Đặt quyền lợi người tiêu dùng lên hàng đầu
(Cadn.com.vn) - Trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Quản lý cạnh tranh-Bộ Công Thương và Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng (NTD) Hàn Quốc (KCA), ngày 3-2, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo “Tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ TND: Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm của Hàn Quốc”.
Tập huấn về đăng ký hợp đồng theo mẫu ĐÀ NẴNG - Chiều 3-2, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) và Cơ quan bảo vệ NTD Hàn Quốc (KCA) phối hợp với Sở Công Thương Đà Nẵng tổ chức “tập huấn về đăng ký hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung” cho các doanh nghiệp. Đến nay, Sở Công Thương đã tiếp nhận 23 lượt hồ sơ đăng ký/đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung của 10 doanh nghiệp trên địa bàn. Đây là thủ tục hành chính tương đối mới, việc kiểm soát hợp đồng mẫu thuộc đối tượng là các đơn vị kinh doanh các lĩnh vực khác nhau nên công tác kiểm tra việc thực hiện bước đầu gặp nhiều khó khăn. Đức Tú |
ĐỘNG LỰC CỦA PHÁT TRIỂN
Phát biểu tại hội thảo, ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) - khẳng định “NTD là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế, chính vì vậy, bảo vệ quyền lợi của NTD cũng là bảo vệ sự phát triển chung của toàn xã hội, trong đó có trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa quan tâm đến quyền lợi của NTD và không nắm bắt đầy đủ các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD”.
Ông Mừng nhấn mạnh, trong thời gian đến, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ tiếp tục phát huy các thế mạnh hiện có và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động để có thể hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng như NTD nhằm đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong bối cảnh kinh tế mới hiện nay.
Trong khi đó, ông Dae-Pyo Jung - Chủ tịch Cơ quan Bảo vệ NTD Hàn Quốc - có cái nhìn khá lạc quan khi cho rằng, trong bối cảnh suy thoái của kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng đáng kể. Hàn Quốc cũng đã lựa chọn Việt Nam để đầu tư, chỉ trong năm 2014, tổng mức đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 30 tỷ USD và sẽ còn tăng lên gấp đôi trong vài năm tới. Theo ông Dae-Pyo Jung, điều đó cũng đồng nghĩa với việc góp phần hoàn thiện dần quan hệ kinh tế giữa 2 nước, gắn với các chính sách bảo vệ NTD với bước đi lâu dài, bền vững và hiệu quả.
Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Thường trực Sở Công Thương (TP Đà Nẵng), nhìn nhận, kể từ khi có hiệu lực thi hành, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể có liên quan, trong đó trọng tâm là quyền và lợi ích hợp pháp của NTD. Cộng đồng DN phần lớn đã nhận thức ngày càng rõ hơn và chủ động tham gia tích cực vào công tác này. Bản thân NTD cũng bắt đầu có những nhận thức đúng đắn, đầy đủ và chủ động hơn trong việc lựa chọn sản phẩm, tự trang bị kiến thức để bảo vệ bản thân tránh khỏi các hành vi lừa đảo, gian lận hoặc thiếu trách nhiệm trong trao đổi, mua bán...
Vẫn còn nhiều trường hợp NTD bị vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp (ảnh minh họa). |
KHIẾU NẠI Ở KHÁ NHIỀU LĨNH VỰC
Đó là khẳng định của ông Phan Thế Thắng, Phó Trưởng phòng, Phòng Bảo vệ quyền lợi NTD - Cục QLCT. Theo ông Thắng, trong năm 2014, khiếu nại của NTD liên quan đến ngành hàng điện thoại, viễn thông, truyền hình chiếm tỷ lệ áp đảo 50,2%, tiếp đến là bất động sản, nhà ở (8,13%), máy tính, mạng Internet (7,42%), hàng hóa tiêu dùng thường ngày (7,36%)... 90% các vụ việc đã được Cục QLCT giải quyết, còn lại đã được chuyển cho các cơ quan, tổ chức khác theo quy định. Trong đó, có nhiều vụ việc phức tạp, liên quan đến giá trị tranh chấp lớn hoặc số đông NTD. Ông Thắng khẳng định, các vụ việc thu hồi sản phẩm tuy không nhiều nhưng đã có sức ảnh hưởng và tác động rộng lớn đến NTD.
Riêng tại Đà Nẵng, theo Sở Công Thương, vẫn còn nhiều trường hợp NTD bị vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhưng không phản ảnh đến các cơ quan chức năng hay Hội Bảo vệ quyền lợi NTD nên chưa thể đánh giá được một cách đầy đủ thực trạng vi phạm quyền lợi NTD của các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đơn cử, trong năm 2014, Chi cục QLTT đã tiến hành kiểm tra 6.237 vụ việc, trong đó xử lý 4.990 vụ, tăng 646 vụ so với năm 2013. Điều này cho thấy, ý thức tuân thủ pháp luật bảo vệ NTD vẫn chưa cao và gần như mang tính đối phó.
Trao đổi kinh nghiệm, bà Choi Yoo Seon - Trưởng nhóm Hỗ trợ DN, Cơ quan Bảo vệ NTD Hàn Quốc - đã giới thiệu kinh nghiệm qua chương trình “Doanh nghiệp lấy NTD làm trung tâm” (CCM) với các nội dung liên quan như: Tại sao cần có CCM, tổng quan về chứng nhận CCM, quy trình vận hành Chương trình CCM, Cty được cấp chứng nhận CCM, quốc tế hóa Chương trình CCM. Các đại diện khác của Hàn Quốc như ông Lee Jung Sung (Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Deasang), bà Kim Min Kyu (Giám đốc kinh doanh Tập đoàn CJ Cheiljedang Việt Nam) đã đề cập khá nhiều những kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc tăng cường trách nhiệm của DN đối với công tác bảo vệ người tiêu dùng liên quan đến Chương trình CCM để minh chứng và khẳng định thêm tính hiệu quả của CCM...
Phương Kiếm-Thảo Vy