Đảo chính mềm ở Pakistan?

Thứ hai, 01/09/2014 08:17

(Cadn.com.vn) - Cũng giống như Thái Lan, nền chính trị Pakistan “nổi tiếng” với những cuộc đảo chính quân sự.

Dường như, nền chính trị của quốc gia vũ trang hạt nhân với 180 triệu dân này luôn bị thống trị bởi quân đội hùng mạnh. Các tướng quân đội có xu hướng và lịch sử lâu dài làm gián đoạn và can thiệp vào quy luật dân sự.

Và người ta hy vọng vào cuộc bầu cử năm ngoái đánh dấu chiến thắng của Thủ tướng Nawaz Sharif – động thái đánh dấu lần đầu tiên trong gần 7 thập kỷ, Pakistan có thể thực hiện việc chuyển giao quyền lực hòa bình của chính phủ dân sự.

Nhưng nỗi ám ảnh về sức mạnh quân đội lại một lần nữa khuấy động chính trường nước này. Chỉ một ngọn lửa nhỏ đã thổi bùng thành những cuộc biểu tình chống chính phủ lan rộng trong nhiều tuần qua.

Cuộc biểu tình từ tối 30-8 kéo dài đến ngày 31-8 đã biến thành bạo lực khi cảnh sát bắn đạn hơi cay do hàng nghìn người biểu tình dọa tiến về Phủ Thủ tướng để buộc ông Sharif từ chức. Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình khiến ít nhất 8 người chết và hơn 300 người khác bị thương.

Tuy khẳng định sẽ không từ chức nhưng trước đó, Thủ tướng Sharif đồng ý đàm phán với phe đối lập thông qua quân đội. Chỉ huy quân đội, Raheel Sharif (người không liên quan đến Thủ tướng), mở các cuộc họp với hai nhà lãnh đạo cuộc biểu tình - chính trị gia Maverick Imran Khan và nhà giảng thuyết lửa Tahirul Qadri. Tuy nhiên, để “nhờ” được quân đội can thiệp, có vẻ như Thủ tướng Sharif đã phải trả cái giá khá đắt.

 Ông Sharif đồng ý nhượng lại quyền kiểm soát các vấn đề an ninh đất nước và chính sách đối ngoại cho quân đội. Đây là tình huống khó khăn đối với ông Sharif: năm 1999, trong nhiệm kỳ thủ tướng lần II, ông bị tướng Pervez Musharraf lật đổ. Bây giờ, quân đội, trong một nghĩa nào đó, một lần nữa cho thấy “ai mới thật sự là ông chủ”.

Kể từ khi lên nắm quyền lực vào năm ngoái, những nỗ lực của ông Sharif trong việc trừng phạt tướng Musharraf - cùng vấn đề cung cấp điện khiến các tướng quân đội tức giận. Thủ tướng Sharif càng tìm cách cải thiện quan hệ với Ấn Độ càng khiến quan hệ hai bên bế tắc.

Quân đội Pakistan, tổ chức mạnh mẽ với mối quan tâm kinh doanh riêng – không ưa thích Ấn Độ - quốc gia từng trải qua 4 cuộc chiến tranh với Pakistan kể từ năm 1947. Và bởi lẽ, nếu Pakistan và Ấn Độ trở thành hàng xóm bình thường, ảnh hưởng của quân đội sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Nhiều người cho rằng, nếu Thủ tướng Sharif sống sót sau “trận chiến” này, những năm còn lại của nhiệm kỳ, chiếc ghế thủ tướng chỉ như mang tính thủ tục chứ không có quyền lực gì nhiều. Nhiều người khác đã nói về “một cuộc đảo chính mềm” đã xảy ra ở Pakistan. Và câu hỏi đặt ra là liệu nó có biến thành đảo chính quân sự hay không?

Thanh Văn