Dạo chơi Túy Vân Sơn

Thứ sáu, 18/09/2020 20:21

Sau các trận lũ lịch sử những năm 1999- 2000, các địa danh như cửa biển Tư Hiền, Hòa Duân... ngày càng được nhắc đến nhiều hơn trên mặt báo với những nét đặc trưng về lịch sử và cảnh quan thiên nhiên ít nơi có được. Rồi người ta lại quên đi trong ngổn ngang dòng thời sự. Sau thời gian giãn cách đợt hai, do có việc riêng, tôi một mình lang thang theo Quốc lộ 49B đến Tư Hiền...

Chùa Thánh Duyên.

Viếng chùa Túy Vân 

Thật ra, cửa biển Tư Hiền hay Tư Dung, Ô Long cùng các thắng tích trong vùng đầm phá Cầu Hai như chùa Thánh Duyên (Túy Vân), núi Linh Thái… đã gắn liền với nhiều sự kiện trong lịch sử, đặc biệt với sự kiện công chúa Huyền Trân đời Trần làm vợ vua Chăm hay các tuyệt tác “Tư Dung hải môn lữ thứ” của vua Lê Thánh Tôn (Một cõi cơ đồ một cõi chung/ Về nam địa giới Hải Vân giăng. Ba canh trăng tĩnh Đồng Long rạng/ Năm tiếng trống lành Lộ Hạc rung…) và cả bài thơ khắc trên bia đá" Vân Sơn thắng tích” của vua Thiệu Trị, triều Nguyễn…

Tuy đã đi thuyền vài lần vượt hệ thống đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, nhưng đây mới là lần đầu tôi mới đến xã Vinh Hiền và có dịp lên Túy Vân Sơn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp đến bất ngờ ở đây. Quả là người xưa đã không nhầm khi gọi đây như một “quốc gia thắng cảnh”, hay là một trong “thần kinh nhị thập cảnh” của xứ Huế.

Từ Nam ra Bắc theo QL1A, vừa qua khỏi đèo Phước Tượng, chúng tôi rẽ theo QL49B về phía biển, theo những cung đường ven núi đẹp ngây ngất. Chiếc cầu qua cửa Tư Hiền xây dựng chừng hơn 10 năm nay giúp cho việc giao thông đến xã Vinh Hiền trở nên dễ dàng hơn. Ngược lại, chỉ hơn nửa giờ, người dân và các loại hải sản ở đây có thể đến QL1A để vào thị trường Đà Nẵng nhanh chóng. Chẳng vậy mà các loại tôm cua cá vùng này đã vào các chợ bên sông Hàn trước 5 giờ sáng mỗi ngày.

Khách du lịch từ Lăng Cô, Bạch Mã hoặc sau khi chơi Đà Nẵng, có thể đến viếng Túy Vân Sơn chỉ trong vòng chưa đầy một giờ chạy ô-tô vượt hầm Hải Vân, thay vì đi từ Huế ngược 40km theo đường ven biển…

Anh bạn cùng đi với tôi nói rằng con đường 10 km uốn lượn theo các sườn núi và bờ nam phá Cầu Hai rợp bóng những rừng keo lá tràm xanh thẫm đã rút ngắn thời gian đáng kể nếu so với tuyến đi đến Huế, và đi ngược về phía nam theo đường ven biển Hòa Duân trước đây…

Chùa Túy Vân hay Thánh Duyên xây dựng từ thời các chúa Nguyễn đàng Trong, sau đó được các vua Minh Mạng, Thiệu Trị trùng tu nhiều lần và nâng lên tầm quốc tự, gồm nhiều công trình, tọa lạc trên núi Túy Vân ở độ cao khoảng 60 mét với các công trình xây dựng cổ và các bia đá chứa nhiều thông tin lịch sử, văn học có giá trị. Một giáo viên ở Vinh Hiền đưa tôi viếng cảnh chùa. Từ chùa Chính, đến chùa Trung và lên đến tầng 3 tháp vọng cảnh, gọi là Điếu Tháp Ngư. Gần tháp, là lầu Vọng hải xây dựng từ thời Minh Mạng. Từ đây có thể phóng tầm mắt bao quát cả vùng Tam Giang, Cầu Hai, lên đến Bạch Mã và ra phía núi Linh Thái ở phía biển ẩn hiện trong sương mù tuyệt đẹp. Đặc biệt là vùng phá Cầu Hai, một khu đầm phá rộng đến trên hàng chục ngàn héc-ta, được coi là vùng sinh thái nước lợ rộng nhất Đông Nam Á và nhiều nguồn thủy hải sản đặc thù, trong đó nổi tiếng nhất là hai loại cá mú và cá vẩu vàng rất được khách du lịch ưa thích.

Việc xây dựng các khu dân cư, thương mại quanh Túy Vân Sơn tuy vẫn còn bộn bề, có làm giảm đi giá trị của một khu di tích tín ngưỡng và danh thắng tầm quốc gia. Theo các công ty du lịch và đơn vị lữ hành lớn trên địa bàn TT- Huế và Đà Nẵng, nếu được quy hoạch và quản lý tốt, các chợ hải sản đêm và nhiều dịch vụ khác ở đây sẽ góp phần tạo cho Túy Vân Sơn và cả vùng cửa biển Tư Hiền trở thành một điểm đến lý tưởng, gắn kết liên hoàn với các điểm du lịch phía Bắc đèo Hải Vân, Bạch Mã hiện nay, tạo ra một chuỗi điểm dừng có sắc thái đa dạng, bổ sung cho nhau và hấp dẫn các luồng du khách đến từ Huế, Đà Nẵng và cả Hành lang Kinh tế Đông Tây.

Đầm Cầu Hai.

Ăn cá vẩu phá Cầu Hai

Tam Giang- Cầu Hai là hệ thống đầm phá giàu có các nguồn tài nguyên thủy hải sản và rộng nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là nơi gặp nhau của 3 con sông lớn là sông Hương, sông Bồ và Ô Lâu trước khi chảy ra cửa biển và Tư Hiền thuộc tỉnh Thừa Thiên- Huế. Khu vực gần cửa Tư Hiền gọi là phá Cầu Hai.

Gần Túy Vân Sơn là một chợ hải sản sầm uất và đông kẻ mua người bán từ mỗi đêm khuya, có khi trước 3 giờ sáng. Sau đó các xe tải chở hải sản tủa ra mọi nơi, ra Huế, vào Đà Nẵng…

Ngoài chợ cá, khu vực bờ phá ở Vinh Hiền còn có hàng chục tiệm ăn hải sản với các loại tôm cá nổi tiếng vùng nước lợ này như cá mú, cá vẩu vàng, vẩu bạc. Riêng loài cá vẩu có thịt thơm như thịt gà chỉ có ở phá Cầu Hai. Các ngư dân tại đây cho biết, họ phải đi đánh bắt cá vẩu con khi chúng chỉ lớn bằng ngón tay ở cửa Tư Hiền đem về nuôi lồng. Cá vẩu bạc tuy chóng lớn nhưng thịt không ngon. Vẩu vàng nuôi đến một năm chỉ cân nặng khoảng 6-700 gr nhưng được bán với giá cao như cá mú vì thịt có vị thơm ngon riêng biệt như thịt gà. Cá vẩu thường ăn bằng cách nấu cháo hoặc nướng mọi chấm muối tiêu, ớt. Nhưng cái thú nữa là khách có thể theo chủ quán ra tận các lồng nuôi để vớt cá lên và chọn con vừa ý…

Tôi từng ăn cá hố Cù lao Chàm ở Hội An, cá chim ở Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, cá chuồn nướng ở bãi Rạn, Chu Lai, cá mú nuôi lồng ở bãi Nam Sơn Trà... Giờ thưởng thức thêm món các vẩu của vùng nước lợ phá Tam Giang thơm ngon, càng thấy mỗi vùng biển đều có những sản vật để ta luôn nhớ, dù chỉ đến một lần.

Thăm thú một nơi có cả cảnh đẹp, di tích tín ngưỡng và lịch sử như Túy Vân Sơn là một chuyến đi lý thú. Nhưng lại trãi nghiệm những hương vị ẩm thực đặc trưng như vừa kể lại chàng cho ta một kỷ niệm khó quên.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG