Đằng sau cuộc chiến “đả hổ, diệt ruồi” của Trung Quốc

Thứ bảy, 05/07/2014 10:30

(Cadn.com.vn) - Cú ngã ngựa của tướng Từ Tài Hậu - một nhân vật quyền lực của Quân giải phóng Nhân dân (PLA) -  thể hiện quyết tâm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Kể từ khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo Đảng cuối năm 2012, ông Tập đã có những bước đi tích cực trong cuộc chiến chống hối lộ, lãng phí và nhất là cuộc chiến tham nhũng mệnh danh “đả hổ, diệt ruồi”.

Theo AP, hàng loạt nhân vật từ cấp thấp đến cấp cao bị sờ gáy và “ngã ngựa”, trong đó có cả những nhân vật chính trị tên tuổi như Bạc Hy Lai – người đang phải thụ án tù chung thân vì tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Trường hợp của ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị là một ví dụ khác. Ông Chu là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đương nhiệm hoặc đã về hưu đầu tiên bị điều tra vì các tội kinh tế hoặc hình sự kể từ khi chấm dứt thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Trong trường hợp mới nhất, ông Vạn Khánh Lương - Bí thư Thành ủy Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông - cũng trở thành mục tiêu trong chiến dịch “đả hổ” của ông Tập.

Tướng Từ Tài Hậu trở thành nhân vật cấp cao nhất của PLA bị điều tra. Ảnh: Reuters

Nhưng vụ điều tra ông Từ Tài Hậu mới được đánh giá là động thái “đả hổ” táo bạo nhất cho đến nay của ông Tập. Kết quả điều tra cho thấy, tướng Từ nhận hối lộ hơn 35 triệu NDT từ cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần PLA Cốc Tuấn Sơn - người bị buộc tội biển thủ, lạm dụng quyền lực. Tướng Từ có thể bị truy tố do vụ việc được giao cho tòa án binh xét xử. Nếu bị truy tố, vị tướng 71 tuổi này sẽ là sĩ quan cấp cao nhất của PLA bị đưa ra xét xử vì tội tham nhũng.

Các chuyên gia cho biết, một điểm chung dễ nhận thấy, “những con hổ bị diệt” đều là đồng minh thân cận của những người tiền nhiệm của ông Tập. Trong khi ông Vạn Khánh Lương là đồng minh thân cận của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, tướng Từ Tài Hậu được coi là “người của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân”. Đây đều là những nhân vật còn ảnh hưởng lớn trên chính trường Trung Quốc. “Từ Tài Hậu được coi là người của Giang Trạch Dân. Vụ việc này cho thấy sự suy yếu hơn nữa ảnh hưởng của ông Giang và nói chung là sự suy yếu của những gì chúng ta có thể gọi là “ông già chính trị”, Warren Sun, chuyên gia về lãnh đạo Trung Quốc tại Đại học Monash của Australia cho biết. Giới quan sát nhận định, có lẽ ông Tập muốn nhấn mạnh rõ ràng hơn về thời đại Tập Cận Bình.

Thực tế cho thấy, ông Tập Cận Bình nỗ lực thiết lập quyền lực ở PLA nhanh chóng và hiệu quả hơn so với ông Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân. Phong cách mạnh mẽ của ông Tập là sự tương phản rõ nét với hai người tiền nhiệm của mình. Sau khi ông Hồ Cẩm Đào trở thành lãnh đạo đảng vào năm 2002, ông Giang vấn nắm giữ Ủy ban Quân sự Trung ương (CMC) cho đến 2 năm sau đó. Ngược lại, khi ông Tập nhậm chức vào năm 2012, ông Hồ Cẩm Đào bàn giao tất cả. Ông Tập được cho là dành riêng 20 tháng đầu tiên để củng cố quyền lực trên tất cả các khu vực chiến lược.

Những động thái của ông Tập nhằm mục đích chứng minh, ông sẵn sàng giải quyết vấn nạn tham nhũng trong quân đội vốn có ảnh hưởng chính trị. Giới quan sát cho rằng, cuộc điều tra tướng Từ thực sự cho thấy khả năng nổi bật của ông Tập và các đồng minh, cũng như phát đi tín hiệu rất mạnh mẽ trong nỗ lực làm sạch quân đội, để PLA tập trung vào các vấn đề quân sự chứ không phải là hối lộ và tham nhũng.

Các chuyên gia cho rằng, tư tưởng cứng rắn của ông Tập một phần cũng bị chi phối bởi tình trạng bất ổn gần đây ở Trung Quốc, nhất là ở khu vực Tân Cương và cả mối lo kinh tế đang đi xuống.

Khả Anh