Đánh đu mạng sống bên chân núi

Thứ bảy, 09/11/2019 19:00

Mùa mưa lũ đã đến nhưng hàng trăm hộ dân tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) vẫn dựng nhà sống chen chúc dưới các chân núi, trong khi phương án di dời vẫn còn trên giấy.

Người dân dựng nhà sống cheo leo bên con suối ở núi Chụt.

XÂY DỰNG TRÁI PHÉP TRÀN LAN

Cơn bão số 6 đang diễn biến phức tạp và dự kiến đi vào các tỉnh Nam Trung Bộ, trong đó có Khánh Hòa. 2 đợt lũ do ảnh hưởng cơn bão số 8 và 9 tại Khánh Hòa trong năm 2018 là mốc thời gian ám ảnh với nhiều người dân, vì địa phương này hứng “đại tang” (21 người chết, mà chủ yếu là do sạt lở núi). Tại 2 thôn Thành Đạt, Thành Phát (xã Phước Đồng) có tới 694 căn nhà với 2.616 nhân khẩu là cư dân ven núi. Trong số đó có gần 300 căn nhà tạm và hơn 380 căn nhà 1 tầng, tất cả đều xây dựng trái phép trên triền núi và dưới thung lũng từ nhiều năm qua. Tại P. Vĩnh Trường, trong số hàng trăm căn nhà ở khu núi Chụt có tới 117 căn nhà với 410 nhân khẩu xây dựng trái phép nằm trong tầm nguy hiểm sạt lở núi, trong đó có tới 105 căn nhà chông chênh tạm bợ xếp hình bậc thang trên triền núi. Đến núi Chụt, chúng tôi “lạnh xương sống”, khi chứng kiến cảnh những ngôi nhà tạm “neo” vào phiến đá, dựng bên thác nước chảy. Người dân ở đây khi được hỏi đều chung câu trả lời: “Khi nào chính quyền di dời thì đi, không thì cứ sống vậy chứ không còn cách nào khác”.

Vừa qua, UBND TP Nha Trang và UBND tỉnh Khánh Hòa đã nhận khuyết điểm vì đã buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng xây nhà trái phép tràn lan và cư trú tự phát suốt thời gian dài. Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang thừa nhận đã thiếu chỉ đạo, để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, hình thành khu dân cư tự phát trong thời gian dài. “Nguyên nhân là do buông lỏng quản lý” - ông Khánh khẳng định.

Sau vụ sạt lở kinh hoàng, cướp đi 12 mạng người vào 18-11-2018, người dân thôn Thành Phát (xã Phước Đồng) lại quay về chân núi cất nhà tạm để trú ngụ vì không còn tiền thuê nhà bên ngoài để ở. Họ cho rằng “không còn sự lựa chọn”, vì chờ phương án di dời của tỉnh, thành phố quá lâu. “Phương án giờ đang ở trên giấy, chúng tôi không xây lại nhà để ở thì biết ở đâu” - ông Lê Văn Sửu, người dân thôn Thành Phát (xã Phước Đồng) nói.

Ngôi nhà trái phép “mọc” dưới chân núi.

HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG

Gần 1 năm trôi qua, nỗ lực di dời dân vùng có nguy cơ cao về sạt lở, đang sống chen chúc dưới các ngọn núi ở Nha Trang (Khánh Hòa) vẫn còn trên giấy. Một phương án từng được UBND TP Nha Trang xác lập và trình UBND tỉnh Khánh Hòa vào đầu năm nay, đó là xây dựng chung cư - nhà ở xã hội trên diện tích hơn 2,5ha ở khu tái định cư Phước Hạ, xã Phước Đồng để người dân thuê mỗi căn hộ 40m². Quy mô dự án này gồm 840 căn hộ ở 4 tầng nhà và 1 tầng trệt là nơi để xe máy, xe đạp. Tổng dự toán đầu tư gần 380 tỷ đồng từ ngân sách, trong đó có hơn 3,6 tỷ đồng hỗ trợ di dời theo Quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa.

Việc thu phí cho thuê căn hộ từng tháng, bao gồm thuế, chi phí bảo trì, bảo đảm ổn định trong 5 năm, sau đó điều chỉnh tăng 10%. Trường hợp có sự thay đổi về chính sách cho thuê chung cư - nhà ở xã hội bằng văn bản pháp lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, phương án nêu trên cũng vấp phải khó khăn do nguồn vốn đầu tư lớn, rất nhiều người dân không muốn thuê chung cư - nhà ở xã hội mà vẫn muốn giao đất tái định cư không thông qua đấu giá. Ông Đặng Lợi - Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết, phương án di dời hàng trăm hộ dân sống dưới chân núi ở thôn Thành Phát về lâu dài hiện chính quyền TP Nha Trang vẫn đang trình tỉnh xem xét, quyết định. Bão và mưa lũ đã và đang liên tục xảy ra, nhưng việc di dời dân ra khỏi vùng nguy cơ cao về sạt lở núi là cấp thiết hơn bao giờ hết, nhưng việc thực hiện không được “đẩy nhanh tiến độ”, khiến hàng trăm người dân lo lắng, bất an.

MỘC CA