Đảo chính ở Zimbabwe?

Thứ năm, 16/11/2017 10:23

Sự hỗn loạn về chính trị leo thang tại Zimbabwe đặt ra câu hỏi liệu Tổng thống 93 tuổi Robert Mugabe vẫn có thể kiểm soát được đất nước mà ông đã lãnh đạo gần 4 thập kỷ hay ông sẽ bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự.

Ông Robert Mugabe đã lãnh đạo Zimbabwe trong gần 4 thập kỷ qua.     Ảnh: CNN

Giam giữ tổng thống và kiểm soát thủ đô

Ngày 15-11, quân đội Zimbabwe cho biết giam giữ Tổng thống Robert Mugabe và phu nhân đồng thời bảo vệ các văn phòng chính phủ cũng như tuần tra đường phố ở thủ đô Harare.

Trong tuyên bố trước cả nước sau khi chiếm Tập đoàn truyền thông Zimbabwe, một phát ngôn viên quân đội cho biết lực lượng này nhằm vào "các phần tử tội phạm" xung quanh Tổng thống Mugabe và tìm cách trấn an người dân rằng trật tự sẽ được khôi phục. Hiện chưa rõ Tổng thống Mugabe cùng phu nhân ở đâu nhưng dường như họ đang bị quân đội giam giữ. Người phát ngôn quân đội khẳng định: "An toàn của tổng thống và phu nhân đã được đảm bảo".

Trong một tuyên bố sau khi chiếm quyền kiểm soát đài truyền hình nhà nước, quân đội Zimbabwe đã tìm cách trấn an người dân rằng "đây không phải là cuộc đảo chính". "Đối với cả nhân dân và thế giới, chúng tôi muốn nói rõ, đây không phải là một cuộc tiếp quản quân sự của quân đội", Thiếu tướng S.B. Moyo nói. "Những gì Lực lượng Quốc phòng Zimbabwe đang làm là giải quyết tình hình chính trị, kinh tế và xã hội thoái hóa của đất nước, mà nếu không được giải quyết có thể gây ra một cuộc xung đột bạo lực". Ông kêu gọi công chúng bình tĩnh nhưng "hạn chế các phong trào không cần thiết". Ông Moyo nói về mục tiêu "tội phạm" xung quanh tổng thống đang "gây ra những đau khổ về xã hội và kinh tế trong nước để đưa họ đến với công lý". Ông khẳng định: "ngay khi hoàn thành sứ mệnh, chúng tôi mong đợi tình hình sẽ trở lại bình thường".

Chris Mutsvanga, người đứng đầu Hiệp hội Cựu chiến binh Zimbabwe ca ngợi quân đội, gọi hành động này là "cuộc đảo chính không đổ máu". Các nhà quan sát cho rằng, dù quân đội tuyên bố đây là một cuộc đảo chính, nhưng dường như đó là những gì đang diễn ra. "Đây là một cuộc đảo chính bằng bất cứ cái tên nào khác. Họ có thể cố gắng giải thích rằng Tổng thống Mugabe vẫn là người lãnh đạo, nhưng trên thực tế rõ ràng là quân đội", Alex Magaisa, cựu trợ lý chính trị cho cựu Thủ tướng Zimbabwe Morgan Tsvangirai nhận định.

Trước khi đưa ra tuyên bố trên, sáng 15-11, các nhân chứng cho biết đã nhìn thấy khoảng 100 binh sĩ quân đội trên các đường phố ở trung tâm thủ đô Harare. Nhiều tiếng súng nổ đã xuất hiện gần tư dinh của Tổng thống Mugabe. Một nhân chứng sống gần tư dinh của Tổng thống Mugabe ở ngoại ô Borrowdale khẳng định: "Từ hướng nhà ông Mugabe, chúng tôi đã nghe thấy khoảng 30-40 phát súng nổ trong vòng 3-4 phút ngay sau 2 giờ".

Tranh giành quyền lực

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh lần đầu tiên Zimbabwe chứng kiến những mâu thuẫn công khai giữa quân đội và Tổng thống Mugabe. Hồi tuần trước, ông Mugabe cách chức Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, đồng thời cáo buộc ông này có âm mưu tiếm quyền tổng thống. Sau đó, ông Mugabe đã bổ nhiệm vợ, bà Grace Mugabe, vào vị trí này, gây bất mãn lan rộng. Bà Grace được mệnh danh là "Gucci Grace" vì những chuyến đi mua sắm đắt tiền ở nước ngoài, những chuyến đi trái ngược với cuộc sống của những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát và nợ nần của đất nước.

Trong khi đó, ông Mnangagwa được coi là người có khả năng đảm nhận vị trí Tổng thống nếu ông Mugabe  từ chức hoặc mất chức. Là một nhà chiến đấu vì tự do trong cuộc chiến tranh giải phóng của đất nước, cựu Phó Tổng thống Mnangagwa được lực lượng quân đội an ninh ủng hộ mạnh mẽ. Người đàn ông 75 tuổi này hiện đang lẩn trốn.

Các nước lo ngại

Mỹ, Hà Lan, Anh đã đưa ra khuyến cáo các công dân đang ở Zimbabwe. Phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ ở Zimbabwe cho hay, Đại sứ quán đóng cửa trong ngày 15-11. Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo các công dân nước này ở Zimbabwe phải "trú ẩn an toàn cho đến khi có thông báo mới", trong khi Văn phòng Ngoại giao Anh cho biết "theo dõi chặt chẽ tình hình" và khuyên người dân nên tránh xa các cuộc biểu tình và chạy đua. Đại sứ quán Hà Lan cũng khuyến cáo công dân Zimbabwe nên ở trong nhà.

AN BÌNH

Sinh ngày 21-2-1924, ông Mugabe được xem là nhà lãnh đạo đất nước cao tuổi nhất hiện còn tại vị. Ông Mugabe đã từng tuyên bố sẽ không từ bỏ vị trí của mình và cho rằng không ai có đủ tầm vóc chính trị để ngay lập tức thay ông tiếp nhận chiếc ghế quyền lực này.

Ông Mugabe, nhà lãnh đạo lâu đời nhất Châu Phi, lên nắm quyền vào những năm 1980 sau khi Zimbabwe giải phóng. Trước đây, ông được tôn kính như một người ủng hộ nền độc lập của Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Sau khi lên nắm quyền, ông Mugabe nhanh chóng củng cố quyền lực bằng mọi giá. Chiến thuật này đã có hiệu quả. Ông Mugabe đã nắm giữ chức vụ tổng thống trong hơn 2 thập kỷ.