Đầu năm xem... “xem bói”

Thứ ba, 11/02/2014 10:01

(Cadn.com.vn) - Với một số người, việc xem bói đầu năm được cho là một phần quan trọng và cần phải làm trong dịp đầu năm mới. Vì thế, những ngày qua các “thầy bà” cũng bắt đầu “vào mùa” với muôn hình vạn trạng.

Bói dạo

Những ngày sau Tết, Công viên 29-3 Đà Nẵng có rất đông người dân đến vui chơi, giải trí và địa điểm này trở thành “thị trường” tiềm năng cho những người hành nghề bói dạo. Thấy chúng tôi ngồi chơi trên ghế đá, một “thầy” tiến lại mời: “Xem quẻ đầu năm đi con. Để còn biết kiếp nạn mà tránh”. Phong thái của “thầy” chẳng khác người thường dạo chơi công viên là mấy, chỉ có điều thấy ăn nói bí hiểm hơn và trong tay luôn cầm theo cuốn sách tử vi vốn được bán nhan nhản ngoài thị trường. Sau khi xem chỉ tay của tôi và nhẩm tính, thầy liền phán: “Năm nay con có quý nhân phù trợ, có chồng giàu sang.  Tuổi con là hợp với những người sinh năm 88, 90, 92; năm ni chú ý tháng 7 bởi đó là tháng tuổi của con. Song năm Ngọ phải cẩn thận chứ xấu lắm nghe con”. Tôi hỏi tiếp “Vậy khi nào con lấy chồng được?”. Sau khi dò đọc cuốn sách tử vi. “thầy” phán: “Tuổi Thân tụi bây thì chắc chắn 25 sẽ có chồng. Nếu đến lúc đó chưa có chồng thì cứ đến đây gặp thầy”. Sau khi nhận từ tôi 20 nghìn đồng, “thầy” liền tìm mối khác. Chẳng biết đến năm 25 tuổi, thầy có còn ở đây để xem bói?

Quan sát kỹ, Công viên 29-3 những ngày sau Tết có rất nhiều “ông thầy, bà cô” hoạt động như vậy, đa số trạc tuổi trung niên. Nếu như ngày thường chỉ thấy lác đác vài người bói toán dạo nhưng hôm nay số lượng các thầy bà lại tăng đột biến, tất bật hoạt động hết công suất.

“Cô Phụng” (áo đen) đang xem bói...
...và “Khách hàng” đang đợi để chờ đến lượt “cô Phụng” xem bói.

Bói ở quê

Nghe đồn rằng ở thôn 1, xã Duy Sơn (H. Duy Xuyên, Quảng Nam) có “cô Phụng” chơi ngải nổi tiếng, vài năm trước, tôi đến rất sớm nhưng trong nhà “cô” đã rất đông người nên không có dịp diện kiến. Rút kinh nghiệm năm nay, mồng 4 Tết tôi lên thật sớm để khỏi phải chờ đợi, thế nhưng mới 8 giờ đã thấy trên dưới chục người đang ngồi đợi ở đây rồi. Khó khăn lắm tôi mới có thể tìm được một cái ghế cho riêng mình. Gặp một chị ở Nam Phước, chị kể: “Chị là khách ruột, năm nào cũng lên bà này bói, nếu nhà có việc thì một năm lên nhà bà tới 3, 4 lần, bả chơi ngải nên biết được quá khứ, tương lai trong vòng một năm, nếu mà hỏi tương lai xa hơn thì bả không nói đâu, chỉ nói trong vòng một năm thôi”. Rồi chị kể tiếp: “Có năm chị đi xem có trường hợp những đứa lỡ có bầu trước cũng lên bói thử, cô phán rằng nhà người ta có chấp nhận thì cũng không hạnh phúc đâu, phá đi, tất nhiên việc phá là của bệnh viện còn sau ni làm lễ gì để đứa trẻ không quấy là cô sẽ chỉ sau”.

Tiếng tăm đồn xa, khách hàng của cô Phụng ngày một mở rộng, có những người ở huyện khác như ở xã Điện Dương, Điện Phong (Điện Bàn). Một cặp vợ chồng ở Điện Dương đi từ sáng sớm chưa kịp ăn, đến nơi cũng đã 10 giờ trưa, đói bụng nhưng không dám đi ăn bởi đi thì sẽ mất ghế, nên bấm bụng mà ngồi đợi. “Cô Phụng” cũng vậy, chắc khách đến sớm quá nên “cô” chưa kịp ăn sáng, vừa bói mà miệng cô cứ than đói, năn nỉ khách đi mua giùm ổ bánh mì để ăn mà bói tiếp, bởi thời gian của cô trong ngày Tết là vàng. Chẳng ai chịu đi vì sợ mất chỗ, “cô” đành nhờ mẹ chế hai gói mỳ để ăn, ăn xong lại tranh thủ cho con bú để tiếp tục làm việc. “Cô” nói: “Tụi bây đi năm ni là hên đó, mấy năm là đông lắm, năm ni ta mất mấy cái mối đại gia ở Nam Phước bởi năm ni họ làm ăn thua lỗ quá”. Với căn nhà ba gian, “cô Phụng” dành hẳn một gian nhà dưới để hành nghề.

Trên bàn có một bộ bài và một cái dĩa để “đựng lòng hảo tâm” của khách hàng. Khách đi xem bói ngồi đợi xung quanh, còn “cô” ngồi ở giữa bói bài. Như là một cuộc nói chuyện để lấy tiền, “cô” hỏi gia chủ trước khi phán nào là sinh năm mấy, học ngành gì, có người yêu chưa... Đa số những câu phán của “cô”  dựa theo lẽ hiển nhiên cách nghĩ của mọi người, có điều xấu, điều tốt thế nhưng đa phần là tốt, vừa nói xong “cô” nhìn xung quanh những người ngồi đợi rồi hỏi “đúng không, đúng không” ai nấy đều gật đầu bởi ai cũng biết đó là lẽ hiển nhiên trước mắt, còn “cô” phán những chuyện tương lai thì để tương lai trả lời...

 Đợi gần hai tiếng đồng hồ cũng đã đến lượt tôi, ngay khi ngồi vào bàn “cô” hỏi tên. Để lấy lòng, “cô” nói “cái tên nghe nhẹ nhàng ghê”. Dù rất buồn cười rồi, song tôi cố bịa ra câu chuyện về đường tình duyên của mình: “giờ con đang quen một anh hơn con một giáp, vậy yêu như thế có đến được với nhau không?”. “Cô” phán: “yêu thì yêu hợp đó tại thân với thân là nằm duỗi mà ăn, nhưng cô lại không thấy chữ duyên trong những lá bài con bốc, ngó mờ mờ sao ấy”. Cứ một lần bói xong, để tỏ lòng thành kính, khách xem bói thường để lại tiền trên chiếc đĩa mà “cô” để trên bàn, không quy định bao nhiêu nhưng ít nhất là 50 nghìn đồng. Tôi cũng làm vậy, trước khi ra về và được “cô” dặn: “Năm sau nhớ quay lại nghe”.

N.T