Đánh cò

Thứ bảy, 19/01/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Mùa màng thu hoạch xong là thời điểm thú vị nhất để đánh cò, vì cò thường hay ăn trên những cánh đồng không mông quạnh với nước thiêm thiếp. Đây là môi trường lý tưởng cho những chú cò trắng nhà ta, bởi vừa có cá, có nhái, vừa có cào cào, có trùn (giun đất) để cò ăn. Và đó cũng là môi trường lý tưởng để đánh cò.

Cò thường bay đi ăn từng đàn vào mùa đông, mỗi khi bầy cò bay đậu xuống trên một đám ruộng nào là đám ruộng đó giống y như có ai đó thả một dải lụa trắng toát phủ lên trên bề mặt vậy.

Người ta thường dùng bộ giò để đánh cò. Một bộ giò  thường có độ 30-40 cây, dài nhất là  80-100 cây. Cây giò được vót từ tre gốc già, dẻo, chắc. Nửa phần trên vót mỏng, có thể uốn cong lại được và có gu ở đầu để buộc dây  vào cho khỏi tuột; nửa phần dưới vót to hơn và ở phần chân thì vót nhọn để dễ cắm xuống đất. Gần phần chân thì khứa một khứa vào để giữ dây dù lại không cho tuột lên trên. Từng cây giò được nối với nhau bằng dây dù để liên kết bộ giò lại làm thành sức mạnh cho bộ giò.  Ở phần cuối cùng của hai đầu bộ giò, ta để mỗi đầu dôi ra một đoạn dây dù dài, mục đích là để cột vào những bờ cỏ hay bụi cây bên bờ ruộng hoặc cột vào gốc rạ để giữ bộ giò lại khỏi bị đàn cò mắc bẫy giò kéo bay đi mất. Nếu chịu khó ngồi vót thì độ 2-3 ngày là được một bộ giò. Còn nếu không muốn ngồi cho... đau lưng thì bỏ ra độ chừng 70-80 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng là có được một bộ giò cò ngon lành, đẹp mắt. Mỗi một bộ giò cò như vậy ta có thể dùng để đánh được vài ba mùa và như thế là dư sức lấy lại vốn, mà còn có thịt cò để ăn dài dài mỗi mùa đông về nữa.

Có nhiều cách cặm giò. Có thể cặm đường thẳng hoặc theo hình chữ V, hay chữ U, nhưng thường thì người ta hay cặm vòng tròn. Cặm giò xong, ta chuẩn bị sẵn vài ba con cá nhỏ còn sống, đắp một vài hục nhỏ có nước thiêm thiếp và bỏ cá vào đó để làm mồi nhử cò. Hay cột vài con nhái cho nhảy nhảy để thu hút tính háu ăn của cò. Tốt hơn, nếu có cò mồi thì cột dây vào chân con cò mồi rồi thả vào giữa vòng vây giò mình đã cặm để dụ đàn cò đang bay trên trời đậu xuống... làm quen, kết bạn. Xong xuôi, ta đi tìm một bụi cây nào đó ngồi ẩn mình chờ... gặt hái thành quả. Dĩ nhiên là ta đã chuẩn bị sẵn bên mình một cái lồng để nhốt cò rồi. Cũng có thể khi cặm giò xong, nếu siêng siêng một chút, ta có thể đem theo cái thau nhỏ đi tát nước kiếm thêm ít con cá rô, cá diếc về nướng dầm nước mắm gừng thì cũng có lý lắm chứ.

Đàn cò hàng chục con, vài chục con, có khi đến hàng trăm con đang bay trên bầu trời xanh làm trắng cả một vùng trời, khi nghe bên dưới đất cá quẫy “rột rột” trong nước hoặc thấy nhái nhảy tưng tưng, hay thấy có một “đồng minh” của mình đang say sưa ăn dưới ruộng (thực ra đó chỉ là chú cò mồi) là đàn cò nhà ta liền “đổ bộ” xuống ngay. Khi đã “đổ bộ” xuống nơi “hấp dẫn” rồi, cò nhà ta chỉ biết lo tìm cá, tìm cào cào, tìm nhái... để xơi nên không còn quan tâm đến trời trăng, mây gió gì nữa...  Chúng nào có biết rằng người ta đã chuẩn bị măng tươi để xáo với mình sẵn ở đâu đó rồi. Chỉ sau một thời gian ngắn thích thú thưởng thức những “món ngon, vật lạ” mà con người... thương yêu mình đã cung cấp sẵn, bỗng dưng dưới chân cò như có sợi dây gì vướng vào chân thật khó chịu và... mất tự do. Một con, hai con rồi ba con đều cảm thấy như thế. Sợi dây càng ngày càng siết chặt vào chân khi cò vẫy vẫy cái chân và rồi những con bị mắc giò hốt hoảng bay lên làm cho cả bầy cò cũng hoảng theo và bay loạn xạ lên trời xanh. Nhưng những con cò đã mắc giò thì không thể nào bay lên được, cứ cố bay lên là lại bị cây giò kéo xuống, đành... bó cánh. Và thế là ta chạy lại tóm cổ cò mở giò ra bỏ vào lồng “đã ơi là đã”. Xong xuôi, ta sắp bộ giò lại và tung tăng vác lồng cò đi về giữa cảnh chiều đông giá lạnh mà lòng thỏa vui làm sao vì đã có một buổi đánh cò thú vị không gì bằng.

Cò đánh được nuôi cho đẹp hay nuôi bắt ruồi thì cứ việc. Còn muốn ăn thịt thì ăn thịt. Cò cũng có nhiều loại như cò ruồi thì nhỏ con, thường khi bắt được loại cò này thì đem về chặt cánh rồi thả trong chuồng trâu, chuồng bò để nó ăn ruồi, ăn muỗi bảo vệ sức khỏe cho trâu bò nhà mình. Vì thế nên người ta gọi là cò ruồi. Còn cò cá, cò ra, cò ngàn thì... to con, lớn xác nhiều thịt, ăn rất ngon và béo. Cũng có cò ma nữa, cò ma thường có một chỏm lông đen trên lưng.

Thịt cò nấu với gì ngon nhất? Câu trả lời đã có sẵn và do chính cò nhà ta... “tự thú trước bình minh” một cách thật đáng thương như nhiều người trong chúng ta đã từng nghe trong bài ca dao quen thuộc sau đây:

“Ông ơi, ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng...”

Mùa đông gió lạnh đã về, mùa xuân ấm áp cũng đang cận kề trước ngõ và điều đó cũng có nghĩa là mùa đánh cò đã tới và cũng là mùa của những mụt măng non mọc mơn mởn để cho người dân quê tôi có những bữa thịt cò không thể nào quên được trong cuộc đời.

Nguyễn Đình Bùi Thị