Dấu thiêng còn mãi nơi này
Trên đường Hồ Chí Minh nhánh Cam Lộ - Bến Quan là NTLS quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị), với hơn 10 ngàn mộ liệt sĩ, nơi yên nghỉ của những người con ưu tú đã hy sinh trên đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Hẳn đến đây rồi, ai nấy xúc động bao nhiêu càng muốn tìm đến Khe Hó, điểm xuất phát của con đường Trường Sơn, con đường chiến sự huyền thoại được mở ra đúng 60 năm trước, vào tháng 5-1959, gắn với căn cứ đầu tiên của Đoàn 559 anh hùng. Hang động còn đó, rừng vẫn xanh tươi đây, đời đời tri ân những người con Pa Cô- Vân Kiều cùng bộ đội Trường Sơn đã ngã xuống, để lại dấu thiêng muôn đời.
Già Hồ So và người vợ son sắt, thủy chung, đã cống hiến thanh xuân cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. |
Khe Hó nằm giữa thung lũng hẹp, ở hướng tây - nam Vĩnh Linh, dưới chân dãy núi Động Nóc, kề thượng nguồn sông Rào Thanh, là điểm sâu trên dãy Trường Sơn thuộc xã Vĩnh Hà, H.Vĩnh Linh (Quảng Trị). Tại đây, tháng 5-1959, Đoàn 559 sau khi bàn bạc với tỉnh Quảng Trị và Đặc khu Vĩnh Linh đã quyết định chọn Khe Hó là điểm mở đường Trường Sơn cứu nước, phát triển về hướng tây nam, điểm cuối cùng đặt trạm là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Liên khu 5. Lộ trình tuyến hành lang vượt qua nhiều núi cao hiểm trở, nhiều sông, suối và qua cả hệ thống đồn bốt địch, khẩu hiệu có tính chất mệnh lệnh lúc này là "ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng". Tất cả cho ý đồ chiến lược bí mật chủ động tiến công đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Khe Hó lúc đó là nơi sinh sống của đồng bào Vân Kiều, với tinh thần yêu nước và đoàn kết, bà con nơi đây đã sát cánh cùng bộ đội Trường Sơn thực hiện nhiệm vụ...
60 năm đi qua, chúng tôi may mắn khi còn gặp được một số ít người dân Khe Hó năm xưa đã đồng hành cùng bộ đội trong những ngày đầu "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" ấy. Đó là già bản Hồ So (còn gọi Hồ Khanh), hiện sống tại Khe Hó, xã Vĩnh Hà. Già Hồ So rưng rưng xúc động khi hồi tưởng về những năm tháng hào hùng. Già kể trước khi bộ đội tìm đến nhờ đồng bào giúp đỡ, hướng dẫn chọn những lối đi bí mật, an toàn để mở đường Trường Sơn thì người dân Khe Hó đã cùng cán bộ, chiến sĩ các lực lượng CA, bộ đội, giao liên lần tìm các lối mòn để nối liên lạc giữa miền Bắc với vùng chiến khu Quảng Trị, Thừa Thiên, rồi từ đó chuyển công văn, báo cáo, chỉ thị vào ra các chiến trường khác. Giai đoạn ấy, cả bản Khe Hó chỉ khoảng 45 hộ dân. Với sự đồng lòng của bà con Khe Hó, những chuyến hàng, lương thực, thiết bị, vũ khí đã tập kết sẵn sàng về giữa đại ngàn và bắt đầu hành trình vượt Trường Sơn chính thức vào ngày 13-8-1959. Qua 8 ngày đêm gian khổ, 40 khẩu súng trường, tiểu liên, 10 thùng đạn, một ít quân trang, quân dụng cần thiết đã được đưa đến Tà Riệp thuận lợi, an toàn. Sau đó, Đoàn 559 đẩy nhanh tốc độ vận chuyển...Từ Khe Hó, quân và dân đã vận chuyển hàng đi theo 3 đường chính, lối thứ nhất từ Khe Hó đến Khe Che, một lối khác từ Khe Hó đến Vĩnh Ô, qua đường 9 và đường còn lại bẻ ngược ra đường 20... Dù trên địa bàn có nhiều bản đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng trong giai đoạn này, chỉ riêng người dân bản Khe Hó được biết rõ về tuyến đường bí mật và tham gia gùi lương, tải đạn cho bộ đội.
Già Hồ So trở lại con đường dẫn vào Khe Hó năm nào. |
Cuối năm 1959, tình hình chiến sự có nhiều thay đổi, đòi hỏi sự chi viện một khối lượng lớn hàng hóa, vũ khí từ hậu phương miền Bắc vào phục vụ chiến trường miền Nam. Mặt khác, thời gian này, địch tăng cường lực lượng ra khu vực Đường 9 nên con đường vận tải xuất phát từ Khe Hó vượt Đường 9 vào tây Nam Thừa Thiên Huế gặp rất nhiều khó khăn và có nguy cơ bị lộ. Trong hồi ức của già Hồ So, năm 1960, Mỹ mở các chiến dịch, tiến hành đánh phá nhằm cắt đứt tuyến vận tải chiến lược. Trước tình hình này, chỉ huy Đoàn 559 mở một tuyến đường mới, lật cánh sang tây Trường Sơn, phát triển tuyến chi viện chiến lược và bước đầu tổ chức vận tải cơ giới. Nhưng tuyến hành lang từ Khe Hó vẫn được bộ đội bí mật sử dụng, là cầu nối giữa hậu phương miền Bắc và tiền tuyến miền Nam. Đồng bào Khe Hó vẫn ngày đêm sát cánh chiến đấu và nhiều người đã đổ xương máu giữa đại ngàn. Già Hồ So nhớ trận bom dội xuống Khe Hó năm 1967 làm 2 người bị thương và 5 người hy sinh, họ đều là đồng bào Vân Kiều. "Những người hy sinh gồm Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hà Nguyễn Văn Noàn, anh Hồ Văn Phờng, chị Hồ Thị Hồng, anh Hồ Văn Xả Rả, anh Hồ Xả Lả", già So nghẹn ngào. Già So cùng nhiều đồng bào cũng nhiều lần chứng kiến những chiến sĩ Đoàn 559 ngã xuống trên những nẻo đường Trường Sơn. "Người dân Khe Hó đóng góp nhiều lắm trong cuộc kháng chiến trường kỳ, trong đó có lịch sử mở đường Trường Sơn cứu nước. Nếu có tấm bảng ghi nhớ đặt tại bản cho con cháu mai sau hiểu rõ và thêm tự hào thì thỏa nguyện lắm", lời người tham gia mở đường cứu nước chất chứa nỗi niềm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau năm 1974, do vị trí quá hiểm trở, khó khăn, đồng bào Khe Hó đã dịch chuyển vị trí sinh sống ra gần trung tâm xã như hiện nay, cách vị trí bản Khe Hó cũ chừng 3 giờ đi bộ. Do rừng rậm rạp, đường đi khó khăn nên gần như ít người còn vào ra bản cũ. "Rừng chỉ 1 năm không đi là đã khó lần ra rồi, nhưng chiếc hang trú ẩn của bộ đội năm xưa vẫn còn nguyên vẹn, cũng rất cần đầu tư, xây dựng bia di tích để giáo dục cho thế hệ mai sau", một người dân Khe Hó bày tỏ. Được biết, năm 2011, Khe Hó, điểm mở đường Trường Sơn huyền thoại đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích cấp quốc gia, nên mong mỏi điểm di tích Khe Hó trở thành một điểm đến ấn tượng là nguyện vọng tha thiết lâu nay của không chỉ đồng bào tại Khe Hó, người dân quê hương Quảng Trị mà còn của đồng bào gần xa muốn tri ân, tự hào.
BẢO HÀ