói bị thiệt thòi, nhưng không ai kêu la. Em khóc nhưng họ vẫn mặc kệ. Tuy nhiên, lúc này em phát hiện mình đã có thai nên đành chấp nhận ra về và đoạn tuyệt với nơi này.

Có lẽ, đối với những chàng trai, cô gái như H., khi cái ăn ở quê không đủ, nghề nghiệp không có, khát việc làm như khát nước thì đi làm cả năm đem về cho gia đình dăm bảy triệu đồng cũng là điều may mắn lắm rồi. Thế nên họ đành nghiến răng cam chịu.

Phu vàng làm việc ở những bãi vàng Quảng Nam.

Nói về cái thai của mình, H. cho biết, dù bị ngăn cấm đủ đường nhưng sự khao khát yêu thương của những chàng trai, cô gái nơi đây luôn âm ỉ. Cũng chính vì thế, sau này H. tiếp tục yêu một phu vàng quê ở Kỳ Sơn (Nghệ An). Song, hạnh phúc của H. chẳng kéo dài được bao lâu khi phát hiện ra người yêu nghiện ma túy. “Lúc về nghỉ Tết, em mới phát hiện anh ấy bị nghiện. Nhưng chúng em đã lỡ mang thai rồi nên phải cưới. Cưới xong không được bao lâu thì anh ấy vào tù vì tội trộm cắp. Buồn vì chồng, sinh con xong em gửi cho ông bà ngoại nuôi rồi trở vào đây phụ bán quán cà-phê cho đến bây giờ” - H. cho biết thêm.

Hai cuộc đời, nhưng có chung một số phận, Y. và H. đều có những năm tháng mưu sinh, yêu đương và nếm trải những đắng cay nơi bãi vàng.

Bão Bình
(còn nữa)