Đẩy đuổi “bạn của nhà nông”
(Cadn.com.vn) - Những ngày qua, dư luận xôn xao trước chuyện người dân một số xã ở hai huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã bao vây, đập phá, xịt thuốc làm hàng trăm nghìn con ong của trại nuôi bị chết, vì cho rằng đàn ong có thể gây hại cho đồng lúa, dẫn đến giảm năng suất và mất mùa, Trước đó, tình trạng này cũng đã xảy ra ở H. Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam), khi chính quyền ở đây còn có văn bản đẩy đuổi các chủ trại ong khi họ di chuyển đàn ong tới đấy. Chuyện tưởng như đùa mà lại có thật, ngẫm lại thấy thật buồn, nhất là khi người nông dân đã thiếu hiểu biết lại được chính quyền cấp xã ở một vài nơi “bật đèn xanh” để người dân phá hoại đẩy đuổi đàn ong mật, đồng tình với dân trong việc “tẩy chay” các chủ trại ong khi họ di chuyển đàn ong đến địa phương mình.
Nuôi ong lấy mật. |
Những ai có chút kiến thức về sinh vật học, những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp, thậm chí những học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường ít nhiều đều hiểu được con ong là loài hút mật, bay từ hoa này sang hoa khác, nó mang nhụy bông từ hoa này sang hoa khác, vô hình trung sẽ thụ phấn cho hoa. Nói sâu hơn một chút về chuyên môn thì cây lúa là cây tự thụ phấn nên việc ong hút nhụy không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của nó.
Thực tế chưa có xảy ra một trường hợp nào khẳng định loài ong gây hại cho lúa. Và cũng chưa có nghiên cứu nào cho thấy loài ong làm giảm năng suất lúa. Đại bộ phận người dân nghĩ tốt về con ong mật, vì nó chỉ đem cái lợi cho con người từ cung cấp mật ngọt đến việc giúp thụ phấn cho các loại cây trồng được nhanh hơn, đem lại trái ngọt cho đời. Vậy mà nó bị người ta xua đuổi, giết chết, một số đàn đang bị chủ trại ong nhốt kín vì sự đe dọa của người dân, có nguy cơ chết đói nữa. Thật đáng thương cho những con ong vô tội.
Từ tình trạng này, cần xem lại vai trò của cơ quan chuyên môn là ngành nông nghiệp khi chưa làm tốt công tác tuyên truyền, công tác khuyến nông về lợi ích của việc nuôi ong đối với sản xuất nông nghiệp, đó là chưa nói là đối với cuộc sống xã hội vì lợi ích về mặt y học của mật ong. Sự thiếu hiểu biết của một bộ phận nông dân Quảng Ngãi, Quảng Nam là không nên để kéo dài, cơ quan chuyên môn là ngành nông nghiệp khuyến nông, Hội Nông dân cần vào cuộc tích cực hơn nữa để tuyên truyền, vận động nông dân về sự vô hại của con ong mật với đồng lúa, ích lợi của nó với việc tăng năng suất cây trồng.
Mặt khác, chính quyền ở những địa phương trên cũng nên tiếp thu những hướng dẫn của ngành chuyên môn từ trung ương đến địa phương về lợi ích của ong mật đem lại cho nông nghiệp, từ đó có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ các đàn ong mật, người bạn gần gũi và hữu ích không những của nhà nông và cho cả cuộc sống chúng ta.
Để kết thúc bài viết này, xin lấy ý kiến của ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi ong Việt Nam khi đề cập đến “chuyện lạ” này: “Trên thế giới không có nước nào đuổi ong đi cả. Ở một số nước có nền nông nghiệp tiên tiến, chủ trang trại còn phải thuê ong về nuôi để thụ phấn cho cây trồng. Chẳng hạn như ở Mỹ, chủ trang trại phải thuê 150 USD/đàn ong/vụ đến thả. Người ta biết tận dụng đàn ong để thụ phấn nhằm nâng cao năng suất cây trồng”.
Sản xuất nông nghiệp nước ta đang hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì vậy không thể để tình trạng đáng buồn nêu trên kéo dài hơn nữa.
Dân Hùng