Đất anh hùng “nở hoa”

Thứ hai, 29/07/2019 13:42

Đứng lên từ “chảo lửa” của chiến tranh với biết bao đau thương, mất mát trong hai cuộc kháng chiến, không nơi đâu có những nấm mồ vô danh, những bà Mẹ Việt Nam anh hùng nhiều như vùng đất Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). Mỗi nấm mồ là một minh chứng cho sự hy sinh, sức chịu đựng của người dân Điện Ngọc. Chiến tranh đã lùi xa, những vết thương đang dần được chữa lành bởi sự phát triển, thay da đổi thịt từng ngày của mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này.

Sự phát triển của Điện Ngọc đã thu hút nhiều nhà đầu tư tìm đến khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc. 

* Trong 5 năm qua (2014-2018), Điện Ngọc đạt tốc độ phát triển kinh tế tương đối ổn định và có sự bứt phá rõ rệt. Tổng giá trị toàn nền kinh tế đạt 2.561 tỷ đồng vào năm 2018 (tăng gấp đôi so với năm 2014). Năm 2018, Đảng bộ P. Điện Ngọc được công nhận là Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2014-2018).

Đau thương nhưng rất đỗi tự hào

Nằm ở phía Đông Bắc của thị xã Điện Bàn, P. Điện Ngọc là nơi lưu giữ những dấu tích của một thời bom đạn và cũng đầy tự hào với truyền thống yêu nước. Di tích Giếng cạn Nhà Nhì (khối phố Ngân Giang), là Di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi ghi dấu cuộc chiến huyền thoại không cân sức giữa ta và địch. Năm 1962, 7 dũng sĩ Điện Ngọc và 3 cán bộ địa phương đã chiến đấu quật cường với quân đội Mỹ. Cuộc chiến đấu không cân sức bên giếng cạn đã diễn ra suốt 4 tiếng đồng hồ, giữa 2.000 tên địch với những loại vũ khí tân tiến nhất và 7 chiến sĩ Điện Ngọc. Trước lực lượng địch quá đông đảo, toàn đội chỉ với súng tuyn, tôm-xông và khoảng 40kg thuốc nổ TNT, đã cầm cự đánh lui 6 đợt tiến công của địch bao vây từ các phía. Trong chiến tranh, tình đồng chí càng thêm ngời sáng, dẫu thân mình nhiều vết đạn, nhưng đội phó Võ Như Hưng (Anh hùng LLVTND) vẫn lấy hết sức lực dìu đồng đội Nguyễn Rìu thoát khỏi vòng vây của địch. Trận đánh đã gây được tiếng vang lớn, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh ở Quảng Nam và Đà Nẵng lúc bấy giờ.

Từ những ngày còn chìm trong bom rơi, bão đạn cho đến tận thời bình, Điện Ngọc vẫn được người dân gọi là “đất anh hùng” với những con số đau thương nhưng rất đỗi tự hào: 320 Mẹ Việt Nam anh hùng; 1.246 liệt sĩ; 440 người bị địch bắt tra tấn, tù đày; 350 thương, bệnh binh; 220 người có công cách mạng. Những con số không thể nói lên hết được nỗi mất mát và những cống hiến, hy sinh của những người con Điện Ngọc năm ấy. Ngày 30-8-1995, Điện Ngọc vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Bà Nguyễn Thị Sáu, Phó Chủ tịch UBND P. Điện Ngọc, cho biết: Nếu tính về cấp xã, phường, thị trấn thì Điện Ngọc là địa phương có số liệt sĩ, thương binh, Mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất nước.

Di tích Giếng cạn Nhà Nhì, nơi diễn ra trận đánh của bảy dũng sĩ Điện Ngọc ngày 26-4-1962.

Bứt phá đi lên

Dẫn chúng tôi đi dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo, ông Đặng Công Thành (65 tuổi, khối phố Ngọc Vinh) và những người dân nơi đây phấn khởi kể về sự đổi thay của quê hương mình. Nhớ lại những ngày vừa sau giải phóng, ông Thành cho biết: Ngày đó Điện Ngọc phủ một màu cát trắng, khắp nơi không có lấy một gốc cây, một bóng chim đậu. “Bây giờ Điện Ngọc gần như thay đổi hoàn toàn, đời sống của người dân chúng tôi được nâng cao, các em học sinh đều được đến trường trên đường nhựa, không phải đi chân không lội cát như ngày xưa nữa”, ông Thành tự hào nói.

Trải qua mấy mươi năm xây dựng và phát triển, năm 2019, phường Điện Ngọc là điểm sáng của thị xã Điện Bàn, với sự phát triển đồng đều trên tất cả các lĩnh vực. Ngày nay, nhắc đến Điện Ngọc, người dân vẫn nói về những con số. Nhưng đó là những con số của sự phát triển, thay da đổi thịt, chứ không còn là những con số đau thương, mất mát. Nắm giữ vị trí chiến lược là cầu nối giữa thành phố Đà Nẵng và Hội An, Điện Ngọc được đầu tư phát triển mạnh ở tất cả các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại... Đây cũng là nơi thu hút nhiều nhất các nhà đầu tư trong và ngoài nước của tỉnh Quảng Nam.

Bước chuyển mình trong xây dựng cơ cấu kinh tế của địa phương là tập trung phát triển ngành thương mại – dịch vụ (TM-DV) và công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN). Với lợi thế nằm trên trục đường Đà Nẵng – Hội An, phường hình thành các khu dân cư đông đúc, sầm uất, thuận tiện cho phát triển. Khu công nghiệp Điện Nam- Điện Ngọc đã có 420 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, với tổng số vốn hàng ngàn tỷ đồng. Đến nay đã có 30 doanh nghiệp đi vào sản xuất, giải quyết việc làm cho cho khoảng 23.000 lao động.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Điện Ngọc luôn lấy người dân làm gốc. Những người đứng đầu luôn trăn trở phải làm thế nào để nâng cao đời sống, văn hóa, dân trí,... cho người dân. Việc thực hiện xóa đói giảm nghèo luôn được chú trọng. Năm 2014 toàn phường có 138 hộ nghèo thì đến nay đã giảm xuống còn 7 hộ. Bên cạnh đó, vận động xây dựng 18 nhà Đại đoàn kết và 18 nhà tình nghĩa. Mảnh đất Điện Ngọc hôm nay đã khoác lên cho mình bộ mặt hoàn toàn mới với nhiều trường học, công trình y tế, nhiều con đường được phủ nhựa phẳng lì, thuận lợi cho việc đi lại và lưu thông hàng hóa. Từng ngày, những ngôi nhà khang trang đua nhau mọc lên, đời sống người dân đang ngày được nâng cao.

Bí thư phường Điện Ngọc Trần Duy Nghĩa cho hay, quan điểm lãnh đạo của phường là hướng đến lợi ích người dân, phát triển hài hòa giữa kinh tế và an sinh xã hội. Vì vậy, khi có những dự án, chủ trương xây dựng các khu đô thị hay dịch vụ du lịch đều chú trọng đến những công trình phúc lợi cho người dân. Điện Ngọc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa để xứng danh là vùng đất anh hùng.

HẢI ĐƯỜNG – NGUYÊN THẢO