Dạy nghề thanh niên miền núi: Khó khăn đầu vào, bế tắc đầu ra
(Cadn.com.vn) - Để nâng cao tay nghề cho người lao động miền núi, từng bước xóa đói giảm nghèo, tỉnh Quảng Nam đã cho đầu tư xây dựng trường Trung cấp nghề thanh niên dân tộc miền núi Quảng Nam, đóng tại xã Cà Dy, H. Nam Giang. Sau hơn 5 năm đưa vào hoạt động với sự đầu tư cơ sở vật chất thiết bị giảng dạy khang trang, sạch đẹp nhưng trường vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Vừa khó khăn trong việc tuyển sinh, mỗi năm lại có hàng chục học sinh bỏ học nửa chừng với lý do nhà xa, không có người làm rẫy. Bên cạnh đó. việc tìm việc làm đầu ra cho sinh viên cũng đang lâm vào cảnh bế tắc.
Trường trung cấp nghề thanh niên dân tộc miền núi Quảng Nam với hai khu nhà được xây dựng khang trang gồm giảng đường và khu ký túc xá. Có mặt tại trường vào những ngày đầu năm học, nhưng không khí vẫn im lìm, vắng vẻ. Ông Ngô Văn Vinh (Trưởng phòng đào tạo) cho biết: “Những năm trước chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 100 em, năm nay được nâng cao lên 150 em nhưng so với qui mô của trường thì vẫn còn rất ít. Ngay từ tháng 3 chúng tôi đã làm tờ rơi phát về các trường THPT trên địa bàn tỉnh để thông báo tuyển sinh, phân công người về tận các trường phổ biến nhưng vẫn rất khó khăn trong việc thu hút học sinh vì giờ các em có nhiều sự lựa chọn, em nào cũng muốn học ở đồng bằng”.
Học sinh Trường trung cấp nghề thanh niên dân tộc miền núi trong buổi học chính trị đầu năm. |
Ông Vinh còn cho biết thêm công tác dạy nghề miền núi khó khăn hơn ở đồng bằng rất nhiều bởi tâm lý các em còn cho rằng học nghề ra cũng không để làm gì hoặc thích chọn các trường ở đồng bằng. Một số em thì trượt đại học cao đẳng thì đều nghỉ ở nhà phụ cha mẹ làm rừng, làm rẫy. Số học sinh tuyển vào đầu năm khó khăn là vậy nhưng chỉ được vài tuần hoặc vài tháng có em bỏ dở giữa chừng, hoặc có em đến mùa rẫy về nhà phụ gia đình rồi ở nhà luôn không đi học lại.
Chính vì lý do đó mà công tác quản lý học sinh, đảm bảo số lượng học sinh hết khóa học vô cùng khó khăn. Trường Trung cấp nghề thanh niên dân tộc miền núi Quảng Nam đào tạo 9 nghề trong đó những nghề được theo học nhiều nhất là may và làm mộc. Tham gia học tại trường các em được miễn phí 100% học phí và được bố trí chỗ ở, được nhận học bổng chính sách 920.000 đồng. Mặc dù nhiều ưu đãi như vậy nhưng đa số học sinh miền núi còn mơ hồ về ngành nghề, không có trình độ cũng như khả năng tồn tại với nghề đã học. Theo học 1,2 năm không thấy việc làm đầu ra các em tự ý nghỉ làm lãng phí những khoản đầu tư.
“Không chỉ khó khăn về công tác tuyển sinh mà việc tìm kiếm việc làm cho các em học sinh vẫn còn nhiều khó khăn. Những lao động miền núi được đào tạo đều là đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở nơi xa xôi hẻo lánh trình độ thấp nên việc tiếp cận nghề còn nhiều khó khăn, tay nghề không cao và các em quen làm nương rẫy nên không có tác phong công nghiệp. Quá trình đào tạo chúng tôi cũng chú ý để hướng các em tới sự nhanh nghẹn, hoạt bát trong môi trường làm việc công ty, xí nghiệp nhưng vẫn chưa thể thay đổi hoàn toàn. Hơn thế nữa, việc liên hệ tìm việc làm vẫn còn khó khăn vì hiện nay học sinh đồng bằng vẫn được các doanh nghiệp ưu tiên hơn”, ông Vinh nói.
Không chỉ tuyển sinh mà để chọn được những giáo viên tâm huyết có tay nghề, có khả năng giảng dạy cho học sinh miền núi lại càng khó khăn hơn. Hiện nay trường có 35 cán bộ, giáo viên đang làm việc hầu hết đều là người Kinh nên việc truyền đạt đến với các em học sinh cũng còn nhiều bất cập. Những từ ngữ chuyên ngành, máy móc, thiết bị cũng khiến nhiều em bỡ ngỡ. Ông Ngô Văn Vinh cho rằng để công tác dạy và học nghề cho học sinh miền núi thực sự có hiệu quả cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp các ngành, giữa nhà trường và các doanh nghiệp cũng như từng địa bàn miền núi Quảng Nam. Có như vậy mới tạo cho các em một sự hứng thú với nghề và để việc học nghề của học sinh miền núi không đi vào ngõ cụt.
Hà Dung