Đào tạo nghề phải có địa chỉ, không nên dàn trải

Thứ năm, 19/12/2013 11:13

(Cadn.com.vn) - Ngày 18-12, tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền- Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ Trung ương về thực hiện Đề án 1959 chủ trì hội nghị giao ban "Dạy nghề cho lao động nông thôn khu vực Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung-Tây Nguyên". Một số vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai đề án đã được các đại biểu phản ánh dưới nhiều góc nhìn khác nhau...

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền chủ trì hội nghị. Ảnh: P.T

Có sự chuyển dịch đáng kể

Đánh giá chung của Thường trực BCĐ Trung ương thực hiện QĐ số 1956, việc triển khai thực hiện Đề án 1956 trong 3 năm qua đã đi đúng hướng, cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đặt ra, tạo tiền đề, cơ sở  để phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn trong những năm tiếp theo...

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huy-Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, Đề án 1956 ra đời đã có tác động tích cực và hiệu quả trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của địa phương; nâng cao năng suất, tạo ra nghề phụ tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho lao động nông thôn, góp phần đảm bảo tình hình ANTT nông thôn, làm giảm tệ nạn xã hội...

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện đề án, vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Một số địa phương đã để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ dạy nghề và mua thiết bị dạy nghề. Một số địa phương xác định nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của người lao động và nhu cầu của DN cũng như xã hội, dẫn đến việc người học nghề xong không có việc làm...

Theo báo cáo, sau 3 năm triển khai đề án, đã có 63/63 tỉnh thành phố đã thành lập BCĐ cấp tỉnh, tổ chức hội nghị quán triệt đề án tới cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện và tập huấn đối với cán bộ xã; phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Tính đến tháng 6-2013, cả nước đã đào tạo nghề cho 1.357.404 lao động nông thôn...

Theo đó, có 1.198.207 người đã học xong, 950.040 người đã có việc làm (đạt 79,3%), trong đó có 219.691 người sau học nghề được các DN, đơn vị tuyển dụng (đạt 23%), 101.882 người (đạt 10,7%) được các DN, đơn vị bao tiêu sản phẩm, 585.114 người tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn (chiếm 61,5%) và 29.769 người sau học nghề đã thành lập tổ hợp tác, HTX, DN (chiếm 3,1%).

Trong đó, khu vực Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, tính đến hết tháng 6-2013, đã hỗ trợ dạy nghề cho 235.361 lao động nông thôn. 225.095 người đã học xong nghề, trong đó có 181.779 người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn...

* Hai thôn Tà Lang và Giàn Bí (Hòa Bắc - Hòa Vang) từ lâu đã được biết đến là làng nghèo nhất ở Đà Nẵng. Bởi nơi đây người dân sống chủ yếu dựa vào rừng, không có nghề phụ gì vì thế tỷ lệ hộ nghèo cao. Năm 2012 sau khi khảo sát, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức đào tạo nghề nấm cho một số hộ dân tại hai thôn Tà Lang, Giàn Bí và từ đó thu nhập của người dân đã dần thay đổi.

"Ngoài trồng nấm, người dân còn học nghề đan lát, những nghề này phù hợp với đa số gia đình người dân vì vậy thu nhập  bình quân của các hộ tham gia tăng lên 1 triệu đồng/tháng. Đó là mức thu nhập đáng kể so với trước đây" - chị Lê Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch xã Hòa Bắc cho biết.

L.H.Anh

Các bạn trẻ tìm kiếm cơ hội việc làm trong phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm dạy nghề
khu vực miền Trung.

Đào tạo phải có địa chỉ, không dàn trải, tràn lan 

Là địa phương được đánh giá là có cách làm hay trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bà Nguyễn Thị Thanh Hưng-Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPĐN - cho rằng, công tác tư vấn trong đào tạo nghề vô cùng quan trọng.

Đặc biệt, trong quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần hết sức linh hoạt, nếu chạy theo chương trình, giáo trình... thì rất khó triển khai thực hiện. Trong quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các DN. Theo đó, đào tạo phải có địa chỉ, tránh trường hợp học xong không có việc làm, hoặc không nâng cao thu nhập thì rất lãng phí...

Ông Nguyễn Quang Huy (Thanh Hóa) phát biểu, trong quá trình triển khai đề án cũng đã bộc lộ một số nhược điểm cần rút kinh nghiệm. Cụ thể, vấn đề đầu tư có sự dàn trải trong ngành nghề đào tạo, dẫn đến chất lượng không thực chất. Vì vậy, ông Huy kiến nghị, nên nghiên cứu, tùy theo nhu cầu của từng địa phương, mỗi tỉnh thành chỉ cần đầu tư từ 1 đến 2 nghề chiến lược, trọng điểm để có sự đầu tư dạy nghề trọng tâm, chất lượng...

Bà Lê Thị Mai Hoa- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh- kiến nghị, Trung ương cần tăng kinh phí nâng cao năng lực quản lý, truyền thông, kiểm tra, giám sát, đánh giá. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh một số nội dung của đề án như: tăng độ tuổi tối đa cho người lao động tham gia học nghề được hưởng chính sách đề án...

Ông Võ Duy Thông- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam- cho rằng, cần sớm trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh một số nội dung không còn phù hợp với tình hình hiện nay như mức hỗ trợ chi phí đào tạo cho lao động nông thôn, nhất là đối với đối tượng học nghề là người khuyết tật. Cũng theo ông Thông, "công tác tuyên truyền nội dung đề án ở một số địa phương chưa triển khai mạnh mẽ và đồng bộ, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Do vậy, sự nắm bắt hiểu biết của người dân tại các địa bàn này về học nghề, lập nghiệp... chưa đúng nên chưa thiết tha với việc học nghề dù bản thân chưa có nghề và chưa có việc làm...".

Cũng theo ông Thông, một số DN chưa có sự phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong việc cung cấp các thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị. Các địa phương chưa định hướng được nghề đào tạo cho lao động nông thôn phù hợp với quy hoạch, phát triển KT-XH của địa phương, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của các DN trên địa bàn...

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, qua 3 năm triển khai, chủ trương về dạy nghề cho lao động nông thôn đã có những hiệu quả bước đầu. Cần hiểu rằng, mục tiêu dạy nghề cho lao động nông thôn không chỉ tạo việc làm mới mà để tạo điều kiện người lao động nâng cao năng suất, chất lượng nghề đã có để có thu nhập cao hơn.

Bên cạnh đó tạo điều kiện cho lao động nông thôn ngoài lao động sản xuất chính thì có thể tiếp tục làm nghề phụ để có thêm thu nhập ngoài sản phẩm nông nghiệp. Những lao động trẻ của nông thôn gần các KCN thì đào tạo ngắn ngày để có thể vào làm việc ngay.

Theo đó, trong thời gian tới sẽ xem xét phân bổ lại chương trình đào tạo theo độ tuổi, thời gian hợp lý hơn... Cách thức đào tạo cũng cần được nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp với đối tượng, vùng miền... Trong năm 2014, phải tiếp tục triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, nhưng rút kinh nghiệm từ các đơn vị để có hướng chỉ đạo cụ thể hơn, yêu cầu các đơn vị phải căn cứ trên nhu cầu thực tế của địa phương, nhu cầu của người học.

Theo đó, đào tạo phải có địa chỉ, không dàn trải, tràn lan. Thực hiện phân cấp triệt để hơn từ cấp tỉnh, thành đến cấp huyện, xã; phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành LĐ-TB&XH với ngành Nông nghiệp...

P.Thủy (ghi)