Đạp xe qua cầu Rồng và nhớ

Thứ sáu, 26/01/2024 20:58
Tôi thường đạp xe vượt cầu Rồng để ra biển những buổi sáng khi đèn đường chưa tắt. Thành phố đã nhộn nhịp. Người xe hối hả qua lại trên chiếc cầu đẹp và hiện đại này. Dừng xe trên đỉnh dốc cầu, có lúc tôi đã nhớ...
Nốt nhạc ở cửa Hàn.
Nốt nhạc ở cửa Hàn.

1. Ngày 19-7-2009 ở Đà Nẵng có hai sự kiện nổi bật: Khánh thành cây cầu bắc qua vịnh Cửa Hàn và khởi công một cầu khác nối giữa hai làng Nại Hiên và Hà Thân mang tên cầu Rồng với số vốn đầu tư lên đến 1.500 tỷ đồng. Hai sự kiện ngày ấy đã báo hiệu một sự tăng tốc của thành phố hơn 1 triệu dân này cho giai đoạn phát triển mới...

Đứng bên ni Hàn ngó bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lá/

Đứng bên tê Hà Thân ngó bên ni Hàn phố xá nghênh ngang...

Rồi đây những thế hệ công dân Đà Nẵng sẽ chỉ còn nhớ những câu ca dao trên như một chuyện cổ tích khi đã có 9 cây cầu bắc qua dòng sông chảy giữa lòng thành phố, tạo ra một sự phát triển đồng đều cho các khu vực dân cư khác nhau. Chỉ nói trong mười năm đầu thế kỷ XXI thôi, đã có những cây cầu hiện đại mang tên Sông Hàn, Cẩm Lệ, Tiên Sơn, Thuận Phước, rồi cầu Rồng được xây dựng và đưa vào sử dụng từ 29-3-2015.

Nhiều hôm, tôi đã giật mình khi nhớ lại hình ảnh một người hát dạo trên chiếc phà ngang ken đầy người và xe máy qua sông ngày xưa, như thể nhớ một chuyện mới hôm qua. Vậy mà...

Ngày ấy, 19-7-2009, người dân Đà Nẵng và khách du lịch khắp nơi đến đây đã chứng kiến lễ khánh thành chiếc cầu Thuận Phước khá đẹp bắc ngay qua Cửa Hàn. Buổi sáng ấy cách nay tròn 15 năm, cả thành phố lại rạo rực chứng kiến lễ khởi công cầu Rồng nối từ bên ni qua bên tê sông, nối liền cửa khẩu sân bay quốc tế qua đến biển rồi chạy tiếp về Hội An. “Người đi lâu thành đường”, nhưng không có chuyện đi lâu mà nên cầu nếu không có quyết tâm, nếu thiếu đi sự đồng lòng lo lắng cho tiền đồ của một vùng đất.Những chiếc cầu nối hai bờ sông Hàn, trong ý nghĩa đó đãlà một động lực của phát triển, được đầu tư không chỉ bằngtiền mà bằng cả ý chí và sự đồng thuận của cộng đồng.

2. Chiều chiều mây phủ Sơn Chà/Lòng ta thương nhớ bạn nước mắt và trộn cơm

Lại là hai câu ca dao khác đầy bi kịch và gắn liền với số phận người Đà Nẵng từ xa xưa, từ trước khi có danh xưng Đà Nẵng cách đây đúng 135 năm (24-5-1889, ngày Toàn quyền Đông Dương thực dân Pháp ra Nghị định thành lập thành phố Đà Nẵng theo biên chế thành phố cấp II). Nếu tính từ những năm đầu thế kỷ trước, dân số của nhượng địa Đà Nẵng chỉ có khoảng 10.000 người (năm 1921 tăng lên 16.355, năm 1936: 25.000 và đến năm 1943: 50.900 người). Bây giờ, sau chừng ấy năm dân số Đà Nẵng đã lên đến hơn 1 triệu, và không gian mở rộng ước chừng đến 5 lần, trong đó có hai quận bên kia sông (bonkiasen theo cách nói lái vui dân gian) là Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn gắn liền với các khu du lịch cao cấp, cảng biển, các khu công nghiệp, khu hậu cần nghề cá,... Chỉ riêng hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, với diện tích rộng đến 10 cây số vuông và số dân hơn 200 ngàn người, mang những tiềm năng to lớn về phát triển và hội nhập của một đô thị sinh thái, du lịch và hiện đại trong tương lai gần.

Ở hai quận này còn có một bãi biển dài hàng chục cây số từ ven núi Sơn Trà đến Điện Ngọc (Quảng Nam), được ví như một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh. Sau gần hai thập niên mở ra những chiếc cầu kết nối, đã có hàng trăm khách sạn và khu du lịch cao cấp thu hút du khách khắp năm châu và các hội nghị quốc tế quan trọng trong thời gian qua...

Cầu Thuận Phước là một phần của tổng dự án giao thông nối qua cửa sông Hàn có tổng chiều dài 1.856 mét, rộng 18 mét, hai trụ tháp chính cao 92 mét, cách nhau 405 mét, tĩnh không thông thuyền 27 mét với 4 làn xe, tải trọng 13 tấn (H 10) được khởi công xây dựng cách nay tròn 20 năm và khánh thành vào ngày 19-7-2009 ngay trên cửa sông Hàn ra biển. Cây cầu này hoàn tất đã nối con đường du lịch ven biển từ hầm đèo Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà và cầu Mân Quang thuộc quận Sơn Trà rồi nối tiếp với tuyến du lịch Sơn Trà - Hội An, tạo ra một hệ thống hạ tầng du lịch ven biển hoàn chỉnh. Ở hai đầu cầu, hai dự án đô thị - du lịch và các khu đô thị mới Thọ Quang, Sơn Trà cũng đang mọc lên, báo hiệu một diện mạo mới của Đà Nẵng.

Trong khi đó, cầu Rồng với chiều rộng cho 4 làn xe, chiều dài hơn 600 mét và một thiết kế đầy tham vọng về mỹ thuật do công ty nổi tiếng Louis Berger - Mỹ thiết kế, được xem như một biểu tượng mới cho tương lai Đà Nẵng, nối từ sân bay quốc tế ra biển theo con đường 4 làn xe xẻ ngang thành phố. Đây là một dự án táo bạo và được bàn cãi lâu dài để đi đến một chọn lựa thống nhất vì phải giải tỏa đến trên 1.400 căn nhà xây dựng kiên cố thuộc trung tâm thành phố với số tiền đền bù không nhỏ và đi qua nhiều vị trí văn hóa, lịch sử khá nhạy cảm. Với vốn đầu tư hơn 35 triệu USD (1.500 tỷ đồng), cầu Rồng như một công trình thể hiện quyết tâm tạo ra điều kiện kết nối nhanh từ cửa khẩu hàng không đến các địa điểm du lịch và dịch vụ ven biển thuộc hai quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và cả di sản văn hóa thế giới Hội An. Và, đặc điểm kiến trúc hình tượng con rồng uốn lượn mềm mại giữa cầu, chính là một biểu tượng “hóa Rồng” của một Đà Nẵng mới như ước vọng của các giới chức và người dân của một đô thị lớn nhất miền Trung ở điểmcuối của hành lang EWEC hướng ra biển Đông.

3. Mở hướng mới ra biển để tạo cơ hội “hóa Rồng”,tôi từng nghe đã có ai đó từng nói như vậy. Nếucầu Thuận Phước là sự kết nối của đường Liên Á ra đến các khu nghỉ dưỡng ở độ cao dưới 100 mét quanh Sơn Trà thì cầu Rồng mở một vệt cắt ngang đô thị từ cửa khẩu sân bay quốc tế đến một vùng bờ biển đẹp và di sản văn hóa thế giới Hội An. Những tuyến giao thông ấy đánh thức một vùng đất đầy tiềm năng là cách mà hơn một triệu người dân Đà Nẵng đang đặt ra không chỉ cho chính mình.

Tôi đứng ở đỉnh cầu Rồng vào một buổi sáng, khi đèn đường chưa tắt và nghĩ ngợi về ý nghĩa của giao thông đối với phát triển. Lại nhớ đến hình ảnh những nông dân, ngư dân từ Hội An, vùng cát Duy Xuyên, Thăng Bình (Quảng Nam) mà tôi đã gặp. Từ 5 giờ sáng họ đã chạy ra từ quê, vượt qua những chiếc cầu này, mang theo các loại nông sản, những giỏ cá còn tươi xanh ra chợ Hàn, chợ Cồn, ra các nhà bếp khách sạn. Những chiếc cầu bắc qua sông Hàn, vì vậy, đâu chỉ để mở rộng không gian đô thị để phát triển thành phố! Những người nghèo như vừa kể cũng hưởng phần trong đó!

Tôi có đứa cháu ở chung cư Vũng Thùng làm việc ở một bệnh viện trên Hòa Khánh và cô em nhà ở quận Liên Chiểu mỗi ngày vẫn đi xe máy qua những cây cầu vừa kể. “Cũng nhanh và tiện lợi lắm chú”! Các cô trả lời như vậy khi tôi hỏi đường đi có xa không?

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG