Đầu xuân đi săn cầy hương
(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, nhất là sau Tết Nguyên đán Tân Mão, trên địa bàn các xã phía nam, H. Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình và một số nơi thuộc miền tây Quảng Trị rộ lên thực trạng: các thợ săn “chuyên” lẫn “không chuyên” đổ xô vào rừng đi săn cầy hương.
Đặc sản của miệt rừng
Cầy hương là một loài thú sinh sống nhiều trong các khe suối, bụi bờ thuộc các cánh rừng khu vực phía nam H. Lệ Thủy (Quảng Bình) và một số nơi thuộc vùng núi phía tây bắc tỉnh Quảng Trị. Cầy hương nặng trung bình từ 2 - 4 kg, dài thân 53 – 64cm, lông màu xám bẩn. Loài này sống đơn độc và kiếm ăn đêm (thường từ chập tối đến nửa đêm). Con đực có tuyến xạ nằm giữa hậu môn và tinh hoàn. Xạ hương trong Đông y được xem là một dược liệu quý có tác dụng chữa trị nhiều căn bệnh như đau khớp, viêm xoang… Ngoài ra nó còn là một nguyên liệu dùng để sản xuất nước hoa. Thịt cầy hương mềm, thơm, ngọt và ngon, được dân nhậu xem như một đặc sản thứ thiệt của vùng miệt rừng, không thể làm giả và không thể… bỏ qua. Vì thế, cầy hương sau khi được các thợ săn bắt về luôn được các đầu nậu chào đón.
Anh Nguyễn Văn Hùng, một thợ săn lâu năm trong vùng ở xã Thái Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) cho biết, giá cầy hương hiện nay trên thị trường vào khoảng từ 600 đến 750 ngàn đồng một ki-lô-gam, và tùy theo mùa mà giá của nó cao hay thấp. Theo quan niệm của nhiều người dân ở đây, ăn cầy hương vào dịp Tết, đầu năm sẽ mang nhiều may mắn nên vào thời gian này giá thu mua cầy hương khá cao.
Không chỉ được xem là món nhậu đặc sản, bộ lông cầy hương còn có thể làm thú nhồi bông. Sau khi lột da làm thịt, bộ lông này sẽ được những người chơi nhồi mùn cưa vào bên trong và biến nó trở thành một vật cảnh dùng để làm đồ trang trí nội thất.
![]() |
Cận cảnh buổi đi săn cầy hương. Ảnh: N.P |
Một buổi đi săn…
Theo chân anh Hùng, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình săn cầy hương. Lúc màn đêm bắt đầu buông xuống, bóng tối tràn ngập khắp xóm làng đó cũng là lúc cuộc hành trình bắt đầu. Những dụng cụ cần thiết anh mang theo là một cái đèn soi, một chiếc điện thoại (để liên lạc khi nào cần thiết có sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, 1 cây rựa dùng để phát dọn đường đi khi băng rừng, một bao lưới khoảng 20m (dùng khi vây bắt và chặn các hướng di chuyển của cầy hương). Dụng cụ “tác nghiệp” của anh còn có một cây sào tre dài khoảng 11-12m, ở đầu nút còn có buộc một thòng lọng bằng sợi cước, nó có thể khép chặt hay mở ra theo ý người dùng. Theo anh Hùng, nó được dùng để tóm gọn con vật khi nó đang ở trên cây. Và đặc biệt, phụ tá không thể thiếu được trong cuộc hành trình này là bầy chó 5 con của anh. Anh Hùng cho hay, đây là một trong 3 bầy chó săn tốt và kinh nghiệm nhất vùng, chúng có thể chạy đuổi con mồi 3 cây số liên tục mà không biết mệt.
Lần theo con đường nhỏ dẫn vào một khu rừng thông, chúng tôi men theo một lối mòn hẹp, hai bên cây lá um tùm, rậm rạp. Bầy chó lăng xăng chạy trước, chúng tôi lần mò theo sau với chỉ một ngọn đèn soi nhỏ giữa khu rừng thông đêm rộng mênh mông. Bỗng một con chó dừng lại, nó đưa cái mũi “thợ săn” của mình ngửi ngửi vào một cái gì đó, anh Hùng tiến lại gần, soi kỹ, thì ra đó là một cục phân. Anh chỉ tay và nói “cục phân của hắn đấy, còn mới lắm, chắc là đang ở mô đó gần đây thôi!”.
![]() |
Thành quả của buổi săn. |
Lũ chó như đã đánh hơi được con mồi, chúng sủa inh ỏi và bắt đầu chạy, chúng tôi với một đống “đồ nghề” nặng trịch cũng chạy theo sau… Chạy được một lúc, bầy chó dừng lại dưới một gốc cây tràm, chúng sủa thêm phần dữ dội hơn. Con chó đầu đàn dùng móng chân cào như điên dại vào gốc cây. Dừng lại, anh Hùng thì thầm: “Hắn đang ở trên cây tràm ni”. Anh rọi đèn, một đôi mắt đỏ sáng rực đang lăm lăm nhìn xuống. Thì ra, đây chính là “đốm” của con cầy hương, sau một hồi bị lũ chó truy đuổi, khi không còn đường chạy đã leo lên cây “lánh nạn”. Anh Hùng để đống đồ nghề trong chiếc ba lô sau lưng xuống đất, lấy ra một cây rựa và khúc lưới giăng, sau đó cẩn thận phạt ngang những bụi bờ xung quanh gốc cây cho gọn, và dùng khúc lưới giăng quanh cây tràm thành một vòng tròn khép kín. Trong lúc đó, tôi được anh phân công theo dõi và canh chừng con mồi trên cây. Khi mọi thứ đã xong, anh kiểm tra lại một lần nữa, huýt sáo ra hiệu cho lũ chó nằm xuống và sẵn sàng vồ lấy con mồi nếu nó nhảy xuống. Anh cầm cây sào tre nới rộng vòng cước trước mút, nhìn lên chỗ con vật đang “thủ thế” để định vị trí cái đầu của nó cho chính xác. Anh bảo tôi dùng cây đèn soi rọi thẳng vào mắt cho nó bị lóa ánh đèn rồi nhẹ nhàng lòn cái thòng lọng vào cổ con vật và giật mạnh. Vòng tròn thắt lại, cái đầu con mồi đã nằm gọn trong vòng dây…
“Chẳng còn bao nhiêu”
Bắt được con mồi, chúng tôi lần mò trở lại con đường mòn. Anh Hùng vui vẻ cho biết: “Hôm ni may đó anh à! Không phải hôm mô đi cũng gặp (cầy hương) vậy mô! Nhiều hôm đi cả đêm, mà chẳng có con mô hết. Có khi gặp thì bị sẩy, có khi thì do nó nhảy xuống, mình không chụp kịp nên bị chó cắn chết, bán thấp giá lắm!”.
Theo anh Hùng, thợ săn cầy hương không chỉ có dân bản địa ở trong vùng mà còn đến từ nhiều vùng khác, thậm chí là ngoài tỉnh. Sau một thời gian ngắn cùng các thợ săn bản địa ở đây “cày ải” dọc các cánh rừng thuộc khu vực nam H. Lệ Thủy, giờ đây khi số lượng cầy hương chẳng còn bao nhiêu, họ lại thay đổi địa bàn hoạt động đến những nơi khác thuộc các cánh rừng phía tây tỉnh Quảng Trị. Chính vì phong trào săn bắt cầy hương rầm rộ như hiện nay mà giá bán của nó càng lúc càng “tăng tiến”, cung không đủ cầu trên thị trường, và cũng theo đó mà loài cầy hương ở những nơi này ngày càng giảm đi về số lượng. Trước đây, mỗi thợ săn săn được 7-8 con/tháng, nhưng giờ thì khá lắm một tháng chỉ có 2 con là cùng, có tháng không có con nào.
Khi phong trào săn bắt cầy hương trở nên rầm rộ như hiện nay, kéo theo đó là nguy cơ về sự thuyên giảm của loài động vật quý hiếm này ở các khu rừng miền tây Quảng Bình- Quảng Trị ngày càng hiện hữu. Và, đã manh nha những doanh nghiệp, hộ gia đình bắt đầu nghiên cứu nhân giống, phổ biến kỹ thuật và đưa loài cầy hương vào chăn nuôi rộng rãi trong nhân dân như một mô hình sản xuất mới, góp phần cứu nguy sự tận diệt của loài thú quý này.
Nguyên Phi