Đầu tư vào Việt Nam không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn vì phát triển con người

Thứ ba, 29/11/2022 13:57
Sáng 28-11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh (GEFE) 2022 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) tổ chức. Sự kiện góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững EU-Việt Nam thông qua đối thoại toàn diện, phối hợp đầu tư, chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại GEFE 2022.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại GEFE 2022.

GEFE 2022 diễn ra từ ngày 28-30-11, với sự tham gia của các chuyên gia, sinh viên, các nhà hoạch định chính sách từ châu Âu, Việt Nam và Đông Nam Á. Mục tiêu chính của GEFE 2022 là góp phần cùng Việt Nam thực hiện các cam kết tại COP26 và hoàn thành các mục tiêu phát triển được nêu trong Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030.

Trước khi tham dự Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu đã cắt băng khai mạc Triển lãm Kinh tế xanh được tổ chức cùng thời gian Diễn đàn với hàng trăm gian hàng triển lãm của 20 nhóm tập đoàn công nghiệp xanh từ các nước châu Âu trong khu trưng bày hơn 6.000m2.

Dự phiên toàn thể trong ngày đầu tiên của GEFE 2022 (ngày 28-11) với chủ đề “tài chính và năng lượng xanh”, các đại biểu cùng thảo luận về phát triển bền vững, các chính sách và kế hoạch năng lượng và quản lý rủi ro khí hậu.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương Việt Nam tổ chức GEFE 2022 với chủ đề vô cùng thời sự "Các sáng kiến và giải pháp xanh từ châu Âu đến Việt Nam". Sự kiện có sự tham gia của đông đảo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, là minh chứng cho sự quan tâm, cam kết của cả Việt Nam và châu Âu về các vấn đề phát triển bền vững.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động, ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Do đó, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh là yêu cầu khách quan đối với Việt Nam, vì mục tiêu đem lại thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh không phải là công việc của một quốc gia, mà là công việc toàn cầu, không quốc gia nào đứng ngoài cuộc, nên kêu gọi đoàn kết toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương. Cùng với đó, đây là vấn đề có tác động toàn dân nên cần có sự hợp tác toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể.

“Mọi chính sách phải hướng đến người dân. Người dân phải tham gia vào xây dựng chính sách, thực thi chính sách với tinh thần: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ thưởng”, Thủ tướng phân tích.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho biết, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đất nước chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Việt Nam đã tích cực xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế thực chất, hiệu quả, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Đặc biệt, sau hơn 2 năm chống dịch, cuộc sống đã trở lại bình thường. 11 tháng qua, kinh tế xã hội phát triển hết sức tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao. Các cân đối lớn được bảo đảm.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia Cam kết giảm phát thải methane toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh thích ứng toàn cầu.

Việt Nam đang tập trung xây dựng 3 trụ cột gồm Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tuân thủ các quy luật thị trường, có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Trong quá trình đó, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực của phát triển.

Cũng theo Thủ tướng, Việt Nam đang thúc đẩy ký kết Hiệp định Bảo hộ đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên mở rộng đầu tư; thúc đẩy việc thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng của Nhóm G7 và Việt Nam (JETP) trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích, công bằng, công lý trong quá trình chuyển đổi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số; thúc đẩy hợp tác công tư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản phẩm, thị trường; khuyến khích đổi mới sáng tạo; đặc biệt bảo đảm chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, đầu tư vào Việt Nam không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì lợi ích phát triển con người, vì tình hữu nghị Việt Nam - châu Âu; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển ngang tầm các doanh nghiệp châu Âu, trên tinh thần là các bên cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

P.T