Dạy nghề lưu động
(Cadn.com.vn) - Trung tâm Dạy nghề thanh niên (DNTN) thuộc Tỉnh đoàn Quảng Nam đã kết nối với các huyện, thành phố và các doanh nghiệp để tổ chức đào tạo nghề lưu động phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu lao động từng địa phương.
Dạy nghề lưu động
Lớp dạy nghề đan mây tre cho phụ nữ tại xã miền núi Tam Thạnh do Trung tâm DNTN Quảng Nam phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH H. Núi Thành và Cty Sản xuất mây tre Âu Cơ tổ chức vừa kết thúc sau 3 tháng qua dạy và học tích cực. Đều đặn 5 ngày mỗi tuần, 60 lao động nữ tại địa phương tập trung tại trụ sở xã để được hướng dẫn đan các mặt hàng mây tre xuất khẩu. Ngay sau khi xong khóa học, các học viên được Cty Sản xuất mây tre Âu Cơ cung cấp nguyên vật liệu để đan các mặt hàng khay mây, ghế mây theo mẫu mã đã được học. Chị Phạm Thị Ngọc, ở thôn 1, xã Tam Thạnh cho biết: “Tôi sức khỏe yếu, con gái bị khuyết tật nên không thể làm nghề rừng như nhiều chị em khác trong thôn. Sau khi được học nghề mây tre đan, mẹ con tôi có việc làm ngay tại nhà, công việc phù hợp với sức khỏe và có thu nhập ổn định”.
Với hình thức dạy nghề lưu động, từ đầu năm đến nay, Trung tâm DNTN chú trọng đào tạo các nghề phi nông nghiệp như: đan mây tre, may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, nề hoàn thiện cho hơn 300 học viên. Đồng thời tư vấn nghề cho 261 lao động; tư vấn việc làm là 873 người...
Nghề mộc dân dụng thu hút nhiều lao động trẻ ở nông thôn và miền núi Quảng Nam tham gia. |
Cùng với các trường, các trung tâm và đơn vị có chức năng dạy nghề, Trung tâm DNTN Quảng Nam đã linh hoạt và nhanh nhạy trong việc đào tạo nghề tại chỗ, khảo sát nhu cầu của thanh niên cũng như nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng để có kế hoạch mở hoặc liên kết mở các lớp đào tạo ngắn hạn, trung hạn đáp ứng nhu cầu thị trường lao động nên thu hút nhiều thanh niên nông thôn tham gia. Ông Hồ Quang Lĩnh - Giám đốc Trung tâm DNTN Quảng Nam cho biết, trung tâm đang liên kết với Công ty Sản xuất Âu Cơ đào tạo và giải quyết việc làm cho 500 lao động tại các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Tiên Phước và TP Tam Kỳ.
Ngay sau khi khóa học kết thúc, các học viên sẽ có việc làm và thu nhập ổn định tại các cơ sở sản xuất của công ty đóng chân tại địa phương. “Với phương châm đem nghề đến với từng hộ gia đình, đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu lao động từng địa phương, nên mô hình dạy nghề lưu động tiếp tục được trung tâm ưu tiên triển khai trong thời gian tới” - ông Lĩnh nói.
Giải quyết việc làm tại chỗ
Từ năm 2006 đến nay, mỗi năm Trung tâm DNTN Quảng Nam tổ chức khoảng 50 lớp dạy nghề cho hơn 1.500 lao động tại các địa phương trong tỉnh. Riêng trong năm 2013, trung tâm đã đào tạo được 54 lớp với 1.705 học viên; trong đó trình độ sơ cấp nghề có 654 học viên và học nghề từ 3 tháng trở lên là 1.051 học viên. Ngoài ra, trung tâm còn trực tiếp tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 180 hộ gia đình trẻ tại huyện miền núi Bắc Trà My và H. Đại Lộc. Ông Hồ Quang Lĩnh cho biết: “Năm 2014, chúng tôi phấn đấu đạt chỉ tiêu tư vấn việc làm cho 2.500 lao động, tư vấn nghề cho 1.200 lượt lao động trẻ. Đồng thời hỗ trợ dạy nghề và xây dựng mô hình phát triển kinh tế thanh niên tại xã Duy Sơn (Duy Xuyên) và Điện Phước (Điện Bàn). Trung tâm tiếp tục phát huy mô hình đào tạo nghề lưu động cho lao động nông thôn, chú trọng mở rộng địa bàn tuyển sinh học nghề, đa dạng thêm các ngành nghề đào tạo, đi đôi với việc thành lập các mô hình phát triển thanh niên, đáp ứng nhu cầu tự tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên”.
Lớp dạy nghề mây tre đan do Trung tâm DNTN Quảng Nam tổ chức tại xã Tam Thạnh, H. Núi Thành. |
Trước khi đào tạo nghề, Trung tâm DNTN Quảng Nam liên kết và ký hợp đồng tuyển lao động với các doanh nghiệp, xí nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng. Nhờ đó mà có hơn 90% học viên có việc làm ngay sau khi được đào tạo. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề thanh niên nông thôn, trung tâm không ngừng củng cố đội ngũ, tăng cường cán bộ tư vấn có chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, kịp thời nắm bắt những biến động, yêu cầu thị trường lao động, liên kết với các phòng, ban và các doanh nghiệp, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động nông thôn.
Chất lượng lao động sau đào tạo được các địa phương và doanh nghiệp tuyển dụng đánh giá cao. Ông Nguyễn Xướng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH H. Núi Thành đánh giá: “Trung tâm DNTN Quảng Nam là đối tác chính của chúng tôi trong việc tư vấn và dạy nghề cho lao động nông thôn tại địa phương. Chất lượng lao động qua đào tạo nghề từ trung tâm đáp ứng yêu cầu tại các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như có việc làm tại chỗ và thu nhập ổn định cho gia đình”.
Ông Hồ Quang Lĩnh, Giám đốc Trung tâm DNTN Quảng Nam cho biết: “Thời gian qua, cán bộ và giáo viên của trung tâm đã đến các vùng sâu, vùng xa trực tiếp mở hàng chục lớp dạy nghề tại chỗ cho lao động trẻ ở nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Rất mừng là có trên 90% trong số ấy hiện đã có việc làm và thu nhập ổn định tại địa phương. Nhiều người mở cơ sở riêng, vừa có thu nhập khá vừa góp phần giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên tại địa phương. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục chú trọng đến các nghề truyền thống tại địa phương để góp phần vào việc khôi phục và phát triển làng nghề trong giai đoạn hiện nay”.
Bài, ảnh: Thạch Hà