“Đánh thức” vùng đất hoang hóa
(Cadn.com.vn) - Có thể nói, việc triển khai và nhân rộng các mô hình kinh tế, phá vỡ thế độc canh cây lúa không chỉ tạo cơ hội cho bà con nông dân H. Hòa Vang (Đà Nẵng) cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập mà còn góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ đô thị.
Nhìn mô hình rau sạch rộng 4ha ở vườn Khương (thôn Nam Thành, xã Hòa Phong, H. Hòa Vang) với những giàn mướp đắng, mướp hương, bí đao, dưa leo xanh mướt được chăm bón kỹ lưỡng gần 60 ngày đang thu hoạch đợt thứ 3. Anh Nguyễn Trung (trú địa phương) cho biết, 2 đợt thu hoạch trước sản lượng các loại đạt 1,4 tấn bán hơn 18 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người trồng rau phải đối mặt với rất nhiều khó khăn - nào giá vật tư phân bón tăng cao, rồi đến sản phẩm rau quả phải cạnh tranh về giá với các loại rau từ các tỉnh khác tràn về. Trồng đã khó khăn, đến khi tiêu thụ cũng thật vất vả, không có gì đảm bảo nên rau sạch nhiều lúc vẫn phải “bói” chung với các loại rau khác nhưng anh không nản chí, mà kiên trì hợp tác với anh Nguyễn Văn Dũng (trú xã Đại An, H. Đại Lộc, Quảng Nam) tạo dựng một thương hiệu riêng.
Khi nghe chúng tôi đề cập, ở quê đất sản xuất thiếu gì mà phải vất vả ra đây dựng lều tạm trú, anh Dũng bật cười: “Cũng chẳng phải sợ ở quê không có việc làm nhưng đây là thời điểm dễ xảy ra lũ lụt, ảnh hưởng đến việc sản xuất hoa màu nên mới ra đây tìm những hộ dân có đất, hợp tác để trồng rau trái vụ cho thu nhập cao”. Anh Trung nhớ lại, 3 tháng trước, có dịp về Bàu Tròn (xã Đại An) thăm người quen, nhìn vùng đất biền ven sông Vu Gia bao phủ màu xanh tươi tốt của các loại rau ăn lá, ăn quả. Đất không còn một khoảnh trống. Trong lúc, ở quê anh đất đai còn bạt ngàn, người dân ngoài sản xuất lúa thì thời gian nông nhàn chỉ biết đi phụ hồ, lao động phát rừng thuê. Mặc dù vùng đất đồi hoang hóa này rất khó chinh phục nhưng người dân không đành bỏ hoang nên cứ cố công vun trồng các loại rau củ nuôi gia súc. Người dân cũng quen rồi, trồng để có cái mong chờ, chứ bỏ đất hoang thì thấy tiếc. Cũng vì tâm lý này mà nhiều năm qua, các hộ dân trong thôn vẫn cố kỳ vọng sự hồi sinh của vùng đất khô cằn này. Và điều mong ước ấy đang dần trở thành hiện thực khi thôn Nam Thành được chọn triển khai xây dựng “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020 với khí thế và sự đồng thuận rất cao của người dân. Trong đó, phát triển kinh tế được chọn là hướng đột phá bởi nâng cao thu nhập, đời sống của nông hộ có ý nghĩa quyết định hơn cả. “Mô hình trồng rau sạch này sẽ là bước đệm để người dân trong thôn nghiên cứu tìm hiểu mà lựa chọn hướng phát triển kinh tế hộ gia đình phù hợp”, anh Trung chia sẻ.
Một lớp nông dân mới dám nghĩ, dám làm ở vùng đất hoang hóa Nam Thành. |
Với trách nhiệm là một trưởng thôn, anh Trung tìm gặp anh Dũng đặt vấn đề mình cung cấp đất sản xuất, còn anh Dũng với kinh nghiệm 20 năm trồng rau chịu kỹ thuật và bước đầu cả hai cùng góp vốn đầu tư làm thí điểm. Phương châm của các anh là tuyệt đối không dùng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học nên quy trình sản xuất rau sạch cũng rất kỳ công. Theo các anh, người trồng rau thì nhiều nhưng đúng nghĩa trồng rau sạch thì không phải ai cũng làm được, kể cả khâu làm đất cũng không dùng thuốc trừ cỏ mà dùng máy cắt rồi cày xới, thuê người nhổ sạch. Nhược điểm của cách làm này là cỏ non mọc liên tục nên tốn công nhổ cỏ. Cho nên, mỗi ngày các anh phải hợp đồng từ 7-10 lao động luân phiên làm đất ủ phân, xuống giống, làm cỏ, còn sản phẩm thì bạn hàng đến tận nơi chọn quả, đóng thùng... Được biết, nhiều năm trở lại đây, khi tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, nhiều người dân nông thôn đã lần lượt bỏ đất, phá vườn tìm việc làm ở các khu công nghiệp nhưng vẫn có người mãi gắn bó với ruộng vườn. Làm nông giữa thời buổi công nghiệp thật lắm gian truân. Để có thể gắn bó với cây rau, người nông dân luôn phải đối mặt với nhiều thử thách...
Một lớp nông dân mới năng động, dám nghĩ, dám làm đang xuất hiện ngày càng nhiều. Với bàn tay cần cù lao động và hướng đi phù hợp, các anh đang dần “đánh thức” những vùng đất đồi hoang hóa. Không dừng lại ở quy mô sản xuất và tiêu thụ nhỏ lẻ, người nông dân còn đang ấp ủ nhiều hoài bão cho tương lai, nỗ lực xây dựng thương hiệu rau sạch đến với người tiêu dùng trong và ngoài địa bàn TP.
Vy Hậu