NHÂN LỄ TẾ NGHĨA SĨ Ở NGHĨA TRỦNG HÒA VANG (NGÀY 4-5):

Dấu xưa Nghĩa trủng Hòa Vang

Thứ hai, 04/05/2015 10:32

(Cadn.com.vn) - Hơn thế kỷ  đã trôi qua nhưng trong tâm khảm của người dân Đà Nẵng, không bao giờ quên những tử sĩ đã ngã xuống trong những ngày đầu chống Pháp. Tại đây, nơi được xem là nghĩa trang quốc gia đầu tiên dưới thời Nguyễn, vẫn lưu dấu về những người chân trần, chí thép mà chống lại súng thép đạn đồng.

Ai đã từng đến Nghĩa trủng Hòa Vang, hẳn đã nhìn thấy cây mù u to lớn và giếng Chăm rêu phong. Dù trời có nắng hạn bao nhiêu, cây mù u vẫn xanh bóng mát, giếng nước vẫn trong đầy. Người cao niên ở P. Khuê Trung bảo, cây mù u, giếng Chăm và cả khu nghĩa trủng Hòa Vang là nơi linh thiêng, là nơi an nghỉ của hàng nghìn nghĩa sĩ đã hy sinh trong buổi đầu kháng Pháp. Và hằng năm, cứ vào những ngày tháng 3 âm lịch, người dân P. Khuê Trung (Q. Cẩm Lệ) lại tập trung ở Nghĩa trủng Hòa Vang để làm lễ tế nghĩa sĩ.

Trong bản văn tế, ta như nghe văng vẳng đâu đây khí thế hào hùng của ông cha ngày đầu chống Pháp: “Nón dấu, đai vàng, khiêng mang, đạn vác. Ra trận tiền, dào dạt chí nam nhi. Cơm vắt, ngủ hầm, lòng son, dạ sắt. Chí căm thù nào vướng mắc chuyện riêng tư…”. Những câu văn tế ấy như khắc họa lại hình ảnh các nghĩa sĩ chỉ có vũ khí thô sơ và lòng quả cảm để đánh trả tàu thép, đạn đồng của quân Pháp nhưng cũng bao phen khiến giặc Tây dương khiếp vía.

Người dân thắp hương tưởng niệm những nghĩa sĩ đã tử trận trong những năm đầu chống Pháp tại Nghĩa trủng Hòa Vang.

Ra đời vào năm 1866, nguyên lúc đầu Nghĩa trủng Hòa Vang được xây dựng ở làng Nghi An  nhưng năm 1920 do Pháp mở sân bay Đà Nẵng nên nhân dân phải di chuyển các phần mộ của “tướng sĩ trận vong” về làng Hóa Khuê Trung. Theo lời các lão niên ở Khuê Trung, lúc bấy giờ, do ông xã Cơ bán đất cho Pháp xây sân bay nên phải di dời nghĩa trủng, nhân dân rất bất bình về việc này nên có thơ ca thán: “Bán dĩ phi thành quách vì ai/ Làng xóm nhân dân đều ứa lệ”. Đến năm 1961, quân Mỹ lại nới rộng sân bay Đà Nẵng về phía Nam nên một lần nữa nghĩa trủng phải dời đến nơi hiện nay là ở P. Khuê Trung.

Điều đáng nói là, Nghĩa trủng Hòa Vang do chính vua Tự Đức cấp tiền để nhân dân xây dựng vì hơn 1.000 ngôi mộ ở đây đều là những tướng sĩ hy sinh khi đánh Pháp tại Đà Nẵng, thế nên được xem là nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của đất nước dưới thời Nguyễn. “Trước đây ông nội tôi có kể, khi chuyển nghĩa trủng về đây thì thấy trong một ngôi mộ có chiếc thẻ bài bằng vàng và thanh kiếm lệnh, biết là mộ của một vị tướng nên dân làng đã xây mộ lớn cho vị tướng này. Ngày trước dân làng ở Khuê Trung phải dành tiền từ việc thu thuế ruộng làng để lo cúng tế vong hồn các tử sĩ, kết hợp với lễ tế tiền hiền làng. Những tiền nhân nằm đây đều hy sinh vì nước nên từ xưa nhân dân đã rất tôn kính. Nhân dân tổ chức lễ tế nghĩa sĩ là để khắc ghi công lao của ông cha, những người đã làm nên lịch sử cho quê hương, dân tộc, những người không tiếc máu xương để bảo vệ Tổ quốc”–ông Ngô Văn  Điền, một cao niên ở P.Khuê Trung nói.

Hiện nay, dấu tích xưa còn lại của Nghĩa trủng Hòa Vang là tấm bia bằng sa thạch có đề 4 chữ lớn: “Hòa Vang nghĩa trủng”, cùng với năm lập bia là “Tự Đức thập cửu niên” và bên cạnh có trụ đá khắc 2 câu đối: “Ân triêm khô cốt di truyền cổ - Trạch cập tàn hồn tái kiến kim”. Nghĩa trủng Hòa Vang đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia vào năm 1999.

Ở Nghĩa trủng Hòa Vang, những câu chuyện, sự quả cảm của những tử sĩ “nón dấu, đai vàng, khiên mang, đạn vác” vẫn còn được kể mãi, dấu xưa về nơi này vì vậy vẫn mãi được nhân dân gìn giữ.

Minh Hà